Ghi nhận bệnh nhân thứ 26 mắc giun rồng tại Việt Nam

Hiện tại chưa có phương pháp xét nghiệm để biết bệnh nhân có bị mắc giun rồng hay không trước khi các triệu chứng xuất hiện, chỉ khi giun chui ra thì mới biết là bị bệnh.

Người bệnh với những dấu vết do giun rồng gây ra. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Người bệnh với những dấu vết do giun rồng gây ra. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 15/5, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thông tin, các bác sỹ của bệnh viện tiếp nhận người bệnh T.N.T. (sinh năm 1978, trú tại xã Thượng Long, huyện Yên Lập, Phú Thọ) đến khám do mắc giun rồng.

Đây là bệnh nhân thứ 26 mắc giun rồng tại Việt Nam.

Người bệnh đến bệnh viện khám trong tình trạng tỉnh táo, không sốt, không ngứa, không đau. Trên cơ thể các vùng tổn thương tại hông trái, dưới đùi chân trái, bắp chân phải và vùng cổ phải.

Bệnh nhân làm nông nghiệp, khoảng 1 tuần trước khi nhập viện thấy nốt sần, rát bên hông trái, ngứa, đau, sưng. Do không nhìn được nên bệnh nhân cũng chỉ nghĩ có thể là mụn, hoặc con gì đốt. Sau 5 ngày bệnh nhân phát hiện nốt nổi tại vùng gối trái của mình hơi sưng có mủ tự vỡ. Người bệnh rút được khoảng 10cm thì đứt và lên bệnh viện để kiểm tra, đồng thời tại đây rút được thêm 40cm giun nữa.

Hiện tại người bệnh không ngứa, tại vùng cổ phải và vùng chân phải xuất hiện đường ngoằn nghèo, có kèm nốt sưng đỏ.

Các bác sỹ của Bệnh viện Đặng Văn Ngữ đã tiến hành thăm khám, cho người bệnh. Thông qua hình ảnh siêu âm có thể nhận thấy rõ vị trí mặt trong dưới đùi trái - nơi giun chui ra khỏi người bệnh nhân, nằm dưới lớp mỡ dưới da, ngoài bao cơ liên tiếp với lỗ dò cũ trên da có tổn thương.

Vị trí mặt sau dưới đùi phải và ở cổ, nằm trong và dưới lớp mỡ dưới da, ngoài bao cơ có tổn thương, tuy nhiên hình ảnh “đường ray” chưa quan sát được rõ.

Theo Phó giáo sư Đỗ Trung Dũng - Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, hiện tại bệnh chưa có phương pháp xét nghiệm để xem mình có bị mắc giun rồng hay không trước khi các triệu chứng xuất hiện, chỉ khi giun chui ra thì mới biết là mình bị bệnh. Cùng với đó cũng chưa có thuốc đặc trị bệnh, phương pháp duy nhất trên thế giới đang áp dụng là dùng biện pháp lôi loại bỏ được hết con giun đó ra khỏi cơ thể người.

 Bác sỹ siêu âm, kiểm tra cho bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bác sỹ siêu âm, kiểm tra cho bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tập tính của giun rồng trong cơ thể là xu hướng chui ra ngoài cơ thể thông qua vùng da, cũng có nhiều trường hợp giun không tự chui ra nó tự động chết ở phần dưới da. Khi người bệnh mắc giun rồng, không tự ý sử dụng thuốc, trích chích hay phẫu thuật, mà cố gắng dùng que quấn lôi dần giun ra khỏi cơ thể mình.

Phó giáo sư Đỗ Trung Dũng nhấn mạnh tuyệt đội không làm đứt giun, bởi khi giun bị đứt sẽ phát tán khiến ấu trùng giun và chất độc trong thân giun giải phóng theo đường đi của giun cái, làm tăng tình trạng viêm nhiễm. Khi lấy giun ra khỏi cơ thể người bệnh cần tuân thủ các biện pháp vệ sinh tránh phán tán mầm bệnh ra cộng đồng.

Để chủ động phòng chống bệnh giun rồng, bác sỹ khuyến cáo, người dân tuyệt đối không ăn đồ sống, thực phẩm chưa nấu chín, chỉ uống nước đã đun sôi. Người dân cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn và sau khi lao động. Khi có biểu hiện bất thường như nổi nốt sẩn, ngứa dai dẳng... cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám. Phòng bệnh là biện pháp duy nhất hiệu quả hiện nay./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ghi-nhan-benh-nhan-thu-26-mac-giun-rong-tai-viet-nam-post1038563.vnp