Ghi hình, xử lý học sinh vi phạm tại điểm trông giữ xe ngoài trường học
3 tháng đầu năm, Cảnh sát giao thông Hà Nội phát hiện xử lý 2.289 trường hợp học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông. Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã phân bổ lực lượng đánh giá tình hình, triển khai các giải pháp giảm thiểu thực trạng này.
3 tháng xử lý hơn 2.200 trường hợp vi phạm
Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết, trong 3 tháng đầu năm, cảnh sát giao thông toàn thành phố đã phát hiện xử lý 2.289 trường hợp học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, có 1.964 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, nhiều trường hợp không đủ điều kiện điều khiển xe máy. Ngoài ra, cảnh sát cũng xử lý 173 trường hợp giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện.
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho hay, đơn vị vừa đồng loạt triển khai lực lượng xử lý các trường hợp học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông trên nhiều tuyến đường thuộc các quận, huyện, thị xã. Mục đích của đợt kiểm tra để đánh giá thực tế tình hình, triển khai các giải pháp phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo xử lý dứt điểm tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về giao thông.

Cảnh sát giao thông Hà Nội xử lý học sinh điều khiển xe không đội mũ bảo hiểm. Ảnh: Lê Khánh.
Ngày 31/3, PV Báo Đại Đoàn Kết đã theo chân Tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 7 kiểm tra, xử lý hàng loạt học sinh, phụ huynh vi phạm tại nút giao Tô Hiệu - Bà Triệu (quận Hà Đông, Hà Nội).
Tại đây, 6 cán bộ cảnh sát giao thông tập trung kiểm soát các trường hợp học sinh, phụ huynh điều khiển xe máy vi phạm như không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, người điều khiển phương tiện chưa có giấy phép lái xe.
Phân trần với lực lượng CSGT, em P.B.N. (14 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội) điều khiển xe máy điện nhưng không đội mũ bảo hiểm cho biết: "Hôm nay cháu vội đi đón em nên không kịp lấy mũ bảo hiểm. Biết hành vi vi phạm của bản thân, nhưng cháu xin các chú bỏ qua cho lần này, nếu không bố mẹ biết sẽ mắng cháu".
Hay chị, LTN (42 tuổi, phụ huynh học sinh) cho hay: "Do lúc đi làm về tôi tranh thủ tạt qua trường học để đón cháu nên không mang theo mũ bảo hiểm. Tôi nhận thức được hành vi vi phạm của bản thân và xin chấp nhận việc xử phạt của cảnh sát".
Kiểm tra đột xuất bãi xe ngoài trường học xử lý vi phạm
Để xử lý triệt để việc học sinh vi phạm, tổ công tác do Trung tá Trương Công Mạnh, Phó Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 9, phối hợp với Công an xã Vật Lại, huyện Ba Vì tổ chức ghi hình các vi phạm của học sinh tại khu vực cổng trường THPT Lương Thế Vinh.
Lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất 4 điểm trông giữ xe gần cổng trường THPT Lương Thế Vinh. Cả 4 địa điểm đều không xuất trình được giấy phép hoạt động. Tại đây, Công an phát hiện 54 phương tiện đang được trông giữ. Qua xác minh, 17 xe không liên quan đến học sinh được hướng dẫn di chuyển về nơi gửi xe đúng quy định, 15 xe gắn máy dưới 50 cm3 và xe máy điện, cùng 21 xe mô tô là phương tiện của học sinh.

Hàng chục trường hợp học sinh vi phạm bị xử lý. Ảnh: Lê Khánh.
Theo đó, Cảnh sát giao thông phối hợp với Ban Giám hiệu nhà trường, mời chủ xe và phụ huynh học sinh liên quan đến làm việc. Các vi phạm chủ yếu gồm điều khiển xe mô tô không đội mũ bảo hiểm, không có gương chiếu hậu, không gắn biển kiểm soát và học sinh từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô trên 50 cm3.
Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 9 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 21 học sinh, tạm giữ 21 phương tiện vi phạm, đồng thời lập biên bản xử lý phụ huynh có hành vi giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển. Danh sách học sinh vi phạm sẽ được Cảnh sát giao thông tổng hợp, gửi thông báo đến Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để phối hợp xử lý theo quy định.
"Công tác xử lý học sinh vi phạm giao thông vẫn là một vấn đề nan giải, xuất phát từ nhiều yếu tố đặc thù của địa phương. Từ thực tế khảo sát địa bàn, chúng tôi nhận thấy đa số học sinh trên địa bàn huyện Ba Vì chấp hành tương đối nghiêm quy định TTATGT (nhất là các trường công lập). Tuy nhiên ở một số ở các cơ sở sở giáo dục tư thục, Trung tâm giáo dục thường xuyên, trường bổ túc văn hóa… hiện tượng học sinh vi phạm TTATGT còn diễn ra phổ biến", Trung tá Trương Công Mạnh, Đội phó Đội CSGT đường bộ số 9 cho biết.

Cảnh sát mời phụ huynh cùng học sinh vi phạm tới làm việc. Ảnh: Lê Khánh.
Chỉ ra nguyên nhân, Trung tá Mạnh cho rằng là do ở những cơ sở giáo dục này, bên cạnh con em người dân địa phương còn có nhiều học sinh ở các địa bàn giáp ranh như: Huyện Thanh Thủy, huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ), thị xã Sơn Tây... cũng đến theo học. Việc tiếp cận với các chương trình giáo dục về an toàn giao thông chưa thường xuyên và chuyên sâu. Cùng với đó, hệ thống giao thông công cộng chưa thuận tiện, xa trường học khiến các em phải tự di chuyển bằng các phương tiện cá nhân đến trường.
"Do nhu cầu đi lại hàng ngày, nhiều gia đình ở ngoại thành cũng chủ động giao xe máy cho con em sử dụng khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe. Chưa kể đến việc, nhiều phụ huynh còn có thái độ không đúng mực với lực lượng Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ vì bị xử lý vi phạm mà không được "thông cảm, bỏ qua".
Điều này không chỉ gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm mà còn làm giảm hiệu quả của những nỗ lực trong việc nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của học sinh... Những nguyên nhân này đã tạo tâm lý chủ quan, coi thường luật lệ, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh, thiếu niên", Trung tá Trương Công Mạnh thông tin.