Ghép ảnh dọa ma gây hoang mang đồng bào

Một số người sống lưu vong đã ghép ảnh, dựng clip rồi tung tin trên mạng 'ma lai ăn thịt người' nhằm gây hoang mang, bất ổn trong người đồng bào.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, Trung tá Mai Văn Năng, Phó Trưởng Công an huyện Krông Pa, Gia Lai, cho biết một số đối tượng sống lưu vong ở Thái Lan dùng mạng xã hội để đăng tải, tuyên truyền mê tín dị đoan, sai sự thật, gây hoang mang dư luận, nhất là trẻ em.

Người dân vô cùng bức xúc

Cụ thể, các đối tượng tung tin “ma lai” xuất hiện ở buôn H’lang, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa, kèm hình ảnh chùm tóc dài và bộ nội tạng động vật treo trên cây… nhằm gây hoang mang dư luận. Khi phát hiện sự việc, cơ quan công an đã phối hợp với các đơn vị và chính quyền địa phương nắm bắt tình hình, đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc.

Hai đối tượng có nhiều clip, nội dung đăng tải về “ma lai” xuất hiện ở huyện Krông Pa, các buôn làng Tây Nguyên… là Siu Thoan (47 tuổi, quê ở huyện Phú Thiện) và Ksor Non (44 tuổi, quê xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa, Gia Lai, cả hai đang sống lưu vong tại Thái Lan).

Ông Nay Tuêk (ngụ buôn H’Lang, xã Chư Răm) bức xúc: “Cái này là dối trá. Hình ảnh trên clip là giả, tóc giả, nội tạng treo trên cây là nội tạng heo, nội tạng bò thôi. Chính Siu Thoan và Ksor Non đã ghép ảnh xuyên tạc, nói không đúng sự thật làm cho dân lo sợ, lúc đầu bà con sợ không dám đi đâu, nhất là mấy đứa nhỏ”.

 Già làng, người có uy tín tại huyện Krông Pa bày tỏ bức xúc trước nội dung xuyên tạc, sai sự thật. Ảnh: QN

Già làng, người có uy tín tại huyện Krông Pa bày tỏ bức xúc trước nội dung xuyên tạc, sai sự thật. Ảnh: QN

Nói về sự việc có “ma lai” xuất hiện trên địa bàn, già làng Rơ Chăm Grôch (buôn H’Lang) kể hôm sự việc xảy ra, ông đang đi bệnh viện khám bệnh.

“Tôi là già làng, người lão thành sinh sống mấy chục năm ở đây rồi, làm gì có “ma lai”. Sự việc này bà con chúng tôi vô cùng bức xúc, mong cơ quan chức năng có biện pháp trừng trị xứng đáng việc nói xấu, gây hoang mang dư luận” - già làng Rơ Chăm Grôch nói.

Tương tự, anh Kpă Liên (ngụ buôn Đoàn Kết, xã Chư Rcăm) nói rõ: “Nhìn hình ảnh là biết bọn nó treo lòng heo, lòng bò chứ làm gì có “ma lai”. Những đối tượng này ngay cả bản thân, gia đình mình còn chưa lo nổi mà đi tuyên truyền, nói là giúp đồng bào mình thì ai mà tin. Nếu những người này lầm lỡ, biết hối cải thì còn được Nhà nước xử lý, khoan hồng”.

Nói về chuyện tuyên truyền ma quỷ, ông Nay Thuy (trưởng nhóm Tin lành Báp tít Việt Nam tại buôn H’Lang, xã Chư Rcăm) khẳng định: “Nội dung tuyên truyền buôn H’Lang có “ma lai” là dối trá, thực tế làm gì có “ma lai”. Tôi mong bà con không nên tin các lời nói dối, gây hoang mang dư luận nhằm chống phá Nhà nước”.

Lợi dụng mê tín để chống phá Nhà nước

Ông Nguyễn Đức Nguyên, Chủ tịch UBND xã Chư Rcăm, cho biết sau khi có thông tin các đối tượng lưu vong đăng tải về “ma lai” không đúng sự thật, xã đã nắm bắt tình hình, tuyên truyền cho người dân hiểu sự việc.

Theo ông Nguyên, xã có đến 70% người dân tộc Jrai, đời sống kinh tế ổn định. Đặc biệt, đối với những gia đình chính sách, hộ nghèo luôn được quan tâm, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế.

Ông Ksor Dung (ngụ buôn Đoàn Kết, xã Chư Rcăm) là người từng có thời gian “lầm đường lạc lối”, từng bị lừa phỉnh, theo các đối tượng Fulro lưu vong vượt biên sang Campuchia. Hiện ông là nhân chứng sống, luôn tích cực tham gia tuyên truyền cho người dân không nghe theo dụ dỗ của kẻ xấu để chống phá Nhà nước.

 Ksor Non và Siu Thoan từng có tiền án nhưng không hối cải, vẫn thực hiện chống phá Nhà nước. Ảnh: CA

Ksor Non và Siu Thoan từng có tiền án nhưng không hối cải, vẫn thực hiện chống phá Nhà nước. Ảnh: CA

Nói về chuyện “ma lai”, ông Dung nói thẳng: “Bản thân tôi sinh sống tại địa phương, chưa từng biết là có “ma lai”. Hình ảnh trên mạng là giả, là người ta tự làm, lấy ruột heo, đội tóc giả người nữ treo lên cây. Tôi mong người dân tỉnh táo, không nghe theo kẻ xấu xúi giục”.

Trung tá Mai Văn Năng, Phó Trưởng Công an huyện Krông Pa, cho biết những nội dung tuyên truyền sai sự thật về “ma lai” ảnh hưởng rất sâu sắc đến đời sống người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngay sau đó, công an huyện đã báo cáo sự việc lên Ban Thường vụ Huyện ủy và đã có sự phối hợp với Phòng Văn hóa thông tin huyện, cùng chính quyền địa phương tuyên truyền. Các vị già làng, người có uy tín, chức sắc trên địa bàn cùng tham gia tuyên truyền cho người dân hiểu.

“Mục đích của các đối tượng là gây hoang mang, phá hoại chính sách đại đoàn kết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, chúng lợi dụng để tuyên truyền, nói xấu Đảng, Nhà nước và kích động người dân. Ban đầu người dân, nhất là trẻ em có hoang mang, lo sợ nhưng nay không còn nữa, người dân biết rõ đây là chiêu trò của những đối tượng phản động” - Trung tá Năng nói.

Siu Thoan và Ksor Non sống lưu vong ở Thái Lan

Theo Trung tá Mai Văn Năng, Phó Trưởng Công an huyện Krông Pa, hai đối tượng gieo rắc thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong người đồng bào là Siu Thoan và Ksor Non, hiện đang sống lưu vong ở Thái Lan.

Siu Thoan từng đi tù về tội chống phá Nhà nước, còn Ksor Non từng đi tù về tội hủy hoại rừng.

Trước khi trốn ra nước ngoài, gia đình Ksor Non có cuộc sống kinh tế ổn định nhưng bán đất, sắm vàng mang ra nước ngoài, bỏ lại vợ con. Siu Thoan cũng có gia đình ấm êm nhưng lại có “tư tưởng không làm vẫn có ăn” nên trốn ra nước ngoài, rồi tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước.

“Mục đích đưa tin về “ma lai” của các đối tượng này là gieo rắc thông tin xấu độc, sai sự thật nhằm gây hoang mang dư luận. Từ đó, tạo tiếng vang, chỉ với mục đích là được đưa sang nước thứ ba tị nạn... ” - Trung tá Năng chia sẻ.

LÊ KIẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ghep-anh-doa-ma-gay-hoang-mang-dong-bao-post770676.html