Ghét nhau tìm đủ mọi đàng mà chê
Việc Bộ Công an đẩy mạnh xử lý vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông thời gian qua nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Lợi dụng tâm lý bất mãn của một số người bị xử phạt, các đối tượng xấu đã xuyên tạc, tô vẽ thông tin một cách tiêu cực và đưa ra những luận điệu hướng lái sai trái.
Cùng với việc đẩy mạnh xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, Bộ Công an cũng đang tích cực tham mưu hoàn thiện hành lang pháp lý. Trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến vừa qua, quy định về việc nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Lợi dụng việc này, các đối tượng xấu đã xuyên tạc, hướng lái tiêu cực như: “Bộ Công an tuyên truyền rằng cấm nồng độ cồn tuyệt đối là vì dân nhưng đây chỉ là cái cớ để Bộ Công an đưa quân lập chốt khắp các con hẻm để đo nồng độ cồn”, “số lượng tai nạn giao thông vẫn chưa thấy thay đổi tích cực, chỉ thấy Bộ Công an khoe thành tích thu được nhiều tiền, phạt được nhiều người”, “giữ nguyên khung phạt hiện hành cũng dễ hiểu thôi, vì nó đúng như mỏ vàng không bao giờ cạn, rất dễ để bắt tội một người dân dù người đó không uống một chút bia rượu nào”, “việc được hưởng 85% tiền phạt khiến cho công an Việt Nam quyết tâm giữ luật này tới cùng bất chấp dư luận chứ chả tốt đẹp gì, cũng không phải vì lo lắng cho dân”… Đáng buồn thay, không ít người vì thiếu nhận thức pháp luật, không chịu nghiên cứu, tìm hiểu thông tin đã a dua chia sẻ, lan truyền các thông tin độc hại được giới “dân chủ” đạo diễn.
Giao thông là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng và thiết yếu trong đời sống xã hội. Hầu hết chúng ta đều phải tham gia giao thông hằng ngày. Chính vì vậy, các quy định về giao thông sẽ tác động trực tiếp, ngay lập tức đến đời sống sinh hoạt của mỗi người, mỗi gia đình. Cách nay khoảng 15 năm, khi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được thông qua, quy định người điều khiển, người ngồi trên xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách cũng nhận không ít ý kiến hoài nghi. Họ cho rằng yêu cầu tất cả người dân phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là không khả thi. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, đến nay người dân đã nghiêm chỉnh chấp hành, chúng ta đã xây dựng được “văn hóa đội mũ bảo hiểm” khi tham gia giao thông cho người dân. Nói vậy để thấy, các quy định của pháp luật được đưa ra không phải lúc nào cũng ngay lập tức nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ dư luận. Chúng ta cần có thời gian để đưa quy định vào cuộc sống.
Việc các cơ quan chức năng đẩy mạnh xử lý vi phạm về rượu, bia khi tham gia giao thông là để bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng và tài sản cho người dân. Thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm, nước ta có khoảng 9 ngàn người chết, gần 30 ngàn người bị thương vì tai nạn giao thông. Trong số đó, gần 50% số vụ vi phạm giao thông nghiêm trọng có nguyên nhân do người điều khiển phương tiện bị “thần cồn” điều khiển. Không chỉ Việt Nam mà rất nhiều quốc gia khác cũng đưa ra những quy định để phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Theo kết quả khảo sát của cơ quan xây dựng luật, trong số 177 quốc gia được nghiên cứu, có 25 nước quy định nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở bằng 0, những nước còn lại có các quy định cấm khác nhau về tỷ lệ nồng độ cồn trong máu và hơi thở. Bởi vậy, một số cá nhân, tổ chức đề nghị các cơ quan xây dựng pháp luật nghiên cứu quy định ngưỡng nồng độ cồn vi phạm là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, điều đáng phê phán là việc không ít kẻ núp dưới danh nghĩa đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật để công kích chính quyền, kích động chống đối. Thay vì gửi ý kiến đóng góp đến các cơ quan chức năng, những kẻ này lên mạng xã hội để a dua theo lời lẽ phản động, rêu rao các luận điệu phỉ báng lực lượng chức năng khi thực hiện nhiệm vụ.
Những người đang tấn công, đả phá quy định về xử phạt liên quan đến rượu, bia là ai? Nhóm thứ nhất mà chúng ta không thể không nhắc đến là những kẻ phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước. Lợi dụng sự quan tâm của dư luận, chúng đã đạo diễn ra hàng loạt “thuyết âm mưu” với màu sắc tiêu cực, đen tối để tấn công chính quyền. Chỉ cần lướt qua các trang mạng xã hội do chúng điều khiển như Việt Tân, Chân trời mới Media, Tiếng dân News…, không khó để bắt gặp hàng loạt bài viết có nội dung lệch lạc liên quan đến vấn đề này. Từ vấn đề xử phạt nồng độ cồn, chúng móc nối một cách khập khiễng với những vi phạm của một số cán bộ suy thoái để tô vẽ ra các câu chuyện đầy mùi tiêu cực. Thực chất, mục đích của những người này không phải là để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, thúc đẩy xã hội phát triển như giọng điệu được rêu rao. Đích đến của chúng ở đây là để hạ bệ uy tín, hình ảnh của lực lượng Công an nhân dân nói riêng và của chính quyền nói chung, kích động sự bất mãn trong xã hội. Một nhóm khác là những người không có mục đích chống phá Đảng, Nhà nước nhưng do trình độ nhận thức pháp luật hạn chế mà a dua đồng tình với các luận điệu xấu, độc. Phần đông trong nhóm này là những người vô tổ chức, vô kỷ luật, từng bị cảnh sát giao thông xử phạt nên nảy sinh tâm lý cay cú, hậm hực, ác cảm với lực lượng chức năng.
Pháp luật không thể chiều lòng tất cả mọi người. Vì lợi ích chung của cộng đồng, mỗi người trong số chúng ta phải tự giác rèn luyện ý thức chấp hành pháp luật. Khi đã chấp hành pháp luật nghiêm túc, chẳng có lý do gì để chúng ta lo sợ bị xử lý.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/154676/ghet-nhau-tim-du-moi-dang-ma-che