Ghi nhận từ chuyến trao đổi, học tập kinh nghiệm công tác xuất khẩu lao động tại 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình
Công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) của tỉnh trong 2 năm gần đây đã khởi sắc. Năm 2021, toàn tỉnh có 170 người lao động (NLĐ) đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 100% kế hoạch. Mục tiêu năm 2022 XKLĐ 300 người.
Đoàn công tác Sở LĐ-TB&XH vừa tổ chức chuyến thăm, học tập kinh nghiệm thực tế tại 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình về triển khai Nghị quyết số 59/NQ-CP, ngày 27/4/2022 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện thí điểm đưa người Việt Nam đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của 2 nước.
Qua chia sẻ của lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình, trong năm 2022, UBND tỉnh Quảng Bình đã triển khai Kế hoạch thực hiện thỏa thuận đưa NLĐ trong tỉnh đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại thành phố Yeongju, tỉnh Gyeongsangbuk Hàn Quốc, đợt 1 có 44 người (độ tuổi từ 30-45), gồm 34 nam và 10 nữ, ưu tiên tuyển chọn 7 cặp vợ chồng. Tiêu chuẩn đi lao động là NLĐ sinh sống tại Quảng Bình, không có tiền án và không thuộc diện cấm xuất cảnh Việt Nam, cấm nhập cảnh Hàn Quốc; trình độ tốt nghiệp THCS trở lên và có kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, có đủ sức khỏe, không mắc các bệnh truyền nhiễm và có chứng nhận tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. Thời gian làm việc theo hợp đồng 5 tháng với công việc chính là thu hoạch, trồng trọt và quản lý hoa màu nông sản: táo, ớt, rau xanh, cây dùng làm thuốc, cây trồng đặc dụng.
Đối với tỉnh Hà Tĩnh, XKLĐ trong vài năm gần đây phát triển mạnh, đưa tỉnh trở thành một trong 3 tỉnh có số người làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cao nhất cả nước. Theo thống kê từ năm 2013 đến nay, tỉnh có 69.000 lao động xuất ngoại, trung bình mỗi năm trên 7.000 lao động, chủ yếu ở huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, thị xã Kỳ Anh… Tổng thu nhập của lao động đang làm việc tại nước ngoài khoảng 6.800-7.000 tỷ đồng/năm, trong đó số tiền gửi về nước trên 4.000 tỷ đồng. Nhiều vùng quê trở nên giàu có nhờ đưa lao động đi xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan có mức thu nhập bình quân khoảng 27 triệu đồng/tháng; sau khi trừ các khoản chi phí cần thiết, NLĐ tại Nhật Bản, Hàn Quốc tích lũy được khoảng 20 triệu đồng. Đây cũng là các thị trường lao động mà tỉnh ta đang định hướng, tuyên truyền. Tỉnh đã và đang có nhiều chương trình tạo điều kiện giúp lao động được xuất cảnh, nhất là chính sách vay vốn ưu đãi.
Hòa Bình và thành phố Gimje, tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc) đang xúc tiến chương trình ký kết thỏa thuận giữa 2 bên về việc đưa NLĐ tỉnh Hòa Bình đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại thành phố Gimje. Việc cung ứng và tiếp nhận lao động tiến hành 2 lần/năm, độ tuổi NLĐ từ 30-55 tuổi. Đợt đầu năm khoảng từ tháng 1-6, đợt cuối năm từ tháng 7-12. Số lao động được tuyển chọn khoảng 120 người/năm. Bên cạnh mức thu nhập cao, chế độ đãi ngộ đảm bảo, việc XKLĐ sang Hàn Quốc là cơ hội để NLĐ tiếp cận, học tập công nghệ tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, áp dụng vào thực tiễn địa phương khi hết hạn hợp đồng về nước.
Đồng chí Đới Văn Chinh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH ghi nhận: Hòa Bình có sự tương đồng với tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh là địa phương miền núi nghèo, điều kiện KT-XH khó khăn, công nghiệp còn hạn chế. Qua học tập, trao đổi và thăm quan thực tế một số hoạt động thí điểm hiệu quả đã giúp nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, từ việc học hỏi kinh nghiệm thực tiễn các tỉnh đã triển khai tốt chương trình, đúc rút hạn chế, khó khăn mà các tỉnh gặp phải. Đồng thời, giúp tỉnh đúc kết và định hướng những việc cần làm trong công tác đưa NLĐ đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc và làm việc có thời hạn theo hợp đồng ở nước ngoài trong thời gian tới.