Ghi nhận những ca tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ngoài châu Phi

Theo WHO, từ tháng 5/2022, hơn 18.000 ca nhiễm virus đậu mùa khỉ đã được ghi nhận tại 78 quốc gia. Ảnh: AFP/TTXVN

* Chủng virus đậu mùa khỉ ở Ấn Độ khác với chủng ở châu Âu

Tây Ban Nha là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đậu mùa khỉ. Trung tâm điều phối cảnh báo và tình trạng khẩn cấp thuộc Bộ Y tế nước này cho biết: “Trong số 3.750 bệnh nhân đậu mùa khỉ đã được ghi nhận, 120 ca nhập viện (3,2%) và một ca tử vong”. Số thống kê chính thức trên không tính đến những ca tử vong mà nguyên nhân đang chờ kết quả khám nghiệm.

Cùng ngày, Brazil cũng thông báo ca tử vong đầu tiên vì bệnh này là nam giới, 41 tuổi. Bệnh nhân đang điều trị ung thư và hệ miễn dịch của người này đã gặp những vấn đề nghiêm trọng khiến ông tử vong.

Người đứng đầu cơ quan y tế bang Minas Gerais, ông Fabio Baccheretti trấn an người dân: “Tỷ lệ tử vong vì đậu mùa khỉ hiện rất thấp”.

Brazil đến nay ghi nhận gần 1.000 ca nhiễm, hầu hết ở bang Sao Paulo và Rio de Janeiro, miền Đông Nam.

* Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, nhóm chuyên gia thuộc Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ - Viện virus quốc gia (ICMR-NIV) đã phát hiện ra rằng chủng virus đậu mùa khỉ xuất hiện ở nước này khác với chủng virus gây ra tình trạng “siêu lây nhiễm” ở châu Âu, dẫn tới bùng phát dịch trên toàn cầu.

Nhóm nghiên cứu đưa ra tuyên bố trên sau khi tiến hành xác định trình tự gene của 2 trường hợp mắc bệnh đầu mùa khỉ ở bang Kerala, miền Nam Ấn Độ.

Dữ liệu nghiên cứu cho thấy chủng virus xuất hiện ở Ấn Độ là A.2 gần đây đã được “nhập khẩu” từ Trung Đông. Chủng này xuất hiện trước đó ở Thái Lan và Mỹ trong đợt bùng phát năm 2021. Tuy nhiên, chủng virus gây ra các đợt siêu lây nhiễm rộng hơn ở châu Âu là B.1.

Trên trang Twitter, TS Vinod Scaria thuộc Viện Sinh học tích hợp và Di truyền (CSIR-IGIB) của Ấn Độ giải thích: “Tốc độ lây truyền liên tục từ người sang người hiện nay của virus đậu mùa khỉ được cho là đã xảy ra thông qua các đợt siêu lây lan ở châu Âu với hơn 16.000 trường hợp tại hơn 70 quốc gia. Trong số này, phần lớn là do virus B.1 và dòng chính của bộ gene 2022”.

Bên cạnh đó, TS Scaria lưu ý rằng chủng virus A.2 trái ngược với phần lớn các bộ gen trên thế giới thuộc dòng B.1 và chủng A.2 được phát hiện ở Ấn Độ “không gợi ý về một đợt siêu lây lan rộng hơn”.

Ông khẳng định “phát hiện này có nghĩa là” những trường hợp ở Ấn Độ “không có khả năng liên quan tới các đợt siêu lây nhiễm ở châu Âu”.

Theo ông, “chúng ta có thể xem xét một nhóm virus lây truyền từ người sang người riêng biệt và có thể đã không được phát hiện trong nhiều năm. Mẫu sớm nhất được lấy trong nhóm bệnh nhân từ Mỹ thực sự là từ năm 2021 cho thấy virus này đã xuất hiện khá lâu và sớm hơn các trường hợp được phát hiện ở châu Âu”.

Dấu hiệu đầu tiên của bệnh là sốt cao, xuất hiện các nốt phồng rộp trên da. Ngày 25/7 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

Theo WHO, từ tháng 5/2022, hơn 18.000 ca nhiễm virus đậu mùa khỉ đã được ghi nhận tại 78 quốc gia, trong đó 70% ở châu Âu và 25% ở châu Mỹ.

Bệnh này thường tự khỏi sau 2-3 tuần, đôi khi kéo dài một tháng. Vaccine đậu mùa của hãng Bavarian Nordic ở Đan Mạch, với tên thương mại là Jynneos tại Mỹ và Imvanex tại châu Âu, có thể phòng đậu mùa khỉ.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/281371/ghi-nhan-nhung-ca-tu-vong-vi-benh-dau-mua-khi-dau-tien-ngoai-chau-phi.html