Ghi nhận từ các hội nghị đối thoại doanh nghiệp

Hội nghị đối thoại doanh nghiệp (HNĐTDN) lần 1 năm 2020 có phần trả lời của các sở, ngành, địa phương về 40 kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư tại hội nghị trước và 20 ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp qua phiếu khảo sát lần I năm 2020.

Ông Nguyễn Đức Phúc - Giám đốc Công ty CP Du lịch sinh thái Phương Nam đã có 7 năm liên tục tham gia các HNĐTDN được tổ chức 2 năm 1 lần, cho biết: Với 3 giờ đồng hồ mỗi hội nghị, nhưng ngoài thời lượng đọc báo cáo và ý kiến của chính quyền, các sở, ngành, địa phương, chỉ còn khoảng 1 giờ cho doanh nghiệp (DN) ý kiến và nêu vướng mắc thực sự là không hợp lý so với con số 9 ngàn DN hiện nay của tỉnh Lâm Đồng. Ông Phúc cũng cho rằng, đó là lý do mà càng về sau, càng ít các DN lớn tham dự vì họ có những kênh đối thoại khác…

Ngay trong các buổi đối thoại, lãnh đạo tỉnh luôn khuyến khích các DN nói thẳng, nói thật những ý kiến, tâm tư về môi trường kinh doanh, năng lực cán bộ, công chức và khó khăn của DN, nhưng rất ít DN nói và chỉ tập trung vào những vướng mắc ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN mình, còn những vấn đề chung của cộng đồng ít được đề cập. Cũng ngay trong các buổi đối thoại, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo trực tiếp cho các sở, ngành, địa phương giải quyết vấn đề khúc mắc của DN; thậm chí, có lãnh đạo khẳng định sẽ mời DN làm việc trực tiếp ngay sau chương trình đối thoại. Nhưng, vấn đề của DN không những không được giải quyết triệt triệt để mà còn khiến tình trạng phức tạp hơn. Đó là trường hợp kiến nghị của DNTN Trà Làn Hương diễn ra từ năm 2000 về việc các hộ dân lấn chiếm hành lang bảo vệ cống, dòng chảy suối mà không bị xử lý; đất đang tranh chấp vẫn tiếp tục sang nhượng và cấp giấy phép xây dựng... Hoặc, Công ty TNHH APPOLO Việt Nam (Khu Công nghiệp Phú Hội) kiến nghị về vấn đề ô nhiễm môi trường do công ty khác xả thải…

Tại HNĐTDN lần I năm 2020, phần trả lời nhà đầu tư, DN tập trung vào 11 sở, ngành và địa phương. Đa số các ý kiến trả lời đã được nhà đầu tư, DN cảm thấy hài lòng. Tuy nhiên, vẫn có những kiến nghị cần được sự thống nhất hướng xử lý của các cấp, các ngành và được UBND tỉnh thống nhất, thì mới ban hành kết luận thanh tra chính thức, như trường hợp Thanh tra tỉnh trả lời kiến nghị của Công ty TNHH Thành Phong về việc qua nhiều lần đối thoại, Dự án của công ty tại Lạc Dương chưa giải tỏa được 13 hộ dân lấn chiếm đất để triển khai dự án.

Có nhiều công ty còn bị vướng do thay đổi chính sách và quy định. Đó là trường hợp của Công ty Phương Nam đầu tư dự án tại Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm được gần 30 năm. Vào thời điểm đầu tư, Nhà nước chưa ban hành quy định về hành lang, cột mốc an toàn bảo vệ lòng hồ; tại điểm du lịch dã ngoại Đá Tiên, công ty đã đầu tư xây dựng một số công trình bằng gỗ, lợp mái lá. Ngày 31/3/2020, Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì đã kiểm tra và kết luận một số hạng mục của Công ty Phương Nam được xây dựng không phép, nằm trong phạm vi bảo vệ công trình hồ Tuyền Lâm và yêu cầu tháo dỡ trong thời gian 30 ngày. Nhưng có hai cơ quan thành viên trong đoàn kiểm tra đề nghị xem xét cho tồn tại vì đầu tư đã lâu và các hạng mục được xác định vi phạm là thân thiện với môi trường… Công ty Phương Nam thống nhất chấp hành quyết định của các cơ quan nhà nước, nhưng đề nghị phải giải tỏa đồng loạt công trình vi phạm của tất cả doanh nghiệp trong Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm.

Ông Vũ Văn Tư - nguyên Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết: Tham gia trực tiếp các HNĐTDN từ năm 2009 đến năm 2017, ông nhận thấy rằng, HNĐTDN hằng năm nên thay đổi phương thức, hình thức và cả nội dung. Cụ thể, hội nghị nên để Hiệp hội DN chủ trì; lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành chức năng ngồi đối diện với doanh nhân, đại diện DN.

Đối thoại để tìm ra điểm hòa hợp. Và các vấn đề của DN không thể hành chính hóa, phải đối thoại tới cùng. Nếu là vấn đề của một sở, thì sở phải trả lời cho đến khi DN thỏa mãn, có mốc thời gian giải quyết khi hứa hẹn. Hiệp hội phải giám sát được các điều khoản mà lãnh đạo ngành hứa hẹn… Nếu sở, ngành không làm được như đã hứa thì Hiệp hội phải báo cáo lên tỉnh. Lãnh đạo tỉnh nên gắn trách nhiệm của người đứng đầu vào công tác chuyên môn, có xử lý - có khen thưởng, chứ không thể dĩ hòa vi quý.

Nội dung đối thoại nên tập trung phân loại theo chủ đề, lĩnh vực và nên sắp xếp thời gian ít nhất 1 ngày… như thế, mới gọi là giải quyết vướng mắc, lắng nghe tâm tư và thực sự đồng hành cùng khó khăn của DN. Ngoài ra, những vấn đề mang tính thủ tục hành chính được nhắc đi nhắc lại trong các kỳ đối thoại, nên tiếp thu và điều chỉnh. Chẳng hạn, trong tổng số 22 phiếu khảo sát lần I năm 2020, vẫn có những nội dung ý kiến, kiến nghị, như: Tại bộ phận một cửa về đăng ký DN thường rất đông, phải chờ khá lâu và cần thời gian để hướng dẫn, nên tăng cường nhân sự hỗ trợ tiếp nhận và hướng dẫn thủ tục tại bộ phận một cửa này; một số DN vẫn khó tiếp cận các chính sách, hoặc cho rằng, muốn tiếp cận cần có “mối quan hệ” để nhận được thông tin và đạt hiệu quả mong muốn.

LÊ HOA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202007/ghi-nhan-tu-cac-hoi-nghi-doi-thoai-doanh-nghiep-3012523/