Ghana là quốc gia châu Phi đầu tiên gia nhập loại bỏ chất thải nhựa
Tháng 10 tới, Ghana sẽ chính thức ký gia nhập GPAP - chương trình nhằm hiện thực hóa những cam kết của chính phủ thành những hành động cụ thể trong cuộc chiến chống lại vấn nạn chất thải nhựa.
Ghana sẽ trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên gia nhập Chương trình đối tác hành động loại bỏ rác thải nhựa (GPAP) trực thuộc Diễn kinh tế thế giới (WEF).
Đây là một phần nỗ lực nhằm giải quyết gánh nặng ngày càng gia tăng từ chất thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng tại một trong những nền kinh tế năng động nhất Lục địa Đen này.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, lãnh đạo Ghana đã đưa ra thông báo trên tại Diễn đàn kinh tế thế giới về châu Phi (WEF Africa 2019) đang diễn ra tại thành phố Cape Town của Nam Phi từ ngày 4-6/9.
Theo kế hoạch, vào tháng 10 tới, Chính phủ Ghana sẽ chính thức ký gia nhập GPAP - chương trình nhằm hiện thực hóa những cam kết của chính phủ thành những hành động cụ thể trong cuộc chiến chống lại vấn nạn chất thải nhựa đang đe dọa nghiêm trọng đến môi trường toàn cầu.
Phát biểu tại sự kiện WEF Africa 2019 ngày 5/9, Bộ trưởng Môi trường, Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Ghana Kwabena Frimpong-Boateng nhấn mạnh việc gia nhập GPAP sẽ giúp Ghana kết hợp những công nghệ mới nhất và hiện có trong việc xử lý chất thải nhựa, qua đó đạt được hiệu quả cao ở quy mô lớn.
Bên cạnh đó, với việc gia nhập GPAP, Ghana sẽ không chỉ giải quyết thành công vấn đề chất thải nhựa ở trong nước mà còn trở thành nguồn cảm hứng cho các quốc gia khác tại châu lục.
Về phần mình, Giám đốc GPAP Kristin Hughes đánh giá cao kế hoạch của Ghana trong việc gia nhập GPAP và cam kết sẽ hỗ trợ Ghana ở mức cao nhất, đặc biệt trong việc tăng cường phối hợp một cách hiệu quả giữa khu vực công-tư, cũng như áp dụng những công nghệ và giải pháp mới nhất trong cuộc chiến chống lại vấn nạn chất thải nhựa.
Trên thực tế, chính phủ quốc gia Tây Phi này trước đó đã ban hành Chính sách quản lý chất thải nhựa quốc gia và hiện đang được thực hiện khá hiệu quả ở quy mô toàn quốc.
Theo chính sách trên, chính phủ đang tài trợ cho các dự án sản xuất vật liệu thay thế nhựa cũng như yêu cầu các chuỗi siêu thị hạn chế bán các loại chai nhựa dùng 1 lần và loại bỏ việc sử dụng túi nylon khi đóng gói hàng hóa.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), khoảng 4,4 triệu tấn rác thải nhựa bị vứt xuống các vùng biển và đại dương xung quanh châu Phi mỗi năm, đe dọa nghiêm trọng sự sống dưới nước cũng như tạo ra một tấm thảm độc hại trên mặt nước.
UNEP cho biết phần lớn các chất thải nhựa đổ ra biển là từ những hoạt động và sinh hoạt thường ngày của con người và trong đó đa số là những sản phẩm nhựa dùng một lần.
Theo ước tính của các chuyên gia môi trường, đến năm 2050, trên thế giới sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất và phần lớn trong số đó sẽ bị thải ra các đại dương và trôi nổi trong nhiều thế kỷ.
Như vậy, theo một kịch bản xấu nhất mà Ocean Conservancy và Công ty Tư vấn McKinsey dự báo, tới năm 2025, cứ 3 tấn cá, có 1 tấn rác thải nhựa trên đại dương. Điều đáng sợ là khi đã lọt ra biển, rác thải nhựa có thể cần tới hơn 400 năm để phân hủy. Khi đó, rác thải nhựa không chỉ gây thiệt hại về môi trường, mà còn gây tổn thất lớn cho cả kinh tế lẫn sức khỏe người dân.
Các chuyên gia ước tính, mỗi năm chất thải nhựa đổ ra đại dương có thể bao quanh 4 vòng Trái Đất và nó có thể tồn tại 1.000 năm trước khi tiêu hủy hoàn toàn./.