Gen Z và sự lên ngôi của xu hướng nghỉ hưu ngắn hạn

Không đợi đến tuổi hưu, nhiều người trẻ chọn tạm dừng sự nghiệp để nghỉ ngơi, khám phá và tận hưởng cuộc sống.

Khi người trẻ chọn “nghỉ hưu” giữa chừng

Thay vì chờ đợi đến tuổi nghỉ hưu truyền thống, nhiều người trẻ trên thế giới hiện đang tìm kiếm những kỳ nghỉ dài hạn để khám phá, trải nghiệm và tái tạo năng lượng.

Họ gọi trải nghiệm này là “nghỉ hưu ngắn hạn” (micro-retirement).

Xu hướng này không đơn thuần là sự thay đổi trong tư duy làm việc, mà còn đặt ra những thách thức và suy ngẫm mới về cách chúng ta cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống cá nhân.

Sau nhiều năm làm việc căng thẳng trong ngành tài chính và công nghệ, Marina Kausar, 30 tuổi, cảm thấy kiệt sức và quá tải.

Vào tháng 12. 2023, cô quyết định nghỉ việc mà không tìm kiếm công việc mới, dành ba tháng để nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân.

“Tôi có thể tập thể dục đều đặn, ăn uống và ngủ nghỉ tốt hơn. Cảm giác như được khởi động lại hoàn toàn. Lần đầu tiên trong đời, tôi không bị ám ảnh bởi công việc,” Marina chia sẻ với The New York Times.

Tương tự, Sandra De La Cruz, khi 25 tuổi, cũng quyết định nghỉ việc khoảng bốn tháng. Lúc đó, cô là trợ lý quản lý dự án trong ngành xây dựng và đã tiết kiệm được khoảng 12.000 USD và đang sống cùng cha mẹ.

Cha mẹ cô nghĩ rằng cô có thể dùng số tiền đó để mua một ngôi nhà, nhưng De La Cruz, sinh ra ở Peru và hiện sống tại Mỹ, lại có một ý tưởng khác: cô muốn dành thời gian để khám phá Nam Mỹ.

Sandra De La Cruz nghỉ việc để khám phá Nam Mỹ. Ảnh: The New York Times

Sandra De La Cruz nghỉ việc để khám phá Nam Mỹ. Ảnh: The New York Times

“Đây có thể là khoảng thời gian duy nhất trong đời tôi mà tôi có thể xách ba lô lên và đi mà không làm ảnh hưởng đến ai,” cô nghĩ vào thời điểm quyết định nghỉ việc.

Chia sẻ về khoảng thời gian bốn tháng tuyệt vời: “Bạn không còn cảm thấy lo lắng khi thức dậy và phải đối mặt với công việc. Bạn chỉ thức dậy và để cho ngày hôm đó dẫn lối bạn đi.”

Vì sao người trẻ ngày càng cần những khoảng nghỉ dài giữa sự nghiệp?

Tờ Insider thông tin, theo khảo sát của Hiệp hội Quản trị nhân sự Mỹ (SHRM) cho thấy 44% nhân viên Mỹ cảm thấy kiệt sức.

Còn thống kê từ Trung tâm Nghiên cứu Pew năm 2023 cũng cho thấy chỉ 44% lao động dưới 30 tuổi hài lòng với công việc – con số thấp hơn đáng kể so với 67% ở nhóm lao động trên 65 tuổi.

Nhiều nghiên cứu đã đề cập đến cách gen Z tiếp cận công việc khác biệt so với các thế hệ trước.

Theo Forbes, nhóm này, bao gồm những người trong độ tuổi từ 13 đến 28, dự kiến sẽ chiếm 30% lực lượng lao động và đang thúc đẩy những thay đổi lớn trong văn hóa doanh nghiệp, đặc biệt là yêu cầu về cân bằng giữa công việc và cuộc sống cùng sự linh hoạt cao hơn.

Xu hướng nghỉ hưu ngắn hạn ra đời từ nhu cầu đó, không phải để nghỉ hẳn, mà để “rút lui tạm thời” khỏi vòng xoáy công việc và tìm lại ý nghĩa của việc sống.

Nghỉ hưu ngắn hạn là cách người trẻ chọn sống chậm để đi xa hơn.

Nhưng để những khoảng lặng ấy thực sự ý nghĩa, cần chuẩn bị vững vàng về tài chính, tâm lý và cả sự hậu thuẫn từ môi trường xung quanh.

Theo Forbes, mặc dù không phải ai cũng có điều kiện tài chính để thực hiện, nhưng nhiều người trẻ đang tìm cách thích nghi: từ áp dụng lối sống tối giản, tiết kiệm chi tiêu đến chuyển sang làm việc tự do (freelance) hoặc theo phong trào FIRE (Tự do tài chính – nghỉ hưu sớm).

Mục tiêu không chỉ là tự do kinh tế, mà là tự do thời gian, để được nghỉ ngơi khi cần, chứ không đợi đến lúc kiệt sức.

Việc ngày càng nhiều người trẻ chọn tạm nghỉ giữa sự nghiệp cũng đặt ra những thay đổi cho cách tổ chức lao động hiện nay.

Thay vì làm theo mô hình cũ: học - đi làm - nghỉ hưu, thế hệ mới có xu hướng đứt đoạn: đi làm - nghỉ - quay lại - chuyển hướng.

Họ muốn linh hoạt, thay vì gắn bó trọn đời với một công việc. Điều này có thể tạo nên lực lượng lao động “di động” hơn, nhưng cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng.

Xu hướng manh nha tại Việt Nam

Tại Việt Nam, “nghỉ hưu ngắn hạn” vẫn là khái niệm mới mẻ nhưng đã bắt đầu xuất hiện ở một số người trẻ, đặc biệt trong các ngành nghề linh hoạt như truyền thông, sáng tạo, công nghệ.

Thay vì làm việc liên tục đến kiệt sức, họ chủ động tạo ra những khoảng nghỉ giữa sự nghiệp để hồi phục và định hướng lại bản thân.

Chị Huyền nghỉ việc hai tháng để dành thời gian đi du lịch

Chị Huyền nghỉ việc hai tháng để dành thời gian đi du lịch

Chị Nguyễn Thị Huyền, 26 tuổi, nhân viên marketing, từng xin nghỉ hai tháng không lương sau bốn năm làm việc liên tục. Trong thời gian đó, chị đi du lịch xuyên Việt và tham gia một khóa học nấu ăn.

“Tôi không bỏ việc, chỉ tạm rời khỏi guồng quay để thở và sống chậm lại,” chị nói.

Tương tự, anh Đỗ Thành Long , 24 tuổi, lập trình viên tại Hà Nội, chọn nghỉ việc ba tháng sau một dự án kéo dài gần một năm.

Anh dành thời gian này để đi trekking và học nhiếp ảnh. “Tôi cảm thấy mình đang sống thực sự, không phải chỉ tồn tại để trả deadline,” anh chia sẻ.

Dù vậy, rào cản tài chính, tâm lý ổn định và quan niệm truyền thống về “làm việc chăm chỉ mới là thành công” vẫn khiến nhiều người e dè với lựa chọn này.

Không ít gia đình vẫn cho rằng nghỉ việc giữa chừng là thiếu trách nhiệm, dễ bị đánh giá là “không có chí hướng”.

Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày càng nhiều người trẻ rơi vào tình trạng kiệt sức, mất phương hướng hoặc khủng hoảng tuổi 30, việc chủ động “tạm nghỉ” để tái tạo năng lượng, nhìn lại bản thân và chọn lại hướng đi là điều cần được nhìn nhận tích cực hơn.

NGHIÊM THANH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/the-gioi/gen-z-va-su-len-ngoi-cua-xu-huong-nghi-huu-ngan-han-128645.html