Ghi nhận kiến nghị của cử tri về xử phạt vi phạm xây dựng

Trong quá trình triển khai thực hiện các quy định tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP phát sinh một số khó khăn, vướng mắc do một số địa phương phản ánh như việc tổ chức thực hiện cưỡng chế công trình xây dựng vi phạm đối với chức danh Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra Sở khó khăn do không có lực lượng, bộ máy để chủ trì tổ chức cưỡng chế...

Gửi ý kiến tới Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, cử tri TP. Hải Phòng đề nghị rà soát vướng mắc, bất cập tại Nghị định 121/2013/NĐ-CP và 139/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm trong đầu tư xây dựng, khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở cho phù hợp tình hình thực tiễn.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng trả lời cử tri TP. Hải Phòng như sau:

Ngày 27/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 139/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở thay thế Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 và Nghị định 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng (năm 2003) về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị, trong đó bổ sung một số hành vi vi phạm mới như:

Lập Quy hoạch xây dựng; lập, đầu tư phát triển đô thị; lập, phê duyệt, điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình; áp dụng thời hạn 60 ngày để chủ đầu tư có công trình xây dựng không phép hoặc sai phép làm thủ tục xin cấp phép hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng (trước đây Nghị định 180/2007/NĐ-CP chỉ áp dụng quy định này đối với trường hợp xây dựng không phép).

Các vi phạm quy định về trật tự xây dựng, Nghị định 139/2017/NĐ-CP tiếp tục kế thừa một số quy định của Nghị định 180/2007/NĐ-CP và Nghị định 121/2013/NĐ-CP, như: Xử phạt đối với hành vi xây dựng không có giấy phép xây dựng, xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng, xây dựng sai quy hoạch xây dựng được duyệt…

Đồng thời bổ sung một số hành vi vi phạm mới, như: Xây dựng vi phạm hành lang các công trình giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng…; xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, không gian thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác hoặc của khu vực công cộng… và bãi bỏ hành vi “Xây dựng trên đất không được phép xây dựng” do chồng lấn với việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Trong đó, đáng chú ý là đối với những hành vi thuộc nhóm vi phạm trật tự xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch xây dựng khi phát hiện phải buộc tháo dỡ theo quy định.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các quy định tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP phát sinh một số khó khăn, vướng mắc do một số địa phương phản ánh như việc tổ chức thực hiện cưỡng chế công trình xây dựng vi phạm đối với chức danh Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra Sở khó khăn do không có lực lượng, bộ máy để chủ trì tổ chức cưỡng chế; việc xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền đối với Ban quản trị nhà chung cư không khả thi do Ban quản trị nhà chung cư không phải là pháp nhân độc lập, không có tiền hoặc tài sản riêng….

Bộ Xây dựng ghi nhận ý kiến kiến nghị của cử tri TP. Hải Phòng và sẽ tiếp tục rà soát, tổng kết, đánh giá, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để nghiên cứu tiếp thu trong quá trình xây dựng và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật của ngành.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/ghi-nhan-kien-nghi-cua-cu-tri-ve-xu-phat-vi-pham-xay-dung/375741.vgp