Ghi nhận từ những kiến nghị tâm huyết

Với tư cách là tổ chức đại diện bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho đoàn viên công đoàn, người lao động, nên tại Đại hội lần thứ XVI Công đoàn TP Hà Nội nhiệm kỳ 2018 - 2023 diễn ra mới đây đã có nhiều ý kiến tâm huyết của đoàn viên, CNVC, người lao động gửi đến Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội.

Nên sớm có Luật Tiền lương tối thiểu

Trong số các kiến nghị với Đảng, Nhà nước, CNVCLĐ Thủ đô đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Tiền lương tối thiểu làm căn cứ để thực hiện; khi sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động nên giữ nguyên các chính sách ưu đãi đối với nữ CNVCLĐ.

CNVCLĐ đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm xây dựng nhà ở, nhà trẻ cho CNLĐ tại các khu công nghiệp. Ảnh minh họa.

CNVCLĐ đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm xây dựng nhà ở, nhà trẻ cho CNLĐ tại các khu công nghiệp. Ảnh minh họa.

Cùng đó, CNVCLĐ Thủ đô kiến nghị Nhà nước nghiên cứu, ban hành chính sách khuyến khích đối với các doanh nghiệp đầu tư vào công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề cho CNLĐ và khai thác có hiệu quả nguồn lao động hiện nay, giảm tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt đối với CNLĐ đã qua đào tạo, phát triển mạnh chủ trương xã hội hóa công tác đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ cho công nhân lao động làm việc trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Ngoài ra, CNVCLĐ Thủ đô cũng đề nghị Quốc hội khi sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động nên bổ sung nội dung quy định đảm bảo quyền lợi cho CNLĐ lớn tuổi làm việc trong các doanh nghiệp FDI và sửa đổi Điều 210, Điều 211 của Bộ Luật Lao động quy định về đình công, giải quyết đình công, đảm bảo quyền lãnh đạo, tổ chức đình công của công đoàn. Tổ chức công đoàn và CNVCLĐ Thủ đô cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định chức năng quản lý Nhà nước về thi hành pháp luật Công đoàn.

Ban hành kịp thời văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục khởi kiện của TCCĐ

Kiến nghị thành phố khi phê duyệt quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp, đề nghị quy hoạch đồng bộ cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng xã hội, gồm: Khu nhà ở công nhân, nhà trẻ, trường mẫu giáo và các công trình phúc lợi gần khu công nghiệp phục vụ chung cho khu công nghiệp, khu chế xuất cho CNLĐ và giám sát kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc quy trình.

Đối với các dự án đã được phê duyệt hoặc đã xây dựng mà thiếu đồng bộ, đề nghị thành phố cần rà soát, bổ sung đầu tư kịp thời. Ngoài ra, CNVCLĐ Thủ đô cũng đề nghị thành phố tiếp tục đầu tư ngân sách và kêu gọi xã hội hóa việc xây dựng nhà ở cho CNLĐ được thuê với giá ưu đãi hoặc mua với hình thức trả góp.

Đối với Tổng LĐLĐ Việt Nam, tổ chức công đoàn và CNVCLĐ Thủ đô có 7 kiến nghị. Trong đó, tổ chức công đoàn và CNVCLĐ Thủ đô đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao ban hành văn bản hướng dẫn về thẩm quyển, trình tự, thủ tục để công đoàn tham gia tố tụng dân sự khởi kiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội.

Tổ chức Công đoàn và CNVCLĐ Thủ đô đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể thực hiện Khoản 4, Điều 153 Bộ Luật Lao động năm 2012: “Có chính sách giảm thuế đối với người sử dụng lao động có sử dụng nhiều lao động nữ theo quy định của pháp luật thuế” và Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 85/2015/NĐ-CP ngày 01/10/2015 của Chính phủ đồng thời đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam thống nhất với cấp ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về quản lý tổ chức bộ máy, biên chế các đơn vị sự nghiệp trực thuộc tổ chức Công đoàn tỉnh, thành phố cho phù hợp với Quyết định 253-QĐ/TW ngày 21/7/2014 của Bộ Chính trị; Quy định số 282-QĐ/TW ngày 01/4/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Luật Công đoàn; Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Quyết định số 1712/QĐ-TLĐ ngày 24/10/2016 của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ngoài ra, tổ chức công đoàn và CNVCLĐ Thủ đô cũng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam sớm nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn cán bộ công đoàn các cấp theo quy định của Đảng, Nhà nước phù hợp với đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của mỗi cấp công đoàn; đề xuất với Ban Tổ chức Trung ương xây dựng khung biên chế cán bộ công đoàn chuyên trách các cấp.

Thúc đẩy nhanh việc xây dựng nhà ở, nhà trẻ và các thiết chế văn hóa cho CNLĐ

Với UBND thành phố Hà Nội, tổ chức Công đoàn và CNVCLĐ Thủ đô đề xuất 12 nhóm kiến nghị tập trung vào những nội dung nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi và nâng cao hơn đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ.

Cụ thể, để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động, tổ chức công đoàn và CNVCLĐ đề nghị thành phố trong quá trình chỉ đạo, đổi mới, sắp xếp tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp công ích lấy người lao động làm trung tâm, đảm bảo quyền lợi, chế độ chính sách, việc làm cho công nhân lao động và tạo điều kiện cho người lao động được tham gia mua cổ phần ưu đãi khi Nhà nước và thành phố thoái vốn.

Cùng đó, các cấp công đoàn và CNVCLĐ Thủ đô đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các Sở, ngành khi xây dựng kế hoạch và thành lập các đoàn thanh, kiểm tra các đơn vị có sử dụng lao động trên địa bàn việc thực hiện pháp luật lao động, Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Thuế ... có nội dung thanh tra, kiểm tra việc các doanh nghiệp nợ kinh phí CĐ 2%, đôn đốc thu nợ BHXH và việc thành lập CĐCS.

Đặc biệt, tổ chức công đoàn và CNVCLĐ Thủ đô đề nghị UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo các Sở, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội thực hiện các Thông báo kết luật của Chủ tịch UBND Thành phố tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với CNLĐ và chỉ đạo tổ chức hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã với CNLĐ hàng năm theo Quyết định 2200/QĐ-TƯ ngày 24/5/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đồng thời và chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với LĐLĐ quận, huyện, thị xã chỉ đạo tổ chức Hội nghị CBCCVC và Hội nghị người lao động hàng năm theo Nghị định 60/2013/NĐ-CP và Nghị định 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ để thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của NLĐ.

Cùng với những kiến nghị để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động, tổ chức công đoàn và CNVCLĐ Thủ đô cũng đề nghị UBND Thành phố có văn bản chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, các ngành (nhất là Công an các cấp) tích cực phối hợp với tổ chức công đoàn trong việc tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của pháp luật, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp và phối hợp với tổ chức công đoàn thực hiện tốt kế hoạch “Vì lợi ích đoàn viên công đoàn” của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Đối với việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, tổ chức công đoàn và CNVCLĐ Thủ đô đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội triển khai thực hiện Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 09/01/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) và Quyết định số 1934/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 52-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sổng văn hóa tinh thần cho CNLĐ khu công nghiệp, khu chê xuất'’; Quyết định 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các Khu công nghiệp, khu chế xuất”; đặc biệt là bố trí quỹ đất và các nguồn vốn do địa phương quản lý để đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn đồng thời đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo thực hiện Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở trong các KCN, KCX đến năm 2020” (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 404/QĐ-TTg ngày 20/3/2014) và Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các KCN -CX”.

Trong đó, khi phê duyệt quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp, đề nghị quy hoạch đồng bộ cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng xã hội, gồm: Khu nhà ở công nhân, nhà trẻ, trường mẫu giáo và các công trình phúc lợi gần khu công nghiệp phục vụ chung cho khu công nghiệp, khu chế xuất cho CNLĐ và giám sát kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc quy trình.

Đối với các dự án đã được phê duyệt hoặc đã xây dựng mà thiếu đồng bộ, đề nghị thành phố cần rà soát, bổ sung đầu tư kịp thời. Ngoài ra, CNVCLĐ Thủ đô cũng đề nghị thành phố tiếp tục đầu tư ngân sách và kêu gọi xã hội hóa việc xây dựng nhà ở cho CNLĐ được thuê với giá ưu đãi hoặc mua với hình thức trả góp.

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ghi-nhan-tu-nhung-kien-nghi-tam-huyet-72855.html