Ghi nhận hơn 490 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ sáng 2/4 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 490.043.442 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.171.238 ca tử vong. Số bệnh nhân COVID-19 đã bình phục là 424.525.463 người trong khi vẫn còn 58.974.537 người đang phải điều trị.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng 81.811.791 ca mắc, trong đó 1.007.953 ca tử vong. Tiếp theo là Ấn Độ với 43.026.736 ca mắc, trong đó có 521.293 ca tử vong và Brazil với 29.975.165 ca mắc, trong đó có 660.065 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, trên toàn thế giới có thêm 1.229.698 ca mắc mới COVID-19, trong đó Hàn Quốc đứng đầu với 264.171, đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp số ca lây nhiễm mới ở dưới mốc 300.000 ca. Tiếp đến là Đức với 231.910 ca và Pháp với 148.629 ca.
Xét về lục địa, châu Âu đứng đầu thế giới về số ca mắc với 179.537.381 ca, trong đó 1.773.763 ca tử vong. Châu Á đứng thứ hai khi ghi nhận tổng cộng 139.915.480 ca nhiễm, trong đó 1.403.044 ca tử vong. Tiếp đến là Bắc Mỹ với 96.624.411 ca mắc, trong đó có 1.443.465 ca tử vong.
Ngày 2/4, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) công bố số liệu cho thấy Trung Quốc đại lục ghi nhận 2.129 ca mắc mới trong ngày 1/4, tăng so với mức 1.827 ca của ngày trước đó. Theo NHC, trong số ca mắc mới, có 2.086 ca mắc trong cộng đồng, tăng hơn so với 1.787 ca của ngày trước đó.
Số ca mắc không triệu chứng, vốn không được Trung Quốc xếp loại là ca mắc đã xác nhận, đã tăng từ 5.559 ca lên 7.869 ca. Trong số này, Thượng Hải ghi nhận 6.051 ca không triệu chứng và 260 ca có triệu chứng. Cho đến nay, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 153.232 ca, trong đó có 4.638 ca tử vong.
Ngày 1/4, Chính phủ Nhật Bản xác nhận bà Seiko Noda - Bộ trưởng phụ trách vấn đề bình đẳng giới và các chính sách cho trẻ em, đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Bà Seiko Noda là thành viên đương nhiệm đầu tiên trong nội các Nhật Bản bị mắc COVID-19.
Bộ trưởng Noda có triệu chứng sốt nhẹ vào sáng 1/4. Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy bà đã dương tính với SARS-CoV-2. Trước đó, bà không tiếp xúc gần với Thủ tướng Kishida Fumio và các bộ trưởng khác trong nội các.
Bà Noda hiện phụ trách việc thành lập cơ quan mới thuộc Chính phủ Nhật Bản để điều phối các chính sách liên quan tới trẻ em. Vì vậy, theo ông Tsuyoshi Takagi - Chủ tịch Ủy ban về các vấn đề Quốc hội của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, các cuộc thảo luận về dự luật liên quan tới vấn đề này tại quốc hội sẽ chỉ bắt đầu sau khi Bộ trưởng Noda bình phục. Trong khi đó, theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, bà Noda sẽ không tới văn phòng cho đến ngày 11/4.
Cũng trong ngày 1/4, bà Yuriko Koike - Thống đốc Tokyo, cảnh báo dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron đang nhanh chóng chiếm ưu thế trong số các ca nhiễm mới ở thành phố này. Trong tuần từ 15-21/3, các ca nghi nhiễm BA.2 chiếm khoảng 52% trong tổng số ca mắc mới COVID-19 ở Tokyo.
Theo bà Koike, số ca nhiễm mới ở Tokyo đang có xu hướng tăng trở lại. Ngày 1/4, thành phố ghi nhận thêm 7.982 ca nhiễm mới, tăng 700 ca so với một tuần trước đó. Không chỉ có Tokyo, trong tuần qua, phần lớn các tỉnh, thành khác ở Nhật Bản đều ghi nhận sự gia tăng trong số ca nhiễm mới.
Theo phân tích của đài truyền hình NHK, trong tuần từ ngày 25 đến 31/3, số ca nhiễm mới bình quân ở Nhật Bản là 45.345 ca, tăng 17% so với một tuần trước đó. Có tới 44 trong tổng số 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm mới tăng hoặc đi ngang.
Trước đó, ngày 1/4, Nhật Bản đã hạ thấp cảnh báo đi lại tới 106 quốc gia bao gồm Mỹ và Ấn Độ liên quan tới đại dịch COVID-19, không còn khuyến cáo công dân Nhật Bản không nên đi du lịch đến các nước này.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã hạ mức cảnh báo đi lại tới các quốc gia này, trong đó có Anh, Pháp và Đức từ cấp độ 3, mức cao thứ hai trên thang 4 điểm xuống cấp độ 2. Trong khi đó, 56 quốc gia và khu vực vẫn nằm trong diện cảnh báo cấp độ 3, bao gồm 40 quốc gia ở Trung Đông và châu Phi, 10 quốc gia ở châu Âu và 6 quốc gia ở khu vực Mỹ Latin.
Tại Malaysia, Bộ trưởng Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia Nancy Shukri cho biết Malaysia dự kiến sẽ thu hút hai triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm nay với 8,6 tỉ ringgit (RM) doanh thu từ du lịch sau khi mở cửa trở lại biên giới của đất nước từ ngày hôm nay.
Phát biểu trước báo giới tại Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur (KLIA) ngày 1/4 khi chào đón 220 hành khách đến Malaysia từ Abu Dhabi, Bộ trưởng Nancy cho biết việc mở cửa biên giới trở lại từ ngày hôm nay sẽ mang lại sự phục hồi lớn cho ngành du lịch, đồng thời bày tỏ sự phấn khởi khi ví rằng ngày hôm nay giống như ngày lễ “Hari Raya” (lễ Tết lớn nhất trong năm của người Hồi giáo) và đã kiên nhẫn đợi khoảnh khắc này.
Bà cho biết thêm, riêng trong ngày 1/4 có khoảng 100 chuyến bay dự kiến đến các sân bay của Malaysia, chở hơn 10.000 hành khách, bao gồm cả du khách nước ngoài.
Cùng ngày, Mỹ thông báo sẽ dỡ bỏ một chỉ thị y tế công cộng được áp dụng do đại dịch COVID-19, trong đó yêu cầu trục xuất những người di cư tại biên giới nước này. Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas cho biết chỉ thị y tế công cộng "Số 42" sẽ được dỡ bỏ trước ngày 23/5.
Chỉ thị này yêu cầu trục xuất những người di cư bất hợp pháp là người trưởng thành độc thân và các gia đình ở khu vực biên giới trên bộ nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch COVID-19. Bộ trưởng Mayorkas cho hay Chính phủ Mỹ đã đưa ra một chiến lược để đối phó với khả năng gia tăng số lượng người di cư bất hợp pháp đến biên giới Mỹ - Mexico.
Trong khi đó, từ ngày 1/4, Canada đã nới lỏng các biện pháp nhập cảnh đối với du khách nước ngoài đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19. Theo đó, những du khách đáp ứng đủ điều kiện không cần phải thực hiện các xét nghiệm COVID-19 trước khi nhập cảnh vào Canada, thay vào đó, họ sẽ được xét nghiệm ngẫu nhiên.
Những trường hợp được lựa chọn ngẫu nhiên để xét nghiệm sẽ không cần cách ly nếu có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Theo Bộ trưởng Y tế Canada Jean-Yves Duclos, giới chức nước này sẽ tiếp tục điều chỉnh các biện pháp kiểm dịch dựa trên tình hình dịch tễ trong nước và nước ngoài.
Hiện tại, một số địa phương tại Canada đang bước vào làn sóng dịch thứ 4 do dòng phụ BA.2 của biến thể Omciron gây ra. Cơ quan Y tế công cộng Canada (PHAC) cảnh báo các biến thể mới có nguy cơ xuất hiện và nước này vẫn cần cảnh giác, sẵn sàng thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Thống kê của PHAC công bố ngày 1/4 cho thấy Canada ghi nhận tổng cộng 3.484.560 ca mắc COVID-19, trong đó có 37.626 ca tử vong.