Ghé thăm Ghềnh Ráng

Tôi bị câu thơ của cố thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo mê hoặc như thế này: 'Anh trót để tình yêu tuột mất/ Xin em đừng tha thứ hay giận hờn/ Hoa ly vàng cọ chân anh như nhắc/ Một chiều buồn nắng trắng biển Quy Nhơn'.

Bãi tắm Hoàng Hậu ở Ghềnh Ráng.

Bãi tắm Hoàng Hậu ở Ghềnh Ráng.

Cô nhân viên lễ tân khách sạn nơi tôi ở nở nụ cười tươi chào đón khách. Nụ cười làm tôi thấy đỡ mệt mỏi sau chặng đường xe khách từ Hà Nội vào Quy Nhơn. Khi nghe tôi đọc câu thơ trên thì cô ấy cũng “không phải dạng vừa”, cô cất tiếng khe khẽ: “Ghềnh Ráng đèo Son với Tháp Đôi/ Cảnh xung quanh đẹp Vạn Gò Bồi/ Nơi sinh tôi đó chao ôi nhớ! Nằm một đêm đò, sáng tới nơi”.

Rồi cô bảo: “Đó là câu thơ trong bài thơ “Tâm sự với Quy Nhơn” của “ông vua thơ tình” Xuân Diệu. Nếu chú yêu thơ thì đến với Quy Nhơn là đúng địa chỉ rồi đấy ạ. Thuở trước nơi này từng được ví là “Bàn thành tứ hữu”. Đó là cách chỉ về bốn nhà thơ là: Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên mà đặc biệt là Hàn Mặc Tử. Chẳng những Xuân Diệu làm thơ về Ghềnh Ráng mà hiện ở Ghềnh Ráng có mộ của Hàn thi sĩ đấy”.

Nghe cô nhân viên lễ tân cho hay thế thì tôi mừng lắm, nhưng cũng hỏi thêm: “Từ đây đến Ghềnh Ráng, đến chỗ mộ Hàn Mặc Tử ấy có xa lắm không?”. Cô nhân viên lễ tân cười: “Thì phường này là phường Ghềnh Ráng mà chú. Từ đây chú không chỉ đi bộ ra bãi biển Quy Nhơn mà còn đi bộ tới Ghềnh Ráng nữa”. Tôi tuy vậy vẫn hỏi thêm: “Ghềnh thì chú hiểu rồi còn Ráng có nghĩa là gì?”.

Cô nhân viên lễ tân, vốn cựu sinh viên ngành sư phạm văn, trả lời ngay: “Thưa chú, tên Ghềnh Ráng do ngư dân vùng này đặt, vì nơi này có nhiều ghềnh đá nguy hiểm, khi qua khu vực này thì ngư dân phải làm sao cho giảm gió trong buồm để thuyền đi chậm lại nếu không dễ bị nước ngập vào tàu, trong nghề đi biển thao tác ấy gọi là Ráng, tên Ghềnh Ráng từ đó mà ra đấy ạ”.

***

Điểm nhìn đầu tiên khi bước qua cổng chào có dòng chữ “Khu du lịch Ghềnh Ráng” là ngay dưới chân đồi, sau này tôi đươc giới thiệu đó là đồi Thi Nhân, có một tảng đá mồ côi màu nâu xám, trên đá khắc dòng chữ “dốc Mộng Cầm”. Người đời đồn đại rằng: Cô Mộng Cầm từng là người mà thi sĩ Hàn Mặc Tử đã đem lòng yêu mến. Có lẽ vì thế chăng nên đường dốc nhỏ dẫn lên đồi Thi Nhân được mang tên bà?

Theo con đường dốc nhỏ ấy chúng tôi đã tới mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử. Một ngôi nhà khá thanh thoát, có rất nhiều du khách đến đây bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với thi sĩ “Đây thôn Vĩ Dạ”. Được hay đây là ngôi mộ thứ hai. Tôi đứng lặng yên cúi đầu tưởng niệm ông.

Trên đường đi xuống tôi được làm quen với ông Đức Tùng, một người vừa cùng tôi viếng Hàn Mặc Tử. Ông Đức Tùng là người Quy Nhơn nên khá hiểu biết chuyện ở đây, ông kể: “Ngôi mộ này là ngôi mộ thứ hai. Ngôi mộ lần đầu khi Hà thi sĩ mất hiện vẫn còn ở làng phong Quy Hòa”.

Tác giả bên mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử.

Tác giả bên mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử.

Ngay ngày hôm sau tôi đã tới thăm làng phong Quy Hòa, hiện làng vẫn tiếp nhận và điều trị cho người mắc bệnh phong, song quang cảnh khá thân thiện và lề lối. Ở đây có bãi biển Quy Hòa với bờ cát phẳng phiu với rặng phi lao rì rào bên sóng vỗ. Có lẽ vì cách TP Quy Nhơn 5km lại đi đường đèo núi nên ít người tới đây du lịch.

Theo hướng dẫn tôi tới ngôi mộ phần được chỉ dẫn là ngôi mộ đầu tiên của Hàn Mặc Tử, ở ngay trong khuôn viên của làng phong. Đó là một ngôi mộ cũng không kém phần thanh thoát. Ngôi mộ này tựa dựa lưng vào chân núi Xuân Vân. Theo như tấm bia gắn vào thân mộ thì ngôi mộ này được ông bà Trần Thiện Thanh (bút danh Nam Trân - Nhật Trường) cùng một số vị yêu thơ ở TPHCM dựng lên.

Do ngôi mộ ở ngay làng phong nên người mến mộ Hàn thi sĩ “ngại” đến chăng? Nên năm 1985, anh em văn nghệ sĩ Quy Nhơn đã xây cất ngôi mộ lần hai cho Hàn thi sĩ ở trên đồi Thi Nhân, trong khu du lịch Ghềnh Ráng, rất thuận tiện cho du khách tới viếng. Tôi như vừa nghe vẳng lên câu thơ: “Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?/ Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?/ Sao bông phượng nở trong mầu huyết/ Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?” (Những giọt lệ - Hàn Mặc Tử).

Sau khi xuống dốc và chọn được vị trí “đẹp như mơ” tôi đã được nhìn ngắm Ghềnh Ráng và bãi biển Quy Nhơn từ trên cao và cảm nhận vẻ đẹp nơi đây, nơi đã cưu mang, vỗ về tâm hồn nhiều xúc cảm của Hàn thi sĩ tài hoa bạc mệnh. Ông Đức Tùng giảng giải: “Ghềnh Ráng vốn là một ghềnh đá từ núi Xuân Vân toài ra biển, đó là những bãi đá nối tiếp nhau nằm men theo bờ biển. Là phân cách giữa bãi biển Quy Nhơn với bãi biển Quy Hòa. Ở đây xen kẽ với ghềnh đá là bãi cát trắng mịn, nước biển xanh trong sóng vỗ dập dìu”. Tôi thầm nghĩ: Thảo nào khi xưa Nam Phương Hoàng hậu, trong những lần cùng vua Bảo Đại đi kinh lý các tỉnh miền Trung, đã dừng chân tại Quy Nhơn để nghỉ ngơi, thưởng ngoạn phong cảnh. Bà Hoàng nổi tiếng đẹp người đẹp nét ấy đã chọn đây làm bãi tắm của riêng mình. Từ đó, bãi biển Ghềnh Ráng này có tên là bãi Hoàng Hậu.

Kế đó là bãi Tiên Sa và theo như ông Đức Tùng cho biết thì tương truyền rằng: Xưa kia ở xứ Bồng Sơn có một cô gái xinh đẹp lại thùy mị, nết na, hiếu thảo với mẹ cha. Nàng đem lòng yêu một chàng trai làng và hai người cũng đã có lời hẹn ước.

Cùng lúc đó, quan huyện vì say mê sắc đẹp của nàng nên tìm mọi cách chiếm đoạt. Để giữ trọn tấm lòng với chàng trai, cô gái đã một mình bỏ trốn vào Quy Nhơn. Quan huyện và binh lính đuổi theo, khi đến Ghềnh Ráng thì một cơn giông chợt nổi lên, cô gái biến mất không dấu vết. Còn chàng trai hay tin nên cũng đi theo tìm kiếm nhưng cũng không thấy tung tích. Đêm xuống, chàng thấy hình bóng người thương thoắt ẩn thoắt hiện, khi ở trên triền núi, lúc ở bờ biển. Từ đó, mỗi khi có ánh sáng chớp ở vùng biển Ghềnh Ráng, người dân lại kháo nhau đó là hình ảnh của cô gái năm xưa. Cái tên Tiên Sa cũng từ đó mà có.

Họa sĩ Dzũ Kha trong "lều tranh" bút lửa.

Họa sĩ Dzũ Kha trong "lều tranh" bút lửa.

Đến Ghềnh Ráng không thể không ghé thăm “lều tranh” của ông Trương Dzũ Kha, ngay bên đường đối diện với đồi Thi Nhân. Lều tranh được treo đầy những bức tranh được thể hiện trên những phiến gỗ có hình dáng rất nghệ thuật hay trên giấy. Những bức tranh đó đa phần là những câu thơ của Hàn Mặc Tử, được người họa sĩ tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TPHCM nâng niu, thể hiện qua bút lửa.

Tôi lại gần một bức tranh vẽ trên phiến gỗ: “Theo lần nguyệt xế mây mờ mịt/ Hoa đáp thông reo tiếng não nồng” - câu thơ mà Hàn thi sĩ đã viết trong “Bài thơ đọc ngược”. Chợt tôi đồ rằng: Hình như Hàn Mặc Tử đã lờ mờ nhận ra điều gì đó rất thân phận của chính mình?

Mãi cho tới chiều tối chúng tôi mới từ Ghềnh Ráng trở lại khách sạn. Vừa nhìn thấy tôi cô nhân viên đã nở nụ cười chừng ý muốn bảo: “Chắc chú hài lòng với cuộc thăm chơi Ghềnh Ráng?”. Tiện thể tôi hỏi luôn: “Cháu có biết “Bàn thành tứ hữu” có nghĩa là gì không?”. Cô cho hay: “Ở cách thành phố Quy Nhơn 27 cây số là thành Đồ Bàn. Đây là kinh đô của Vương quốc Chăm Pa hay còn gọi là Chiêm Thành chú ạ. Vào năm 1471, vua Lê Thánh Tông đem một đoàn lục, thủy quân hùng mạnh sang đánh Chăm Pa, chiếm được thành Đồ Bàn”. Cô nhân viên còn nói thêm: “Thành Đồ Bàn thất thủ cũng được xem như là Vương quốc Chiêm Thành bị tiêu diệt. Khi viết tập thơ đầu tay mang tên “Điêu tàn” nhà thơ Phan Ngọc Hoan tuy quê gốc Quảng Trị nhưng đã lớn lên và học tập ở đất Quy Nhơn nên đã lấy bút danh là Chế Lan Viên nghĩa là “bông hoa lan trong vườn hoa dòng họ Chế”.

Tập thơ “Điêu tàn” xuất bản năm 1937, là cảm xúc của chàng trai 17 tuổi, chàng trai trẻ ấy đã xót thương thay sự “Điêu tàn” hay là đồng điệu với “nỗi đau vong quốc” của người Chiêm?

Rồi cô nhân viên lễ tân đọc cho tôi nghe một đoạn trong bài thơ “Những nấm mồ” in trong tập thơ ấy: “Cả dĩ vãng là chuỗi mồ vô tận/ Cả tương lai là chuỗi huyệt chưa thành/ Và hiện tại, biết cùng chăng hỡi bạn/ Cũng đương chôn lặng lẽ chuỗi ngày xanh”. Câu thơ thoạt nghe ngỡ đầy ai oán nhưng thực ra đó là: “Có yêu thương thì mới có đau lòng/ Cũng vậy, có yêu nước thì mới có nỗi đau mất nước”.

NGUYỄN TRỌNG VĂN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ghe-tham-ghenh-rang-10286853.html