Ghi âm, ghi hình cảnh sát giao thông sao cho đúng luật?
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Thông tư 67/2019/TT-BCA (gọi tắt là Thông tư 67) ngày 28-11-2019 của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được nhiều người quan tâm là kể từ ngày 15-1-2020 người dân có quyền giám sát lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đang làm nhiệm vụ thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình.
Quy định trên được người dân và lực lượng chức năng kỳ vọng khi đi vào thực tiễn sẽ đảm bảo tính công khai minh bạch trong xử lý vi phạm giao thông, tạo thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện quyền giám sát. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến thắc mắc hoạt động giám sát này phải thực hiện sao cho phù hợp, đúng pháp luật.
* Người dân đồng tình
Điều 11, Thông tư 67 của Bộ Công an quy định hình thức giám sát đó là thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp. Quy định này đã nhận được sự đồng tình của người dân.
Ông Nguyễn Bảo Quốc (ngụ phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) cho biết, cá nhân ông thấy đây là quy định rất tiến bộ, tích cực. Theo ông Quốc, việc ghi âm, ghi hình CSGT khi làm nhiệm vụ là một hình thức để người dân thực hiện quyền giám sát của mình, qua đó minh bạch, giảm tiêu cực, giúp cán bộ, chiến sĩ ý thức hơn trong tác phong nghiệp vụ khi thực thi nhiệm vụ.
“Mục đích của việc thu thập thông tin là để đấu tranh với những cái sai, cái chưa đúng, các biểu hiện tiêu cực chứ không phải nhằm bêu xấu hình ảnh lực lượng cảnh sát. CSGT có thể xem việc được ghi âm, ghi hình như tấm gương phản chiếu hình ảnh để tự điều chỉnh lại mình” - ông Quốc nói.
Tương tự, bà Nguyễn Anh Thảo (ngụ phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cũng cho rằng, quy định trên rất phù hợp với thực tế, chỉ cần sử dụng điện thoại là người dân có thể thực hiện quyền giám sát của mình. Quy định cho phép người dân được ghi âm, ghi hình sẽ góp phần phát hiện những người lợi dụng việc thi hành công vụ để tham nhũng, hạch sách người dân. Qua đó cung cấp cho cơ quan chức năng cơ sở dữ liệu để xử lý các vi phạm nếu có.
Ngay khi có hiệu lực thực thi, quy định được phép ghi âm, ghi hình lực lượng CSGT khi đang làm nhiệm vụ đã được nhiều người áp dụng. Thế nhưng không phải ai cũng thực hiện đảm bảo các điều kiện theo quy định của Thông tư 67 như: không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông) và tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
* Giám sát sao cho đúng luật
Phân tích nội dung quy định trên, luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) lưu ý, người dân được quyền giám sát nhưng phải theo quy định của luật, không được cản trở đến hoạt động của lực lượng thi hành công vụ.
Ví dụ: không được quay phim tại những địa điểm cấm quay phim hoặc cản trở lực lượng CSGT khi họ đang thực thi nhiệm vụ, truy bắt tội phạm; ghi âm, quay phim mà làm mất an toàn đến bản thân mình, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông khác, cầm máy quay gí sát vào người CSGT là sai quy định...
Thông tư 67 quy định người dân cũng phải chịu trách nhiệm về thông tin giám sát của mình đảm bảo tính trung thực, khách quan. Nghĩa là phải phản ảnh đúng sự thật, nội dung ghi âm, ghi hình không được cắt xén chỉnh sửa để phục vụ ý đồ riêng. Việc sử dụng các tài liệu, băng ghi âm, ghi hình phải tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật. Khi đăng tải, phát tán các thông tin mà vi phạm các vấn đề về bí mật đời tư, vi phạm các vấn đề liên quan tới xúc phạm danh dự, nhân phẩm, an toàn thông tin… thì người đưa lên phải chịu trách nhiệm trước các quy định của pháp luật.
Tùy theo tính chất, mức độ mà người dân phải chịu trách nhiệm theo Luật An ninh mạng cũng như xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ (quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội vu khống (quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự), tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 228 Bộ luật Hình sự).
Luật sư Ngô Văn Định lưu ý, người dân cần cân nhắc khi sử dụng các tài liệu ghi âm, ghi hình sao cho đúng luật. Hiện nay, lực lượng công an có bộ phận xử lý các vi phạm, do vậy tốt nhất là nên gửi các tư liệu liên quan cho đơn vị chức năng xử lý theo đúng quy định điều lệ của ngành và quy định của pháp luật.
Luật sư Ngô Văn Định kiến nghị: “Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cơ quan công an cần công bố đường dây nóng, địa chỉ tiếp nhận tư liệu ghi âm, ghi hình do người dân cung cấp, đồng thời phải có phản hồi kết quả xử lý cho người gửi một cách nhanh chóng”.