Ghi nhận qua Hội thi giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh
Hội thi giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh năm nay thu hút 209 giáo viên ở 48 đơn vị (45 trường công lập, 3 trường ngoài công lập) dự thi 6 môn gồm: Ngữ văn, Toán, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Thể dục; trong đó 45 giáo viên môn Ngữ văn; 40 giáo viên môn Toán; 37 giáo viên môn Hóa học; 31 giáo viên môn Sinh học; 25 giáo viên môn Lịch sử; 31 giáo viên môn Thể dục. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Hội thi giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh năm học 2020-2021 vừa kết thúc, để lại nhiều dư âm tốt đẹp. Hội thi tạo động lực để các nhà giáo luôn nỗ lực trong công tác giảng dạy, hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Hội thi giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh năm nay thu hút 209 giáo viên ở 48 đơn vị (45 trường công lập, 3 trường ngoài công lập) dự thi 6 môn gồm: Ngữ văn, Toán, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Thể dục; trong đó 45 giáo viên môn Ngữ văn; 40 giáo viên môn Toán; 37 giáo viên môn Hóa học; 31 giáo viên môn Sinh học; 25 giáo viên môn Lịch sử; 31 giáo viên môn Thể dục. Đây là năm đầu tiên, Sở GD và ĐT tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi theo Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT ngày 20-12-2019 của Bộ GD và ĐT nội dung thi gồm 2 phần. Phần thi thực hành tiết giảng với 2 nội dung: Thực hành tiết giảng trực tiếp tại lớp học; thuyết trình làm rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung trọng tâm của tiết dạy và các hoạt động nhằm đạt được mục tiêu bài dạy. Phần báo cáo biện pháp nâng cao chất lượng công tác giảng dạy: Giáo viên phải thuyết trình về giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy; làm rõ giải pháp được thể hiện trong tiết dạy như thế nào hoặc cung cấp những minh chứng về tính hiệu quả của giải pháp. Quá trình thi, giáo viên được bốc thăm các tiết dạy trước thời điểm thi 2 ngày; tổ chức bốc thăm lớp dạy trong buổi thi giảng; giáo viên chỉ có khoảng 15 phút làm quen với học sinh trước giờ dạy dưới sự theo dõi của Tổ giám sát. Giám khảo được lựa chọn chấm thi đều là những giáo viên cốt cán đã được công nhận giáo viên dạy giỏi, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, có thực tiễn, kinh nghiệm và được tập huấn kỹ lưỡng về nghiệp vụ chấm thi. Mỗi nhóm giám khảo gồm 3 thành viên, thành viên của các nhóm được luân chuyển liên tục sau mỗi ca để đảm bảo tính công bằng, khách quan và sự đồng đều trong việc đánh giá kết quả các phần thi.
Quá trình tổ chức thi, các đơn vị được chọn đặt làm địa điểm thi là Trường THPT Trần Hưng Đạo, Trường THPT Nguyễn Khuyến đã chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức Hội thi; tạo điều kiện tối đa trong khả năng của nhà trường để giúp đỡ các đoàn, các giáo viên dự thi hoàn thành tốt các nội dung thi. Học sinh ngoan, ý thức tốt, tích cực hợp tác với giáo viên và có nhiều cố gắng trong các tiết học. 100% giáo viên tham gia Hội thi thực hiện theo đúng thời gian, lịch trình của Ban Tổ chức Hội thi và có sự chuẩn bị chu đáo. Nhiều giáo viên có ý thức rất cao trong việc chuẩn bị đồ dùng dạy học như: giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trường THPT A Hải Hậu…; giáo viên sáng tạo trong tổ chức các hoạt động dạy học giúp học sinh chủ động, tích cực trong việc tham gia vào các hoạt động học; các giáo viên cũng đồng đều hơn về năng lực và tự tin hơn trong các giờ dạy của mình; đặc biệt hầu hết giáo viên tham dự Hội thi đã nắm vững được định hướng đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và đều đã áp dụng khá thành công những kỹ thuật, phương pháp dạy học tích cực trong giờ giảng của mình. Các tiết dạy thực hành đều đã xác định được mục tiêu của bài dạy theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; tổ chức cho học sinh nắm kiến thức có hệ thống, chính xác và đầy đủ, biết dựa vào kiến thức cũ, những hiểu biết thực tế của học sinh để dẫn dắt vào bài mới, nhiều tiết dạy đã quan tâm đến việc giáo dục toàn diện cho học sinh, cá nhân hóa tới từng người học. Phần báo cáo biện pháp nâng cao chất lượng công tác giảng dạy cơ bản đã chọn được đề tài thiết thực phù hợp với chuyên môn nhiệm vụ của mỗi cá nhân. Hình thức văn bản, bố cục đã cơ bản theo đúng hướng dẫn, bước đầu có đầu tư vào nghiên cứu đưa ra những biện pháp cải tiến phù hợp và dự kiến được khả năng ứng dụng của giải pháp... Tiêu biểu như các giáo viên: Phan Thị Hải, Vũ Thu Trang, Ngô Thu Thảo (THPT chuyên Lê Hồng Phong); Ngô Tiến Biên (THPT Tống Văn Trân); Ngô Thị Hằng (THPT Mỹ Tho); Nguyễn Trí Thanh (THPT A Hải Hậu); Phạm Thị Dung (THPT A Nguyễn Khuyến)...
Hội thi giáo viên dạy giỏi THPT là hoạt động chuyên môn bổ ích, nhằm tạo động lực giúp các giáo viên THPT nâng cao năng lực chuyên môn và phương pháp giảng dạy. Đây cũng là cơ hội để giáo viên các trường trao đổi, chia sẻ, học hỏi phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Đồng thời đây cũng là cơ hội tốt để đánh giá việc áp dụng các kỹ thuật, thủ thuật dạy học và các phương pháp dạy học tích cực mà Bộ GD và ĐT đang triển khai tập huấn cho giáo viên theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, từ đó Sở GD và ĐT có những điều chỉnh trong công tác chỉ đạo và tập huấn chuyên môn cho cán bộ, giáo viên.
Qua Hội thi cũng bộc lộ những vấn đề cần được quan tâm như: một số giáo viên sử dụng các kỹ thuật, phương pháp dạy học chưa nhuần nhuyễn, phân bố thời gian chưa hợp lý nên chưa phát huy được hiệu quả tối đa (như việc tổ chức dạy học theo nhóm chưa phát huy sự tích cực của các thành viên trong nhóm; việc tổng kết, đánh giá các kết quả các hoạt động chưa sâu, chưa thật cụ thể); việc ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng các đồ dùng, thiết bị dạy học của một số giáo viên cũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn; đôi khi còn lạm dụng (ví dụ vừa dùng máy chiếu, vừa dùng tranh, trong khi có thể tích hợp trên máy chiếu)...
Cũng qua hội thi cho thấy các trường THPT cần quyết liệt hơn nữa trong việc chỉ đạo sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn tại đơn vị, tập trung hơn nữa tới các chủ đề liên quan đến đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá nhằm mục tiêu có kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ ngay tại đơn vị. Các báo cáo biện pháp nâng cao chất lượng trong công tác giảng dạy tại đơn vị cần chú ý tới tính thực tiễn, tính ứng dụng; cần có quá trình thực nghiệm sư phạm để rút kinh nghiệm trước khi đưa vào triển khai; khuyến khích giáo viên sử dụng phương tiện dạy học, thiết bị dạy học tự làm nhằm phát huy tính sáng tạo của giáo viên, nâng cao chất lượng dạy và học.
Kết thúc Hội thi, Ban Tổ chức đã công nhận 183 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh (đạt tỷ lệ 87,5%); Sở GD và ĐT khen thưởng 63/183 giáo viên dạy giỏi có thành tích xuất sắc trong Hội thi và trao 29 cờ thi đua cho các đơn vị có thành tích cao của Hội thi./.
Bài và ảnh: Minh Thuận