Ghét sếp? Đừng trả thù!

Bực tức với sếp là chuyện bình thường, nhưng bạn có nên nghĩ đến chuyện trả thù? Câu trả lời là không!

Ra mắt năm 2011, bộ phim Horrible Bosses (Những vị sếp khó tính), với sự tham gia của Jason Bateman và nhiều diễn viên Hollywood khác, kể về chuyện ba người bạn thân cùng gặp phải vấn đề là họ đều có một người sếp khiến cuộc sống của họ trở nên khốn khổ. Họ cảm thấy bế tắc vì họ không thể nghỉ việc được, thế nên họ nghĩ ra một thủ đoạn gian xảo để thoát khỏi người sếp kinh khủng của mình.

Bị ảnh hưởng bởi rượu và lời khuyên sai lầm của một tên tội phạm chuyên nghiệp, cùng với việc thiếu khả năng phán đoán trầm trọng, họ đã bày ra một âm mưu phức tạp và liều lĩnh khiến cả nhóm chuốc lấy cả đống rắc rối. Càng dấn sâu vào kế hoạch trả thù, họ càng tự chìm vào kết cục bi thảm hơn.

 Bộ phim Horrible Bosses - Những vị sếp khó tính.

Bộ phim Horrible Bosses - Những vị sếp khó tính.

Dù bộ phim này chủ yếu mang tính giải trí, nó cũng cung cấp một lời khuyên hữu ích về việc quản lý sự nghiệp.

Dĩ nhiên bạn có thể không thích môi trường làm việc hoặc không thích sếp, nhưng bạn sẽ chẳng thu được kết quả tốt đẹp gì nếu lên kịch bản trả thù, nung nấu những âm mưu hạ bệ điên rồ hoặc châm kim vào hình nhân trù ếm sếp bạn mỗi đêm. Những kế hoạch kiểu đó sẽ phản tác dụng và khiến bạn phải trả giá đắt, giống như trong phim vậy.

Việc trả thù thật sự chẳng giúp ích được gì cho tình cảnh của bạn dù bạn có thấy thích thú đến mức nào khi nghĩ tới nó. Thực tế là nó còn khiến bạn khốn khổ hơn nữa. Nó có thể biến bạn thành một “nhân viên tồi” có hiệu suất làm việc yếu kém, làm nhơ nhuốc thanh danh của bạn và gây tổn hại đến triển vọng phát triển sự nghiệp của bạn.

Hơn nữa, người ta luôn thích buôn chuyện nơi công sở và bạn cũng không bao giờ chắc chắn được chuyện “ai quen biết ai”, nên những điều có vẻ vô hại mà bạn nói hoặc làm vào lúc này vẫn có thể gây tai hại cho bạn vào lúc khác.

Nói vậy không có nghĩa là bạn cứ phải cung cúc vâng lời và xuôi theo bất cứ điều gì xảy đến với mình. Bạn cần lập kế hoạch, suy nghĩ về các mục tiêu dài hạn và phải có chiến lược để làm việc với sếp bạn. Đó chính là điểm mấu chốt trong việc quản lý mối quan hệ với cấp trên!

Bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng điều bạn làm và lý do bạn làm điều đó. Hãy chọn các vấn đề đáng giải quyết và xác định thời điểm thích hợp để giải quyết chúng, đồng thời hãy ý thức về các rủi ro đi kèm với lựa chọn của bạn.

 Sách Sếp tồi. Ảnh H.Q.

Sách Sếp tồi. Ảnh H.Q.

Không có giải pháp nào áp dụng được cho mọi trường hợp. Bạn không thể nói: “Sếp của mình là kiểu sếp này [chèn kiểu sếp X], nghĩa là mình cần hành động theo cách này [chèn giải pháp Y]”. Không có công thức thần kỳ hay giải pháp chắc chắn nào cả, và cũng không có gì đảm bảo rằng chiến lược của bạn sẽ hiệu quả.

Michelle Gibbings | First News - Nhà xuất bản Dân trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/ghet-sep-dung-tra-thu-post1542749.html