Ghi nhận sau hơn 1 tháng xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100 ở thành phố Phủ Lý

Theo thông tin từ Đội Cảnh sát giao thông, trật tự, Công an thành phố Phủ Lý, sau hơn một tháng ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố đã được kiềm chế và kéo giảm đáng kể, đặc biệt là tai nạn có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia.

Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Phủ Lý kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế xe mô tô. Ảnh: Mai Hương

Thành phố Phủ Lý là trung tâm của tỉnh với nhiều cơ quan, doanh nghiệp, nhà hàng, quán ăn, những năm trước đây thời điểm cuối năm thường tấp nập thực khách tụ tập uống rượu bia khiến tình hình giao thông có những diễn biến phức tạp. Tuy vậy, từ đầu năm 2020 đến nay theo đánh giá của Thiếu tá Phạm Việt Hưng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự (Công an thành phố Phủ Lý), tình hình tai nạn giao thông đã được kiềm chế, trật tự an toàn giao thông được bảo đảm. Số vụ tai nạn giao thông do lái xe sử dụng rượu, bia giảm mạnh so với thời điểm trước khi thực hiện Nghị định 100.

Số liệu thống kê của Đội Cảnh sát giao thông trật tự (Công an thành phố Phủ Lý) cho thấy: Trong tháng 1/2020 (tháng đầu thực hiện Nghị định 100), thành phố Phủ Lý chỉ xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông, trong đó có 2 vụ lái xe tự ngã, 3 vụ va chạm giữa các phương tiện. Cũng trong tháng 1 vừa qua, lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố đã phát hiện, lập biên bản 196 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, xử phạt trên 289 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 63 trường hợp; tạm giữ 29 phương tiện. Đồng thời, kiểm tra nồng độ cồn đối với hàng chục nghìn lượt người điều khiển phương tiện ô tô, mô tô tham gia giao thông, qua đó xử phạt 17 trường hợp có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép với số tiền 152 triệu đồng. Có 2 trường hợp bị xử lý ở mức cao: 35 triệu đồng/ trường hợp đối với tài xế Bùi Mạnh L. (cư trú tại phường Minh Khai), tài xế Lê Hải A. (xã Liêm Tiết); hình thức phạt bổ sung: tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 23 tháng.

Trao đổi về việc kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe khi tham gia giao thông, Thiếu tá Phạm Việt Hưng cho rằng: Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 có hiệu lực từ 1/1/2020 được triển khai đúng vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán (thời điểm người dân thường sử dụng nhiều rượu bia) đã phát huy hiệu quả rất rõ nét. Mặc dù vẫn còn một bộ phận người dân cảm thấy khó chịu vì phải thay đổi thói quen từ nhiều năm nay nhưng dưới sự kiểm tra thường xuyên, quyết liệt của lực lượng chức năng, ý thức của số đông người dân đã được nâng lên rất nhiều. Chính vì vậy, thời gian qua, có những ngày lực lượng chức năng kiểm tra tới gần một nghìn trường hợp nhưng không có trường hợp nào vi phạm về nồng độ cồn.

Từ khi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 có hiệu lực, tại hầu hết các buổi tiệc tùng, liên hoan tổng kết, tất niên, đình đám… đa số người dân chủ động, tự giác hạn chế sử dụng rượu, bia. Thay vào đó nhiều người dùng nước lọc, nước ngọt, hoặc nếu sử dụng rượu, bia thì không lái xe. Rất nhiều người tỏ ra phấn khởi, vui mừng vì từ nay sẽ không còn bị “ép” uống rượu, bia trên bàn nhậu. Mừng nhất có lẽ là cánh chị em có chồng thường hay phải tiếp khách. Tuy nhiên, đâu đó cũng vẫn còn một bộ phận “dân nhậu” tỏ ra khó chịu vì bị hạn chế uống rượu, bia, nếu uống thì lo sợ mức phạt quá cao mà không phải lúc nào cũng có điều kiện nhờ người đưa đón hoặc gọi taxi đi, về. Bên cạnh đó, một số người cẩn thận lại chọn giải pháp tự mua máy kiểm tra nồng độ cồn để tự kiểm tra trước khi lái xe tham gia giao thông. Bởi có khi uống từ hôm trước mà hôm sau kiểm tra vẫn còn nồng độ cồn quá mức cho phép.

Theo ghi nhận, sự phấn khởi và đồng tình, ủng hộ là điểm chung nổi bật nhất trong ý kiến từ đa số người dân đối với việc thực thi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100. Cùng với sự đồng tình về mức xử phạt nghiêm khắc đối với người sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, số đông người dân cũng biểu thị sự tán thành rất cao với việc xác định rõ những hành vi bị nghiêm cấm trong phòng chống tác hại của rượu, bia, như: xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, người lao động, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ học tập, làm việc; điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên… Nhờ hiệu lực từ những điều khoản này nên nếu như trước đây trong bàn tiệc, việc mời, ép nhau uống rượu, bia (dù đó chỉ là chúc tụng cho vui) diễn ra phổ biến thì nay tình trạng này đã giảm đáng kể.

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 có hiệu lực đã đem đến những dấu hiệu tích cực trong đời sống xã hội. Thời gian tới, để các điều luật tiếp tục phát huy hiệu quả sâu rộng hơn nữa, rất cần sự vào cuộc một cách đồng bộ của ngành chức năng cũng như cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, để mọi người dân hiểu rõ và tự giác chấp hành quy định của pháp luật, từ đó kéo giảm tai nạn giao thông và các tác hại khác do sử dụng rượu, bia.

Phương Dung

Phương Dung, Lê Mai

Nguồn Hà Nam: http://www.baohanam.com.vn/doi-song/ghi-nhan-sau-hon-1-thang-xu-ly-vi-pham-nong-do-con-theo-nghi-dinh-100-o-thanh-pho-phu-ly-21026.html