Gen Z và những áp lực 'không tên'

Nhạy cảm, mỏng manh, dễ tổn thương và hay lo âu có lẽ là những từ được nghe nhiều nhất khi nhắc đến thế hệ Gen Z (những người sinh khoảng năm 1997 đến 2012). Thay vì chỉ chê trách, sự thấu hiểu từ các thế hệ trước có thể giúp Gen Z vượt qua những áp lực và khó khăn tâm lý mà họ gặp phải.

Nhiều bạn trẻ bật khóc khi chia sẻ câu chuyện của mình tại chương trình tư vấn tâm lý miễn phí dành cho giới trẻ. (Ảnh: Phương Hà)

Nhiều bạn trẻ bật khóc khi chia sẻ câu chuyện của mình tại chương trình tư vấn tâm lý miễn phí dành cho giới trẻ. (Ảnh: Phương Hà)

Một thế hệ dễ “vỡ”?

Không phải ngẫu nhiên khi thế hệ Gen Z được gắn mác như vậy, nhiều nghiên cứu, báo cáo đã chỉ ra rằng tỉ lệ rối loạn tâm lý, stress, trầm cảm đang ngày càng gia tăng ở thế hệ này. Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, chỉ 45% Gen Z cho biết sức khỏe tâm thần của họ ổn hoặc rất tốt, đây là con số thấp hơn nhiều so với các thế hệ trước đó.

Là một người thuộc thế hệ Gen Z, Thùy Linh (26 tuổi, Hà Nội) thừa nhận rằng bản thân cũng có nhiều cảm xúc như căng thẳng, lo lắng và cô đơn. “Nhất là sau đại dịch COVID-19, tâm trạng tôi thường rơi vào trạng thái tiêu cực. Có những ngày tôi thức dậy với cảm giác buồn chán, mệt mỏi và nhạy cảm. Khi đó nếu có ai nói nặng lời hay có chuyện gì không được như ý muốn tôi có thể bật khóc ngay lập tức”, Thùy Linh bày tỏ.

Trên thực tế, có nhiều bạn trẻ cũng đang gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần như Thùy Linh. Nhẹ thì căng thẳng, rối loạn giấc ngủ, nặng hơn thì trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần… Dù ở mức độ nào, các vấn đề về sức khỏe tinh thần đều có tác động xấu đến cuộc sống của con người. Chúng không chỉ làm suy giảm sức khỏe thể chất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công việc thường ngày và các mối quan hệ xung quanh.

Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng việc Gen Z trở thành một thế hệ dễ “vỡ” không phải là ngẫu nhiên. Thực tế, trong quá trình trưởng thành, thế hệ này phải đối mặt với một loạt áp lực “không tên” từ nhiều phía, bao gồm bạn bè, gia đình, xã hội và chính bản thân họ. Tại mỗi ngưỡng cửa của cuộc đời đều xuất hiện những thử thách khổng lồ và “hàng tấn” áp lực đè nặng lên vai. Việc sống trong thời đại mọi thứ phát triển quá nhanh cũng đặt Gen Z vào một cuộc đua không ngừng về thành công, hình ảnh và định kiến xã hội.

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Gen Z phải đối mặt với áp lực học tập với sự cạnh tranh ác liệt và kỳ vọng cao của gia đình. Mới vào mẫu giáo, các em đã bắt đầu tham gia vào các lớp luyện chữ, học tiếng Anh và các môn năng khiếu khác. Khi lên đến tiểu học và trung học, lịch học của các em thường kín mít, kể cả vào cuối tuần, hầu như không có thời gian để nghỉ ngơi. Càng học lên cao áp lực càng lớn, các kỳ thi chuyển cấp, thi đại học, thi tốt nghiệp trở thành nỗi ám ảnh của những đứa trẻ.

Đến khi trưởng thành, Gen Z đối mặt với áp lực về tương lai. Trong bối cảnh kinh tế không ổn định, để có được một công việc và gây dựng tương lai trở thành một thách thức rất lớn. Trước sự biến động của thị trường lao động và làn sóng sa thải, đình chỉ, đòi hỏi Gen Z phải không ngừng học hỏi và thích nghi để có thể duy trì công việc.

Thêm vào đó, sự không chắc chắn về tương lai, nghề nghiệp khiến cho vấn đề “cơm áo gạo tiền” trở nên đáng lo ngại hơn bao giờ hết. Gen Z phải đối mặt với áp lực lớn trong việc duy trì nguồn thu nhập ổn định, chi tiêu hợp lý và tích lũy tiết kiệm. Áp lực về tài chính gia tăng khi họ phải cân nhắc giữa các khoản chi tiêu thiết yếu và những nhu cầu cá nhân.

Chưa kể, nhiều bạn trẻ tài chính có hạn nhưng vẫn có xu hướng chi tiêu cho những món đồ đắt tiền hoặc thường xuyên đi du lịch. Điều này dẫn đến tình trạng mua sắm trả góp và tạo ra nợ nần mà họ không lường trước được. Nhu cầu mua sắm và tiêu xài của giới trẻ có thể khiến họ rơi vào tình trạng tài chính khó khăn, làm tăng thêm áp lực và lo âu về vấn đề tài chính.

Không chỉ đối mặt với áp lực từ việc học tập hay công việc, Gen Z còn phải chịu đựng những áp lực “không tên” ngày càng lớn trong một xã hội đang phát triển nhanh chóng. Những áp lực này đến từ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về hình dáng, ngoại hình, lối sống, mối quan hệ, sự nghiệp và gia đình. Vô tình, mạng xã hội, thứ không thể thiếu đối với Gen Z lại trở thành thước đo cho những tiêu chuẩn trên, nơi mọi người dễ dàng so sánh mình với người khác, dẫn đến sự áp lực về việc phải đáp ứng các tiêu chuẩn của xã hội...

Và còn nhiều những áp lực “không tên” khác đã và đang tạo ra một môi trường đầy khó khăn và thách thức với Gen Z. Nơi mà họ không được thoải mái là chính mình, mà phải liên tục “gồng mình” để phù hợp với các kỳ vọng xã hội, các tiêu chuẩn không thực tế, những hình mẫu lý tưởng mà truyền thông và mạng xã hội đưa ra. Từ đó, những tổn thương tâm lý là điều không thể tránh khỏi khiến những cảm xúc như lo âu, trầm cảm và sự bất mãn với bản thân ngày càng trở nên phổ biến với Gen Z.

Thay vì chê trách, hãy thấu hiểu

Thế nhưng, thực tế là dù ở thời đại nào, quá trình trưởng thành luôn đi kèm với rất nhiều vấn đề đối với hầu hết mọi người trẻ. Chỉ có điều, trong thời đại 4.0, khi mọi thứ đều được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, những vấn đề của Gen Z được đưa ra và bàn luận rộng rãi, khiến chúng được biết đến nhiều hơn so với trước đây. Thay vì chỉ chê trách, tại sao các thế hệ trước không thử thấu hiểu những áp lực mà Gen Z đang phải đối mặt?

Gần đây, chương trình tư vấn tâm lý miễn phí dành cho giới trẻ do TS Lê Nguyên Phương khởi xướng, lần đầu tiên đã được tổ chức tại TP HCM. Sự kiện thu hút gần 100 bạn trẻ trong độ tuổi 18 - 28, đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau như sinh viên, giáo viên, y tá, bác sĩ, lập trình viên, kế toán và nhân viên văn phòng. Tại đây, những người tham gia đang gặp khó khăn về mặt tinh thần như căng thẳng, lo âu hay trầm cảm đã được hỗ trợ thông qua việc chia sẻ tâm lý, cảm xúc và suy nghĩ. Họ còn được trải nghiệm các hoạt động như ngồi thiền, trao đổi cái bắt tay và cái ôm để tìm lại sự bình yên và kết nối.

Các bạn trẻ, dù chưa từng quen biết nhau trước đây, cùng ngồi lại trong các nhóm nhỏ dưới sự dẫn dắt của chuyên gia tâm lý (học trò của TS Lê Nguyên Phương), lần lượt giới thiệu bản thân và thoải mái chia sẻ những nỗi sợ mà họ đang phải đối mặt. Đó có thể là áp lực học tập, căng thẳng trong công việc, kỳ vọng quá cao từ gia đình hoặc những trắc trở trong tình yêu. Khi được chia sẻ câu chuyện của mình và lắng nghe câu chuyện từ những người khác, nhiều người tham gia đã không kìm nổi cảm xúc, xúc động và bật khóc.

Có thể thấy, bằng cách đưa ra những lời động viên và chia sẻ kịp thời, các thế hệ trước không chỉ hỗ trợ Gen Z vượt qua những áp lực “không tên” đang đè nặng, mà còn giúp giảm bớt những khó khăn tâm lý mà họ gặp phải. Hiểu giá trị, ưu và khuyết điểm của mỗi thế hệ không chỉ tạo sự gắn kết mà còn làm nổi bật những điểm mạnh, thay vì chỉ đả kích, lên án hay bài trừ lẫn nhau.

Linh Chi

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/gen-z-va-nhung-ap-luc-khong-ten-post520588.html