Gen Z Trung Quốc đua nhau tích trữ hạt đậu vàng

Tình trạng giảm phát của Trung Quốc ở mức xấu nhất trong 15 năm, thị trường chứng khoán biến động và lãi suất ngân hàng thấp so với mong muốn là những lý do khiến nhiền Gen Z như Tina Hong, 18 tuổi đặt niềm tin vào hạt đậu làm bằng vàng như một cách tiết kiệm tài sản.

Chỉ nặng khoảng 1 gram, những hạt đậu và các dạng trang sức bằng vàng khác ngày càng được coi là khoản đầu tư an toàn nhất đối với giới trẻ Trung Quốc trong thời đại kinh tế bất ổn. Đó là một phần trong xu hướng tiêu dùng lớn hơn đối với tất cả mọi thứ bằng vàng – từ vàng miếng đến đậu và vòng tay – đang lan rộng khắp đại lục.

Tina Hong, sinh viên năm nhất ngành khoa học máy tính ở tỉnh Phúc Kiến, bắt đầu mua hạt đậu vàng vào tháng 1 vì giá tương đối thấp, khoảng 600 nhân dân tệ (83 USD)/gram. Cô lý luận: “Về cơ bản, tiền sẽ sinh sôi nếu mua vàng”. Cô cho biết mình đã mua được 2 gram đậu vàng và sẽ tiếp tục mua chúng miễn là giá thấp hơn giá vàng quốc tế.

 Những hạt vàng được bày bán bên trong cửa hàng trang sức Luk Fook ở Thượng Hải. Nhiếp ảnh gia: Qilai Shen/Bloomberg

Những hạt vàng được bày bán bên trong cửa hàng trang sức Luk Fook ở Thượng Hải. Nhiếp ảnh gia: Qilai Shen/Bloomberg

Được coi là điểm đầu tư dành cho người tiêu dùng trẻ tuổi, những hạt đậu vàng được đựng trong lọ thủy tinh là mặt hàng bán chạy mới nhất trong các cửa hàng trang sức Trung Quốc.

Theo Báo cáo xu hướng tiêu dùng trang sức Trung Quốc năm 2023 của Chow Tai Fook Jewellery Group Ltd, người tiêu dùng thế hệ Z - bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ thất nghiệp cao và tình trạng giảm phát của đất nước - hiện nằm trong số những người tiêu dùng phụ kiện bằng vàng hàng đầu tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Sức hấp dẫn của vàng xuất hiện khi người dân quay trở lại mua sắm giữa bối cảnh tăng trưởng đáng thất vọng trong nhiều tháng qua.

Theo đó, sự thiếu niềm tin vào các khoản đầu tư truyền thống đã thúc đẩy cơn sốt vàng mới ở Trung Quốc.

Thị trường chứng khoán quốc gia đã chứng kiến sự sụt giảm sau khi mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19. Trong khi đó, tầng lớp trung lưu của đất nước đang phải gánh chịu hậu quả của sự suy thoái bất động sản – trong khi ngân hàng trung ương đã hạ lãi suất cơ bản bốn lần kể từ tháng 12 năm 2021, ăn vào lợi nhuận của các sản phẩm quản lý tài sản.

Nikos Kavalis, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Metals Focus Ltd có trụ sở tại London (Anh), cho biết giới trẻ đang bỏ qua “tiêu dùng thú vị” và thay vào đó mua “đồ trang sức kiểu tài sản” như đậu vàng để đầu tư.

Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng sẽ không có ý nghĩa gì khi đầu tư vào đậu vàng hoặc các mặt hàng vàng khác vì giá của chúng thường cao hơn giá giao ngay của hàng hóa từ 10% đến 30%. Ông nói rằng các nhà đầu tư sẽ cảm thấy được lợi hơn bằng cách gửi tiền vào các quỹ ETF vàng.

 Đồ trang sức bằng vàng được bày bán bên trong cửa hàng trang sức Luk Fook. Nhiếp ảnh gia: Qilai Shen/Bloomberg

Đồ trang sức bằng vàng được bày bán bên trong cửa hàng trang sức Luk Fook. Nhiếp ảnh gia: Qilai Shen/Bloomberg

Tuy nhiên, niềm đam mê với vàng vẫn đang lan rộng trên mạng xã hội tại Bắc Kinh. Trên Weibo – trang mạng xã hội thịnh hành nhất Trung Quốc, hashtag “Tại sao người trẻ lại mua vàng” đã thu được 91 triệu lượt truy cập. Một cuộc thảo luận sôi nổi về giá trị lâu dài của vàng đang thống trị trang mạng xã hội, với một bài đăng phổ biến nói rằng “mua vàng sẽ tránh xa rắc rối”.

Theo báo cáo năm 2021 của Hội đồng Vàng Thế giới, 3/4 người tiêu dùng vàng hiện nay ước tính ở độ tuổi từ 25 đến 35 và nhiều người tin rằng đầu tư vào vàng có rủi ro thấp. Niềm tin đó càng được củng cố khi giá vàng đạt nhiều mức cao lịch sử kể từ tháng 12. Vàng thỏi lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 2.100 USD/ounce trong tháng này.

Theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc, doanh số bán vàng, bạc và đồ trang sức đạt mức cao nhất trong 6 năm vào tháng 12, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim loại quý hiện đại diện cho một trong những thị trường tiêu dùng phát triển nhanh nhất ở Bắc Kinh.

Người phát ngôn của hãng kim hoàn Trung Quốc Luk Fook Holdings International Ltd cho biết, việc mua đậu vàng để làm quà tặng và đầu tư cũng đạt đỉnh điểm trong dịp Tết Nguyên đán ở nước này.

Thậm chí, các ngân hàng cũng tìm cách liên kết với các nhà bán lẻ vàng truyền thống để bán hạt đậu vàng. Ví dụ: ngân hàng China Merchants Bank đã giới thiệu dòng sản phẩm đậu vàng vào tháng 7/2023.

Cindy Yeung, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Emperor Watch & Jewellery Ltd., cho biết: “Bất chấp giá vàng Trung Quốc tăng vọt gần đây, người tiêu dùng vẫn thể hiện sự ưa chuộng mạnh mẽ”. Giống như các nhà bán lẻ trang sức lớn khác, Emperor đang đề cao hoạt động kinh doanh vàng trên các nền tảng truyền thông xã hội và thương mại điện tử.

Điệp Nguyễn (Theo Bloomberg)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gen-z-trung-quoc-dua-nhau-tich-tru-hat-dau-vang-post288186.html