Gen Z và vỏ kén của sự cô đơn
Gen Z là viết tắt của Generation Z (thế hệ Z), để chỉ những người sinh ra trong khoảng thời gian từ cuối những năm 1990 cho đến 2012. Quãng tuổi phổ biến và được chấp nhận rộng rãi nhất là 1997-2012.
Vậy thế hệ Gen Z có gì lạ? Một chia sẻ trên tạp chí The Wall Street Journal, người lao động ở thế hệ này “thiếu ý thức học hỏi kinh nghiệm thực hành, có thể khiến họ trở nên lười biếng hoặc không biết gì khi hoàn thành các nhiệm vụ cơ bản trong công việc”.
Còn Laura Davis - Giám đốc sở thú John Ball (bang Michigan, Mỹ) nói: “Họ dường như làm việc thiếu hiệu quả. Nếu họ không được bảo phải làm gì và ai đó không quản lý từng giây để khiến họ bận rộn, thì họ sẽ có xu hướng không tự xác định những gì họ có thể làm”.
Một nghiên cứu về người lao động ở Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Ba Lan và Nhật Bản chỉ ra rằng, các nhân sự Gen Z và Gen Y (được cho là những người được sinh ra trong khoảng từ năm 1980 đến năm 1994, hoặc trong khoảng 1981 đến 1996), có khả năng cảm thấy “bị bỏ rơi” trong các cuộc họp trực tuyến của công ty cao gấp hai đến 3 lần so với các đồng nghiệp Gen X (được cho là những người sinh ra từ năm 1965 đến 1980).
Một số nhà tâm lý học cho rằng sở dĩ thế hệ Gen Z hay bị phân tâm, thiếu tập trung do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Vấn đề không nằm ở khả năng của họ mà ở tâm lý căng thẳng và lo lắng, khiến nhiều người trong số họ mất hứng thú trong công việc.
Vậy Gen Z có cần giúp đỡ không và đâu là cách để giúp đỡ? Tờ Harvard Business Review dẫn kết quả từ Dự án sức khỏe tâm thần của Sapien Labs sau khảo sát 48.000 thanh niên trong độ tuổi 18 - 24 ở 34 quốc gia, cho thấy những khó khăn về sức khỏe tâm thần ở thế hệ trẻ đã tăng nhanh và trở nên tồi tệ hơn trong suốt đại dịch, khả năng liên hệ cũng như tương tác với mọi người xung quanh giảm sút.
Điều cấp thiết là các nhà lãnh đạo và quản lý phải làm nhiều hơn nữa để kết nối và hỗ trợ nhân sự Gen Z trong thời điểm đầy biến động này. Trong đó phải đặt sức khỏe tinh thần lên hàng đầu; tăng liên kết; tăng cường huấn luyện; giảm thời gian sử dụng thiết bị (máy tính, điện thoại), thay vào đó là tăng thời gian kết nối người - người.
Khái quát những khiếm khuyết của một thế hệ (mà ở đây là Gen Z) chưa hẳn đã đúng, nhưng quan trọng nhất đối với con người ở bất cứ lứa tuổi cũng rất cần được quan tâm, được lắng nghe và thấu hiểu. Bị đánh giá thấp, bỏ rơi, con người sẽ rơi vào cô đơn.
Nhân đây xin kể câu chuyện: bà Hiroko Hatagami, 51 tuổi, thất nghiệp sống tại thành phố Matsudo (tỉnh Chiba, Nhật Bản), đã thực hiện 2.761 cuộc gọi khẩn cấp trong khoảng thời gian từ tháng 8/2020 đến tháng 5/2023 chỉ vì cảm thấy cô đơn và muốn được chú ý.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/gen-z-va-vo-ken-cua-su-co-don-5725825.html