GenZ và những 'ảo tưởng' do chính xã hội tạo nên
GenZ được công nhận là một thế hệ sáng tạo và biết làm chủ cuộc đời, nhưng vẫn tồn tại nhiều bạn trẻ tự đánh giá quá cao năng lực bản thân dẫn tới hành động sai lệch
Khi bạn không phải nhà vô địch!
Đ.N.Đ (23 tuổi, sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn Thông) tham gia vào một giải đấu bóng đá giữa các trường đại học do sinh viên tự tổ chức với nhau. Sau khi xuất sắc ghi dấu ấn trong vòng loại để bước vào chung kết, cuối cùng đội bóng của trường cậu lại thua đối thủ với tỉ số 4-1.
Phản ứng đầu tiên của cậu khi đó là bật khóc. Sau đó, cậu bắt đầu nổi nóng với đồng đội xung quanh mình khi các bạn tiến đến an ủi. Và đỉnh điểm là khi còi chung cuộc vang lên, cậu nhận được một cuộc điện thoại hỏi thăm từ mẹ và đã ngay lập tức ném chiếc điện thoại xuống đất vỡ toang trước sự chứng kiến của tất cả mọi người.
Đến tận khi bình tĩnh lại, nhắc về trận đấu đó cậu vẫn giữ nguyên thái độ hằn học, đổ lỗi do đồng đội chơi kém. Cậu cho rằng bản thân có khả năng thật sự vượt xa tất cả đối thủ nhưng không thể “cân team” được và thua do đội bạn chơi xấu cùng với đó là trọng tài bắt sai chứ nhất định không chịu nhận phần yếu kém về mình.
Hay như một người bạn khác chập chững tuổi 25, N.T.H (nhân viên kinh doanh) luôn mang trong mình sự so sánh với bạn bè đồng trang lứa. Vì tốt nghiệp loại giỏi tại trường Đại học Bách Khoa, nhiều bạn bè của cậu có sự hậu thuẫn từ gia đình đã mở công ty kinh doanh riêng và hàng tháng đem lại mức thu nhập khủng.
Trong khi đó, N.T.H vẫn chỉ là nhân viên văn phòng với mức lương khoảng 20 triệu đồng/tháng, cậu cho rằng công việc và mức lương như vậy chưa xứng đáng với năng lực thực sự của cậu. Sau đó, H. đã vay mượn tiền của gia đình cũng như bên ngoài để tự đứng ra thành lập công ty riêng.
Tuy nhiên, sự non nớt về kinh nghiệm thực tế trên thương trường cũng như yếu kém trong khâu quản lý, chỉ sau khoảng chưa đến một năm công ty của cậu đã chết yểu. Và khiến cậu ôm trong mình khoản nợ lên đến hàng tỷ đồng ngay khi chập chững vào đời. Đến tận khi đó, N.T.H mới chua xót chấp nhận rằng cuộc đời không phải lúc nào cũng trải hoa hồng cho cậu bước, và không phải cứ dám làm thì đều sẽ thành công.
Từ câu chuyện cỏn con về một trận bóng đá giải trí, hay to hơn là vấn đề khởi nghiệp làm giàu, liệu có phải GenZ hiện nay đang quá ảo tưởng về khả năng của bản thân mà đưa ra nhận định sai lệch về giá trị thực của chính mình hay không?
Ảo tưởng đến từ chính những kỳ vọng hoa mỹ
Những bạn trẻ thuộc GenZ lớn lên trong sự bùng nổ của công nghệ kỹ thuật số như Internet, mạng xã hội, hay thiết bị di động. Vì vậy, điều này đã tạo ra những nhận thức mạnh mẽ của GenZ về sức mạnh của thông tin, truyền thông đại chúng, trải nghiệm ảo và toàn cầu hóa.
Cùng với đó, chất lượng cuộc sống cũng ngày một nâng cao giúp GenZ được tự do thể hiện cá tính. GenZ sinh ra và lớn lên trong một thế giới tương đối hòa bình, họ được thừa hưởng những điều tốt đẹp nhất mà thế hệ trước để lại. Do đó, họ đề cao cái tôi và sự tự do cá nhân, yêu thích sự tự chủ kể cả trong cuộc sống lẫn tài chính.
Có lẽ chính vì điều này mà Thế hệ Z có một đặc điểm tính cách rất nổi bật, đó là luôn tự tin làm chủ cuộc đời và tin vào năng lực của bản thân. Chính những đặc điểm tính cách này khiến GenZ được kỳ vọng sẽ là nhân tố bùng nổ và tạo đột phá trong thời đại ngày nay.
Không khó để bắt gặp những tấm gương các bạn trẻ thành công ở tuổi đôi mươi. Sự thành công của những người trẻ như C.E.O Tống Đông Khuê sở hữu cho mình một công ty riêng và khối tài sản đáng ngưỡng mộ khi mới 24 tuổi đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Hay có thể kể đến sự thành công của “cô nàng 7 thứ tiếng” Khánh Vy khi trở thành MC nổi tiếng của Đài truyển hình quốc gia.
Điểm chung của những người trẻ này là thành công sớm, họ trở thành niềm mơ ước của rất nhiều người. Và hơn hết, họ nhận được sự công nhận của xã hội. Cái “tài” của những người trẻ này là không thể phủ nhận.
Thế nhưng ngày càng có nhiều những ý kiến trái chiều về việc những nét tính cách tự tin đặc thù của Gen Z liệu sẽ là một ưu thế giúp GenZ bật lên trong xã hội hay là một điểm yếu chí mạng của thế hệ này.
Việc tự tin là cần thiết, nhưng cái gì quá cũng không tốt. Đặc biệt là tự tin thái quá vào năng lực của bản thân mình, điều đó khiến người trẻ dễ nhầm lẫn giữa khái niệm tự tin và ảo tưởng.
Sự giáo dục trong mái ấm gia đình đang là vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Ảo tưởng của các bạn trẻ GenZ đã được nhen nhóm ngay từ trong gia đình và dần dần được thổi bùng lên khi các bạn bước chân ra ngoài xã hội. Việc bao bọc quá mức và bệnh thành tích của bố mẹ đã khiến con trẻ bị lầm tưởng khả năng của chúng ngay từ khi còn bé.
Ban đầu là ảo tưởng về điểm số, thứ bậc trong lớp, lớn dần lên là ảo tưởng về năng lực thật sự của bản thân mình. Và đến khi ra ngoài xã hội, phải va vấp cuộc đời, gặp thất bại ê chề khi đó những đứa trẻ chính thức gục ngã và khó để đứng dậy.
Cùng với đó, do ảnh hưởng của truyền thông đã tác động mạnh vào tư tưởng hình thành nên một thế hệ chỉ biết ngồi tưởng tượng. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhan nhản những slogan “Tôi làm được, bạn cũng thế” hay những tấm gương về những người trẻ thành công vang dội nhờ khởi nghiệp, điều đó vô hình chung khiến thế hệ trẻ nghĩ rằng chỉ cần làm là sẽ gặt hái được thành tựu một cách dễ dàng.
“Thực ra mình cũng đã từng bị ảo tưởng sức mạnh. Đó là hồi cấp 3, hồi đó nổi lên phong trào và mấy câu nói như "Bạn rất đặc biệt"," Bạn có thể làm mọi thứ", "Người khác làm được thì mình cũng làm được"... đương nhiên là ở khía cạnh nào đó thì nó vẫn đúng nhưng hồi cấp 3 đó chỉ ngồi trong mái trường được sự bao bọc của thầy cô, chưa hiểu khó khăn khi ra ngoài đời là gì cộng thêm hay đọc báo về những tấm gương làm giàu khi còn trẻ "Anh A này tay trắng thành triệu phú", "Cậu B này bỏ học về quê lập nghiệp kiếm được trăm triệu mỗi tháng"... nên bị ảo tưởng là chắc cũng dễ thôi mà, mình sẽ làm được hoặc hơn à”, Đỗ Nhi (24 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ.
Việc tự tin thái quá sẽ có thể sinh ra ảo tưởng sức mạnh và khiến thế hệ này chìm trong ảo vọng do sự non nớt, thiếu trải nghiệm của bản thân. Chính những người trẻ cũng đã nhận ra điều đó, nhưng chỉ khi đã va vấp, đã bị cuộc đời đánh gục thì các bạn mới chịu chấp nhận sự thật là năng lực thật sự của mình đang nằm ở đâu.
Sau khi đi làm, va chạm với nhiều công việc, tiếp xúc với nhiều người, Nhi mới cay đắng nhận ra mình chỉ là hạt cát giữa sa mạc “Đến khi đi làm, mình tự tin lắm rồi cuối cùng bị đánh bật bởi rất nhiều người giỏi hơn cả về tri thức lẫn kỹ năng. Lúc đó mình mới nhận ra bản thân mình bình thường đến như nào và những tấm gương thành công trên mạng kia là do họ cực giỏi, cực thông minh, cực cố gắng. Còn việc có vài điểm cao trong bài kiểm tra cuối kỳ, đứng thứ hạng mấy trong lớp thì đến khi ra đời đã không còn được ai tâng bốc nữa. Khi đó là chính thức vỡ mộng rồi này, hóa ra mình cũng không giỏi như mình vốn nghĩ”.
Cần được nhìn nhận và quan tâm từ gia đình
Theo TS Nguyễn Thị Minh (Giảng viên khoa Tâm lý, Học viện Hành chính Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh) nhận định GenZ là một thế hệ rất thú vị và có nhiều nét tính cách rất đáng ngưỡng mộ.
“Các bạn rất tự tin, chủ động trong học tập, công việc, cuộc sống… đây là một thế hệ sống độc lập, tự chủ và có cái tôi cao kiến tạo nên một thế hệ rất thú vị và còn khá nhạy cảm. Các bạn luôn mong muốn được thể hiện bản thân và được xã hội công nhận mình”, TS chia sẻ.
Mặc dù vậy, vị giảng viên này cho rằng sự ảo tưởng ở GenZ thực sự đang tồn tại. Nguyên nhân dẫn tới sự ảo tưởng đó mà tiến sĩ đưa ra là do các bạn trẻ được tiếp cận với quá nhiều luồng thông tin từ rất sớm, từ đó dẫn tới các bạn có xu hướng được thể hiện mình và cố gắng hết sức để xây dựng lên một hình ảnh hoàn mỹ của mình. Điều đó vô hình chung tạo nên áp lực cho chính thế hệ này đuổi theo một hình tượng hoàn hảo, dẫn tới có những ảo vọng về bản thân mình.
Để tránh xảy ra trường hợp trên, Tiến sĩ cho rằng các bậc phụ huynh cần đặt sự quan tâm lên con cái nhiều hơn, lắng nghe và chia sẻ những mong muốn thật sự của giới trẻ để đưa ra định hướng chính xác, kịp thời. Giữa thời đại công nghệ hóa, cuộc sống trôi đi quá nhanh khiến nhiều phụ huynh chưa thực sự để ý đến con em mình, từ đó dẫn tới một thế hệ phải tự mò mẫm và nhiều em bị ngã quỵ khi không kịp thức ứng với sự chuyển động nhanh này.
Mỗi thế hệ đều có tiềm năng riêng, việc Thế hệ Z có đặc tính tự tin sẽ là một điểm mạnh nếu như biết khai thác đúng cách. Các bạn trẻ dám nghĩ, dám làm chưa bao giờ là sai trái. Nhưng bên cạnh đó cần phải dám ngã và dám tự đứng lên, thực sự nhìn nhận bản thân dưới lăng kính thực tế khách quan để định hướng đúng cho cuộc đời.