Ghi nhận sau hơn 15 năm thi hành Luật Luật sư
Sau hơn 15 năm thi hành Luật Luật sư, hoạt động hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nền nếp, chất lượng. Qua đó góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của công dân, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Trước năm 2007, công tác luật sư được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Luật sư năm 2001; hoạt động của luật sư trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế như: số lượng luật sư ít, trình độ không đồng đều; hoạt động nghề nghiệp của luật sư chủ yếu tập trung tham gia tố tụng trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, chưa quan tâm đến hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật; vai trò tự quản của Đoàn Luật sư chưa phát huy hiệu quả, chưa chú trọng việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp, giáo dục tư tưởng chính trị cho luật sư. Do đó, sự ra đời của Luật Luật sư đã tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển hoạt động hành nghề luật sư và nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước về công tác luật sư trên địa bàn tỉnh.
Luật Luật sư được Quốc hội khóa 11 ban hành ngày 29/6/2006, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2007, được sửa đổi, bổ sung năm 2012. Để triển khai thi hành luật, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện Luật Luật sư một cách thống nhất, đồng bộ, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Trong đó, chỉ đạo Sở Tư pháp quán triệt, triển khai các nội dung của Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, giám sát việc thực hiện các quy định của Luật Luật sư trên địa bàn tỉnh; theo dõi, tổng hợp và báo cáo kết quả triển khai thực hiện với Bộ Tư pháp theo quy định.
Điểm nổi bật sau hơn 15 năm thi hành Luật Luật sư đó là sự phát triển về số lượng, chất lượng luật sư, tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Đoàn Luật sư tỉnh có 48 thành viên (tăng 26 thành viên so với năm 2007); 16 văn phòng luật sư, công ty luật (tăng 8 tổ chức so với năm 2007), các tổ chức chủ yếu tập trung hoạt động tại địa bàn thành phố Lạng Sơn. Trong đó, 46/48 luật sư có trình độ cử nhân luật (chiếm 95,8%), 90% thành viên của Đoàn Luật sư tỉnh là cán bộ, công chức của ngành tư pháp nghỉ hưu chuyển sang hành nghề luật sư. Ông Hoàng Văn Lằn, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho biết: Kể từ khi Luật Luật sư có hiệu lực thi hành, hoạt động tự quản của Đoàn Luật sư tỉnh đối với luật sư và hành nghề luật sư đã có những chuyển biến tích cực. Đoàn Luật sư tỉnh hằng năm phối hợp tổ chức hoặc cử luật sư tham gia bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Đoàn đã phân công luật sư tham dự bảo vệ quyền lợi cho các bị can, bị cáo trong 100% vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh yêu cầu, từ giai đoạn khởi tố, truy tố, đến xét xử; đồng thời tham gia tư vấn pháp luật và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác.
Theo đó, các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư chấp hành tốt sự phân công của Đoàn Luật sư tỉnh trong việc tham gia tố tụng các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu; thực hiện trợ giúp pháp lý, tham gia tư vấn pháp luật. Trong hơn 15 năm qua, các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận và thực hiện trên 5.000 vụ việc dịch vụ pháp lý các loại. Bà Lương Thị Kim Mai, Văn Phòng Luật sư Kim Mai, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi tham gia Đoàn Luật sư tỉnh từ năm 2019, trung bình mỗi năm tôi tham gia tố tụng tại các vụ án do đoàn phân công và trợ giúp pháp lý được trên 20 vụ. Thực hiện các quy định của Luật Luật sư, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, tại các phiên tòa, chúng tôi đã vận dụng kiến thức pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ để bào chữa cho các bị cáo, từ đó góp phần bảo vệ công lý, tránh oan sai, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Đồng thời, tích cực tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý lồng ghép tuyên truyền pháp luật cho các đối tượng yếu thế, hộ nghèo, gia đình chính sách…
Hiện nay, Đoàn Luật sư tỉnh có 48 thành viên (tăng 26 thành viên so với năm 2007); 16 văn phòng luật sư, công ty luật (tăng 8 tổ chức so với năm 2007), các tổ chức chủ yếu tập trung hoạt động tại địa bàn thành phố Lạng Sơn. Trong đó, 46/48 luật sư có trình độ cử nhân luật.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước về hoạt động hành nghề luật sư, từ năm 2007 đến nay, Sở Tư pháp đã thực hiện trên 40 cuộc thanh tra, kiểm tra về tổ chức và hoạt động hành nghề tại các văn phòng luật sư, chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân trên địa bàn tỉnh. Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, phát hiện những sai sót, vi phạm để chấn chỉnh, xử lý.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Sau 15 năm thi hành Luật Luật sư, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố, công tác luật sư trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức, triển khai thực hiện đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc theo quy định của pháp luật. Tổ chức, hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng lên, có sự phát triển về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng các yêu cầu của xã hội. Số vụ việc có luật sư tham gia trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử ngày càng tăng, chất lượng bào chữa của luật sư được nâng cao. Đa số luật sư đều có ý thức chấp hành pháp luật, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Đoàn Luật sư tỉnh phát huy vai trò, trách nhiệm, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng bảo đảm công tác điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần tích cực trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Có thể nói, qua thi hành Luật Luật sư đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội về hoạt động bổ trợ tư pháp, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho đội ngũ luật sư hành nghề. Qua đó, góp phần bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền lợi chính đáng của Nhà nước và Nhân dân.