Gen Z và trạng thái 'VUCA'

Việc thấu hiểu Gen Z ngày càng trở thành một nhiệm vụ cấp thiết không chỉ với các nhà khoa học, nhà xã hội học, nhà quản lý mà cả với các nhà hoạch định chính sách. Theo Tổng cục Thống kê, dự báo, Gen Z sẽ đóng góp 1/3 lực lượng lao động của Việt Nam vào năm 2025.

 Thế hệ Z có lợi thế trong tiếp cận tri thức không giới hạn. Ảnh minh họa: Đặng Xuân Thắng

Thế hệ Z có lợi thế trong tiếp cận tri thức không giới hạn. Ảnh minh họa: Đặng Xuân Thắng

Gen Z đang phải đối mặt với những vấn đề tâm sinh lý

Việc tiếp xúc sớm với các nền tảng số và là thế hệ người dùng tích cực nhất trên các nền tảng số, đặc biệt là mạng xã hội đã góp phần biến Gen Z (thế hệ sinh khoảng từ năm 1997 đến 2012) trở thành một nhóm rất khó nắm bắt về hành vi, kỳ vọng trong các hoạt động tiếp nhận thông tin, mua sắm, giải trí và học tập.

Nghiên cứu của Tiến sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Thanh thiếu niên Việt Nam, cho thấy, Gen Z là thế hệ sinh ra và lớn lên khi đất nước có sự phát triển mạnh mẽ. Họ là những người được thụ hưởng nhiều thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước.

Gen Z có điều kiện được học tập, được đáp ứng nhu cầu vật chất, vui chơi giải trí, tiếp cận khoa học, công nghệ hiện đại, môi trường internet. Họ được đánh giá là thế hệ năng động, sáng tạo, luôn tiếp thu cái mới.

Bên cạnh những điểm mạnh, Gen Z cũng có những "khủng hoảng" tâm sinh lý độ tuổi trưởng thành khác thế hệ khác. Đó là sự thực tế (thực dụng), nhu cầu hưởng thụ cao, dễ nản chí, dễ thay đổi, được cha mẹ tôn trọng dẫn đến tâm lý dân chủ thái quá.

Gen Z là thế hệ "công dân mạng", được cho là bị lệ thuộc vào internet, dễ chạy theo các xu hướng (trend) xã hội, hay thần tượng thái quá các nhân vật nổi tiếng (thậm chí tai tiếng), dễ tiếp thu, học hỏi cái xấu…

Đó là câu trả lời tại sao có một bộ phận Gen Z thành công, thích ứng nhanh với xã hội số nhưng cũng có một bộ phận rơi vào trạng thái mất phương hướng, trầm cảm, bế tắc…

Tiến sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh cho biết thêm: "Thực tế là không chỉ Gen Z mà bất cứ thế hệ thanh thiếu niên nào cũng phải đối mặt với những thay đổi tâm sinh lý lứa tuổi mạnh mẽ, đặc biệt trong thời điểm giao thời từ trẻ em trở thành người trưởng thành.

Tiến sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh

Tiến sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, những đặc điểm thường thấy ở tuổi vị thành niên là dậy thì, thay đổi sinh lý, tâm lý khác lạ, xu hướng muốn khám phá, khẳng định bản thân, thể hiện, trải nghiệm, muốn tách dần khỏi khuôn phép giáo dục gia đình, mở rộng quan hệ bạn bè để tìm hiểu và thích ứng xã hội…

Tuy nhiên, không chỉ các đặc điểm tâm sinh lý cá nhân mà yếu tố xã hội và thời đại luôn tác động, tạo nên đặc trưng khác biệt của các thế hệ qua các thời kỳ".

Làm gì để chiến thắng cuộc đua thời đại?

Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ rối loạn tâm sinh lý giới trẻ bắt đầu từ việc họ phải "chạy đua" với tốc độ phát triển của thời đại. Theo Tiến sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh, nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới mượn thuật ngữ VUCA để mô tả trạng thái này, bao gồm: Biến động (Volatility), không chắc chắn (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity).

Giới trẻ hiện nay, dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 và biến đổi xã hội nhanh chóng, đang cố gắng thích nghi, cạnh tranh, khẳng định giá trị bản thân và vươn tới thành công.

Tuy nhiên, họ cũng dễ bị rơi vào trạng thái VUCA, hay khủng hoảng tâm sinh lý, khi gặp phải những trở ngại, khó khăn hay thất bại trong công việc, cuộc sống. Khủng hoảng về niềm tin, giá trị sống, sẽ trực tiếp dẫn đến khủng hoảng tâm sinh lý và hệ quả là xuất hiện các hành vi thiếu lành mạnh, tích cực. Thậm chí, nó có thể lan rộng như một "căn bệnh" của giới trẻ.

Thực tế, không chỉ Gen Z mà bất cứ thế hệ thanh thiếu niên nào cũng phải đối mặt với những thay đổi tâm sinh lý lứa tuổi mạnh mẽ, đặc biệt trong thời điểm giao thời từ trẻ em trở thành người trưởng thành”.

Tiến sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Thanh thiếu niên Việt Nam

"Tuy nhiên, chúng ta không nên quá bi quan khi nhìn nhận vấn đề này. Thanh thiếu niên vẫn là độ tuổi xã hội hóa mạnh mẽ, luôn học tập, nâng cao nhận thức, định hình giá trị, nhân cách. Chúng ta cần tích cực củng cố các thiết chế xã hội, tạo môi trường giáo dục lành mạnh, tích cực cho thanh thiếu niên, trong đó không thể thiếu vai trò của gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bên cạnh việc giáo dục tri thức, cần huy động sự tham gia của toàn xã hội trong việc nâng cao giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục giá trị truyền thống, đạo đức xã hội, nêu gương người tốt, việc tốt nhiều hơn cho thanh thiếu niên; đồng thời huy động chính thanh thiếu niên tham gia các hoạt động này", Tiến sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh nhấn mạnh.

Theo Viện trưởng Viện nghiên cứu Thanh thiếu niên Việt Nam, đối với Gen Z hay thanh thiếu niên nói chung cần nhận thức và thực hành suy nghĩ, lối sống tích cực.

Thế hệ Z có lợi thế trong tiếp cận tri thức không giới hạn, có nhiều cách thức học tập, tự học khác nhau, nên cần biết chủ động sàng lọc tri thức, biến mình thành bộ lọc tốt nhất để loại bỏ các trạng thái tiêu cực.

Ông cũng lưu ý rằng, ngày nay, một số bạn trẻ vẫn có tâm lý đổ lỗi khi thất bại, đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho người khác, cho số phận, cho sự kém may mắn mà ít khi nhận diện bản thân một cách đúng đắn.

Nhận diện bản thân là quá trình nhìn nhận, đánh giá về bản thân mình, trước hết là cố gắng khách quan đánh giá ưu điểm, nhược điểm, sở trường, sở đoản của mình, để không huyễn hoặc, ảo tưởng về bản thân. Nhận diện bản thân cũng có nghĩa là cần nghiêm khắc điều chỉnh bản thân, thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Cuối cùng, trước mỗi thành công, thất bại, hãy nhận diện bản thân thêm lần nữa để đánh giá đúng những việc mình đã làm, không trốn tránh trách nhiệm. Đây là quá trình tâm lý tích cực, giúp cho việc định hướng hành vi, hành động tích cực.

Mọi sự đổ lỗi, trốn tránh, đều khó mang lại thành công trong tương lai. Vì vậy, Gen Z cần "sòng phẳng" hơn khi đặt nhận diện bản thân trong các kế hoạch và các mối quan hệ xã hội.

Từng là chủ nhiệm, chủ trì hơn 20 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh, dự án quốc tế…, Tiến sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh có sự quan tâm sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, con người, đặc biệt là nhóm vị thành niên. Cuốn sách "Vị thành niên và chính sách đối với vị thành niên" của ông được Nhà xuất bản Lao động xã hội cho ra mắt năm 2003. Đây là cuốn sách đầu tiên về vị thành niên ở Việt Nam. Sắp tới, ông tiếp tục cho ra cuốn sách nghiên cứu về thế hệ vị thành niên và Gen Z.

Hoàng Duy

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/gen-z-va-trang-thai-vuca-20250110140422727.htm