Ghét thói háo danh, hơn thua, hằn học!
Không cần phải bàn về chuyện nhờ và được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 sai đối tượng ở Hà Nội vừa qua nữa, bởi đó chỉ là trường hợp cá biệt, vi phạm nguyên tắc tiếp cận tiêm chủng công bằng và đã bị xử lý.
Điều đáng nói, qua đó có thể thấy, là tính khoe mẽ, hơn thua tồn tại dai dẳng trong xã hội ta, tất nhiên chỉ nằm ở một bộ phận người.
Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng đó là một phần trong căn tính của một bộ phận người Việt. Mà cái đẹp thường mong manh, thói xấu thì lại bền chặt; tính háo danh, hơn thua thì thuộc phạm trù xấu, do đó khó bị tiệt trừ.
Học giả Phạm Quỳnh từng nhận xét trên Nam Phong tạp chí: "Dân ta rất hiếu danh, mà hiếu hư danh...". Và tác giả giải thích lý do khiến người ta như thế: "Hết thảy đều như có cái ma lực nó run rủi, phải chuốc lấy chút danh tiếng hão mới mãn nguyện" (Danh dự luận, 1919).
Dầu biết cái "danh tiếng hão" ấy chẳng tích sự gì, thậm chí gây họa cho chính mình và người khác, nhưng vì sao người ta lại vẫn gắng mưu cầu, cố làm cho được? Bởi đó đã trở thành thuộc tính tâm lý cố hữu của con người rồi. Nghiên cứu hiện đại, như Học thuyết Maslow của Abraham Harold Maslow, cũng phân tích điều này trong "Tháp nhu cầu". Theo đó, trong 5 tầng nhu cầu cơ bản mà con người luôn muốn có, thì tầng thứ năm là nhu cầu thể hiện bản thân (trình diễn mình, bày ra những gì mình có, muốn được công nhận là thành đạt, hơn người).
Quy luật tâm lý có tính biện chứng đó là hằng hữu, tồn tại trong đời sống xã hội như một phần tất yếu. Và hiển nhiên nó được cộng đồng chấp nhận. Nhưng khi sự thể hiện bản thân vượt quá giới hạn cho phép của văn hóa dân tộc, trở nên phản cảm, gây tác động xấu đến lợi ích chung của cộng đồng thì ngay lập tức nó bị lên án, trừng trị.
Sự háo danh, thích thể hiện bản thân... có nhiều mục đích, trong đó có mục đích đánh bóng tên tuổi và tiếp theo là tìm kiếm lợi ích vật chất. Vừa rồi, trong đoàn sinh viên y khoa Hải Dương tình nguyện vào TP HCM hỗ trợ chống dịch có một vài bạn phát ngôn thái quá, hợm mình, đã được sớm chấn chỉnh. Nhưng nhân danh "người thành phố" để lên mạng "dạy các em một bài học" bằng bài đăng trên trang cá nhân có nội dung kỳ thị vùng miền như cách làm của nữ MC nọ là không phù hợp, đã bị xử phạt hành chính.
Hay là một vụ tự thiêu vừa xảy ra, chưa rõ nguyên nhân gì thì người đàn ông đã 60 tuổi lấy hình ảnh, ghép và đăng lên mạng xã hội kèm nội dung bịa đặt rằng tự thiêu "do bất mãn cách chống dịch của chính quyền". Lấy "số má", được chút "tiếng tăm bong bóng" làm gì bằng cách làm xuyên tạc xấu xa này? Trong lúc cả nước, nhất là TP HCM đang căng mình chống Covid-19 như thế, nhọc nhằn và tốn kém biết bao nhiêu, mà vẫn có kẻ hướng mũi giáo về phía đồng bào mình, chỉ bởi sự vị kỷ thấp hèn và với thái độ hằn học thì thật đê tiện. Việc cơ quan pháp luật kịp thời trừng trị cá nhân đó là thích đáng!
Từ những chuyện ấy, chúng ta càng thấy rõ hơn mỗi con người là một tế bào của xã hội; xã hội có văn minh, phồn vinh hay không phụ thuộc vào đóng góp có trách nhiệm của từng cá nhân. Lợi ích chung phải là trước hết và trên hết.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/goc-nhin/dat-loi-ich-chung-tren-tat-ca-20210722222023968.htm