Ghi dấu 'cuộc chơi' với con chữ

Khá lâu rồi, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Gia Lai mới có một chương trình giới thiệu tác phẩm mới của các tác giả thuộc Chi hội Văn học như tối 31-10 vừa qua. Chỉ trong 2 năm (2022-2023), 10 đầu sách đã được trình làng, như một cách chứng thực, ghi dấu cho quá trình sáng tạo của những người cầm bút.

1. Có thể xem chương trình giới thiệu tác giả-tác phẩm là một cuộc tôn vinh đáng được đón đợi. Là bởi lâu nay, các tác giả chủ yếu tự xuất bản, tự tổ chức ra mắt sách theo lối đơn lẻ, chưa cho độc giả thấy được sức sáng tạo của một đội ngũ người viết khá chắc tay trong tỉnh.

Tác giả Đào An Duyên (bìa trái) và Tạ Chí Tào (ở giữa) tại chương trình giới thiệu tác giả, tác phẩm tối 31-10. Ảnh: P.D

Tác giả Đào An Duyên (bìa trái) và Tạ Chí Tào (ở giữa) tại chương trình giới thiệu tác giả, tác phẩm tối 31-10. Ảnh: P.D

9 tác giả và 10 tác phẩm được giới thiệu đã khẳng định sự kế thừa đáng quý trong giới văn chương. Nói như Nghệ sĩ Ưu tú Đặng Công Hưng-Phó Chủ tịch phụ trách Hội VHNT tỉnh: “Sự tiếp nối về tuổi đời, tuổi nghề đã mang đến cho độc giả những góc nhìn khác biệt về cuộc sống. Tất cả tạo nên sự đa dạng, phong phú cho đời sống VHNT tỉnh nhà”. Trong số các tác phẩm được giới thiệu đến độc giả dịp này, về truyện ngắn có “Bước đi hoa” (Phạm Đức Long), “Phía mùa rực rỡ” (Hoàng Thanh Hương), “Mùa gió về trên núi” (Trương Thị Chung), “Hừng sáng” (Võ Thị Mỹ Hạnh), “Trăng treo đầu núi” (Lê Vi Thủy). Về thơ có “Miên man khúc làng” (Nguyễn Tiến Lập), “Gió nghiêng về phía ngược chiều” (Lê Vi Thủy), “Lục bát 2 câu về Người” tập 2, 3 (Tạ Chí Tào). Tản văn có “Dưới thềm cũ rêu phong” (Đào An Duyên), “Miền sương tản phố” (Ngô Thanh Vân).

Chia sẻ về quá trình sáng tạo nghệ thuật nói chung cũng như về tác phẩm vừa ra mắt, tác giả Nguyễn Tiến Lập bộc bạch: “Tập “Miên man khúc làng” có cả hình bóng quê hương miền Bắc nơi tôi sinh ra, nhưng chủ yếu vẫn là cảm hứng về vùng đất Gia Lai. Ngay cả những câu thơ viết về biển đảo thì cũng là từ góc nhìn của một người dân Tây Nguyên”.

Là người luôn nhận được sự kính quý của những tác giả trẻ, nhà văn-nhà thơ Phạm Đức Long đến nay đã ra mắt 8 tập sách, từ thơ đến truyện ngắn, truyện thiếu nhi. Tập truyện ngắn mới nhất có tên “Bước đi hoa” thêm một lần cho thấy vốn sống đáng nể của người trải qua nhiều biến động thời cuộc lẫn kinh nghiệm dày dặn. Điều ấy chuyển tải qua những suy ngẫm sâu xa về cuộc sống, lời cảnh báo về sự “đắc tội” ngày càng lớn của con người với thiên nhiên nếu không biết chế ngự lòng tham, không biết tìm cách dung hòa, cộng sinh, nương tựa thiên nhiên. “Bước đi hoa” còn hấp dẫn bởi những câu từ, hình ảnh đẹp đẽ về khung cảnh làng quê, rừng núi và cả những con người không ngại va chạm để được sống đúng với mơ ước của mình.

Với tác giả Tạ Chí Tào, tuy không phải bài thơ nào cũng đặc sắc song “Lục bát 2 câu về Người” tập 2, 3 vẫn được nhiều người yêu thơ khích lệ. Mắc trọng bệnh, phải qua hàng chục lần hóa trị, xạ trị nhưng ông vẫn miệt mài dụng công thể loại “dễ mà khó” như lục bát. Hoạt động sáng tác của ông khẳng định chỗ đứng của thơ: Thơ mang đến và truyền đi nguồn vui sống.

Một số tác phẩm của hội viên Chi hội Văn học xuất bản trong 2 năm 2022-2023. Ảnh: Phương Duyên

Một số tác phẩm của hội viên Chi hội Văn học xuất bản trong 2 năm 2022-2023. Ảnh: Phương Duyên

2. Trẻ tuổi hơn nhưng một số tác giả cũng dần khẳng định vai trò, thế mạnh. Trong đó phải kể đến nhà văn Hoàng Thanh Hương với 7 tác phẩm đã xuất bản, cả truyện, ký và nghiên cứu văn hóa dân gian. Chị cho hay, trong tác phẩm mới nhất là tập truyện ngắn “Phía mùa rực rỡ”, chị chủ yếu viết về những gương mặt phụ nữ mình đã gặp với phong phú thiên tính phái nữ. Không khẳng định đi đường dài với văn chương do bận rộn chuyên môn của một công chức, song chị cho biết đây vẫn là một “điểm tựa” không thể thiếu trong cuộc sống.

Cũng chọn tiếp cận đề tài xoay quanh các nhân vật nữ là chủ yếu, 2 tập truyện ngắn “Mùa gió về trên núi” (Trương Thị Chung), “Hừng sáng” (Võ Thị Mỹ Hạnh) là sự phản chiếu đa chiều hình ảnh người phụ nữ với những lo toan không dứt trong cuộc mưu sinh bộn bề cùng tâm tư, khao khát của họ trước cuộc đời.

Trong khi đó, từ chối những danh xưng mỹ miều, tại buổi giao lưu, tác giả Đào An Duyên nhận mình là nhà giáo viết văn, luôn tự học hỏi để hoàn thiện mình. Chị chia sẻ: “Văn chương viết về cái tốt hay cái xấu thì đều hướng đến con người, mang đến cho người đọc sự đồng cảm… Trong văn thơ, tôi luôn có một chữ “an”. Dù là thơ hay văn xuôi, tôi luôn hướng đến điều đó trong những sáng tác của mình”. Đào An Duyên bày tỏ sự tri ân dành cho người thầy của mình là cố nhà giáo Chử Anh Đào, người đã gieo vào lòng chị những điều đẹp đẽ, trong trẻo. “Chỉ mong một ngày nào đó, trong số các em học sinh ngồi đây như những măng non, chừng 20 năm, 30 năm hoặc lâu hơn nữa sẽ xuất hiện các nhà văn. Trách nhiệm của chúng ta là hãy như thầy tôi, vun đắp cho các em”.

Chưa khi nào ngừng thương yêu vùng đất nơi mình đã được sinh ra và trưởng thành, nhà thơ Ngô Thanh Vân-Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh chuyện trò với khán giả buổi giao lưu về tình yêu Pleiku. Chị hy vọng thông qua tập tản văn “Miền sương tản phố”, nhiều người tìm thấy chính mình, cảm nhận và hình dung phần nào về Pleiku trước kia và những bước chuyển mình hôm nay.

Là hội viên có 2 tác phẩm vừa ra mắt, tác giả Lê Vi Thủy gửi đến những người yêu văn chương đôi lời nhắn nhủ: “Văn chương không chỉ là sở thích, đó còn là sự nặng nợ với con chữ, phải viết ra để trút hết nỗi lòng mình. Viết không phải chuyện dễ dàng, nhưng nếu các bạn thật sự yêu văn chương thì hãy cứ dấn thân, đam mê hết mình, đừng nghĩ rằng mình phải làm gì đó to tát mà đơn giản là hãy làm hết sức có thể”.

PHƯƠNG DUYÊN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ghi-dau-cuoc-choi-voi-con-chu-post254454.html