Ghi nhận từ đợt thực tập phương án chữa cháy 'Tổ liên gia an toàn PCCC'

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và UBND tỉnh Hà Nam, trong thời gian từ 19h đến 20h ngày 10/9, trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đã đồng loạt tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (CNCH) tại 'Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy' (PCCC). Thông qua đợt thực tập phương án nhằm góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, tính chủ động, tích cực cũng như hiệu quả hoạt động của các 'Tổ liên gia an toàn PCCC' tại các khu dân cư. Đồng thời, tăng cường khả năng sẵn sàng ứng cứu của các 'Tổ liên gia an toàn PCCC', lực lượng và quần chúng nhân dân khi xảy ra sự cố, tình huống khẩn cấp, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại liên quan đến cháy, nổ.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và UBND tỉnh Hà Nam, trong thời gian từ 19h đến 20h ngày 10/9, trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đã đồng loạt tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (CNCH) tại “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” (PCCC). Thông qua đợt thực tập phương án nhằm góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, tính chủ động, tích cực cũng như hiệu quả hoạt động của các “Tổ liên gia an toàn PCCC” tại các khu dân cư. Đồng thời, tăng cường khả năng sẵn sàng ứng cứu của các “Tổ liên gia an toàn PCCC”, lực lượng và quần chúng nhân dân khi xảy ra sự cố, tình huống khẩn cấp, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại liên quan đến cháy, nổ.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, mỗi đơn vị hành chính cấp huyện lựa chọn 1 “Tổ liên gia an toàn PCCC” để tổ chức thực tập phương án. Phương án thực tập đồng loạt được tổ chức tại 6 địa điểm: Tổ liên gia Đường Lê Lợi (Phường Lương Khánh Thiện, TP. Phủ Lý); Tổ liên gia Đường Nguyễn Khuyến (phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên); Tổ liên gia Đường Quang Trung (thị trấn Quế, huyện Kim Bảng); Tổ liên gia Thôn 1 (thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân); Tổ liên gia Đường Trần Bình Trọng (thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm); Tổ liên gia thôn Bói Kênh (xã An Lão, huyện Bình Lục). Lực lượng tham gia thực tập phương án bao gồm: các thành viên tổ liên gia an toàn PCCC; lãnh đạo UBND, công an, dân phòng, bảo vệ dân phố, y tế cấp xã; lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH).

Ghi nhận tại các địa phương, quá trình thực tập phương án diễn ra nghiêm túc, bám sát kịch bản và bảo đảm an toàn về mọi mặt. Các lực lượng tham gia phát huy khả năng phối hợp trong thực tập những nội dung theo quy định như: phát hiện cháy, báo cháy, gọi điện thoại báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, cắt điện khu vực xảy ra cháy, sử dụng dụng cụ, phương tiện chữa cháy, CNCH được trang bị tại chỗ để tổ chức chữa cháy, cứu người bị nạn, hướng dẫn người bị nạn qua lối thoát nạn, sơ tán tài sản... Ông Nguyễn Trọng Hữu, thành viên “Tổ liên gia an toàn PCCC” Tổ dân phố số 2, Phường Lương Khánh Thiện, TP. Phủ Lý cho biết: Tôi được phân công thực tập nội dung sử dụng bình chữa cháy cầm tay để dập tắt đám cháy ngay từ khi mới phát hiện. Để góp phần thực hiện tốt nội dung này, tôi và các thành viên trong “Tổ liên gia an toàn PCCC” tổ dân phố số 2 đã thường xuyên tham gia các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ năng, kinh nghiệm PCCC và CNCH của lực lượng công an. Lần thực tập phương án chữa cháy, CNCH này là cơ hội để tôi và các thành viên Tổ liên gia có thể hình dung rõ hơn và thực hành một cách có hệ thống các bước chữa cháy, thoát nạn khi có sự cố xảy ra.

Thành viên “Tổ liên gia an toàn PCCC” Phường Lương Khánh Thiện (thành phố Phủ Lý) thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Ảnh: Khánh Chi

Theo đánh giá sơ bộ từ cơ quan chuyên môn, buổi thực tập chữa cháy và CNCH trên toàn tỉnh đã diễn ra đúng ý định và đạt kết quả cao. Ban tổ chức đã tiến hành rút kinh nghiệm sau buổi thực tập với tất cả các đơn vị, lực lượng tham gia; phân tích chỉ rõ những kết quả, ưu điểm cần tiếp tục phát huy, những hạn chế, thiếu sót cần khắc phục; đồng thời phổ biến những giải pháp, phương án khắc phục hậu quả khi xảy ra tình huống, sự cố về PCCC trong cộng đồng dân cư. Tham gia đóng góp ý kiến về buổi thực tập chữa cháy và CNCH trên toàn tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND Phường Lương Khánh Thiện, thành phố Phủ Lý đề xuất: Thời gian tới, Thành ủy, UBND thành phố cần quan tâm chỉ đạo lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH, các ban, ngành, đoàn thể của thành phố phối hợp với UBND phường tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra an toàn PCCC đối với các hộ gia đình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh nhằm kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, thiếu sót về PCCC. Cùng với đó, gia tăng việc tổ chức huấn luyện về PCCC và CNCH cho các hộ gia đình, lực lượng dân phòng trên địa bàn phường để phát huy tối đa hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, tiếp tục nhân rộng mô hình nhằm bảo đảm an toàn PCCC trong các khu dân cư trên địa bàn…

Hà Nam là một trong những địa phương được đánh giá làm tốt công tác nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã thành lập được 669 mô hình “Tổ liên gia an toàn về PCCC”, 68 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”; tổ chức tập huấn, tuyên truyền kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm PCCC và CNCH cho 147.754 hộ gia đình và trang bị 97.192 bình chữa cháy. Ngoài ra, còn nhiều mô hình, phong trào được hình thành, duy trì và phát huy hiệu quả như: “Nhà tôi có bình chữa cháy”, “Khu dân cư an toàn về PCCC”, “Tổ dân phố tự quản về an ninh trật tự - PCCC”... qua đó góp phần bảo đảm an toàn PCCC và CNCH, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do sự cố cháy, nổ gây ra.

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả chương trình thực tập phương án chữa cháy và CNCH cũng như nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả bền vững công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực PCCC và CNCH, theo Đại tá Phạm Hùng Dương, Phó Giám đốc Công an tỉnh, lãnh đạo các địa phương cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sâu sát việc quán triệt, triển khai thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về PCCC, CNCH; thường xuyên đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân. Trong đó, tập trung tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa và hiệu quả của việc xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”. Quan tâm xây dựng, củng cố lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở… làm nòng cốt trong phong trào toàn dân PCCC. Với các hộ gia đình tham gia thực hiện mô hình và các hộ gia đình khác trên địa bàn cần chủ động nêu cao tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm, nhiệt tình hưởng ứng; đồng thời hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi để các lực lượng chức năng hoàn thành nhiệm vụ trong quá trình kiểm tra, hướng dẫn xây dựng, duy trì thực hiện, nhân rộng mô hình…

Đợt thực tập phương án chữa cháy, CNCH được tổ chức góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và công tác phối hợp tác chiến giữa lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH, các lực lượng tham gia chữa cháy, CNCH và các “Tổ liên gia an toàn PCCC” tại các khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh. Đây cũng là hoạt động có ý nghĩa thiết thực góp phần trang bị cho người dân nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích trong công tác chữa cháy và CNCH. Đồng thời, nâng cao nhận thức về việc chủ động, tự giác trang bị phương tiện chữa cháy cho gia đình, từ đó, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra.

Nguyễn Khánh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/doi-song/ghi-nhan-tu-dot-thuc-tap-phuong-an-chua-chay-to-lien-gia-an-toan-pccc-103698.html