Ghi âm, ghi hình tại trụ sở tiếp công dân phải được sự đồng ý nhằm bảo vệ người tố cáo
Đó là nhìn nhận của bà Tống Thị Thanh Nam – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội khi trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, chiều 10-1.
Cụ thể, nói về Quyết định số 12/QĐ-UBND ngày 3-1-2019 về việc ban hành nội quy tiếp công dân, bà Tống Thị Thanh Nam – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, căn cứ điểm a, khoản 1, Điều 18 – Luật Tiếp công dân năm 2013, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ban hành nội quy tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân thành phố Hà Nội là đúng pháp luật.
Điều 18 – Luật Tiếp công dân quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc tiếp công dân đó là lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác tiếp công dân của cơ quan mình. Trong đó gồm: Ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân; Bố trí địa điểm thuận lợi cho việc tiếp công dân; bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ việc tiếp công dân và bảo đảm an toàn, trật tự cho hoạt động tiếp công dân…
Theo bà Tống Thị Thanh Nam, quyết định ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân của Chủ tịch UBND TP Hà Nội là văn bản cá biệt, mang tính áp dụng pháp luật chứ không phải văn bản quy phạm pháp luật nên Sở Tư pháp Hà Nội không tham gia xây dựng, đồng thời cũng không thẩm định.
Phân tích về tính chất, giá trị pháp lý của nội quy tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp TP Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội nhìn nhận, trước hết là về tiêu đề của văn bản này, nó chỉ là “nội quy”. Những quy định trong nội quy tiếp công dân chỉ giới hạn trong không gian, phạm vi Trụ sở Tiếp công dân TP Hà Nội, không áp dụng rộng rãi. Cũng chính vì thế mà nó không chứa đựng nội hàm “cấm” với tính chất của một quy phạm pháp luật.
Nói rõ hơn về quy định “ghi âm, ghi hình phải xin phép và được sự đồng ý của người tiếp công dân”, đại diện Sở Tư pháp Hà Nội cho rằng Trụ sở Tiếp công dân với ý nghĩa là một cơ quan Nhà nước nên cần thiết phải có trật tự, kỷ cương. Quá trình tiếp công dân phải bảo đảm sự nghiêm túc, minh bạch đối với cả cán bộ tiếp công dân và người dân.
Vì thế việc ghi âm, ghi hình phải xin phép và phải được sự đồng ý của người tiếp công dân là cần thiết. Việc đồng ý ở đây là nhằm phân định, xác định rõ tính chất, mức độ đối với từng trường hợp cụ thể. Trường hợp nào thì được ghi âm, ghi hình và trường hợp nào thì không được ghi âm, ghi hình.
Bởi lẽ Trụ sở Tiếp công dân luôn có rất nhiều người đến làm việc với nhiều nội dung công việc khác nhau, trong đó không loại trừ cả những trường hợp đến để tố cáo. Thế nên nếu ghi âm, ghi hình một cách tùy tiện, thiếu kiểm soát sẽ dẫn tới tình trạng vi phạm Luật Tố cáo và ảnh hưởng không tốt đến người tố cáo, nội dung tố cáo. Đặc biệt là khó có thể bảo đảm sự an toàn, bí mật cho người tố cáo.
“Nếu ai đó muốn ghi âm, ghi hình một cánh công khai, minh bạch mà việc ghi âm, ghi hình đó không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì không có lý do gì mà cán bộ tiếp dân lại không đồng ý” – đại diện Sở Tư pháp TP Hà Nội nhận định.
Bà Tống Thị Thanh Nam cho rằng trụ sở tiếp công dân luôn có đông người đến làm việc, giả sử ai cũng ghi âm, ghi hình thì sẽ rất lộn xộn và mất trật tự. Quá trình làm việc, cán bộ tiếp công dân cũng như người dân cứ bị máy quay, máy ghi âm gí sát vào mặt, trong khi thiếu sự chuẩn bị thì chẳng hay chút nào.
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Sở Tư pháp khẳng định, nguyên tắc của pháp luật là quyền và nghĩa vụ luôn đi liền với nhau và người này thực hiện quyền của mình nhưng không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Do vậy, nội quy tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân TP Hà Nội xác định “ghi âm, ghi hình phải xin phép và được sự đồng ý của người tiếp công dân” là không trái pháp luật và cần thiết nhằm bảo đảm trật tự, nghiêm túc trong hoạt động của cơ quan Nhà nước.
Ngoài ra theo bà Tống Thị Thanh Nam, nếu ai đó cho rằng ghi âm, ghi hình là để tránh hiện tượng cán bộ tiếp công dân có hành vi và hành động không chuẩn mực thì cũng không cần lo lắng. Bởi tại Trụ sở Tiếp công dân TP Hà Nội đã trang bị đầy đủ hệ thống camera giám sát. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan chức năng sẽ trích xuất từ hệ thống này ra để xem xét.