Ghi nhận về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2019
Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) năm 2019 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đánh dấu sự nỗ lực, tích cực vào cuộc của các cấp, các ban ngành trong việc đẩy mạnh công tác đảm bảo ATTP. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tình trạng vi phạm về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn còn phổ biến, nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm vẫn tiềm ẩn, tiếp tục đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong công tác quản lí ATTP trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có khoảng 4.664 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm được phân cấp quản lí từ tỉnh đến xã, phường. Tuy nhiên, điều đáng nói là tỉ lệ các cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP còn thấp, đặc biệt hiện tại vẫn chưa thống kê, đánh giá đầy đủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lí của từng ngành (Nông nghiệp - Công Thương - Y tế) nên việc quản lí chưa chặt chẽ và hiệu quả. Sự chồng chéo trong công tác quản lí khiến cho một số hoạt động đảm bảo ATTP rất khó triển khai. Trên thực tế, có những cơ sở có đến 2- 3 ngành thực hiện thanh kiểm tra, trong khi đó còn nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm chưa có ngành nào tổ chức thanh kiểm tra chất lượng ATVSTP.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay đang nở rộ loại hình dịch vụ chế biến thực phẩm lưu động phục vụ tiệc cưới hỏi, ma chay, hội nghị được nhiều người lựa chọn vì tính tiện ích và chi phí thấp. Tuy nhiên, chính loại hình này chứa nhiều nguy cơ gây ra nhiều vụ ngộ độc cấp tính khi điều kiện vệ sinh cơ sở, quy trình chế biến không đảm bảo, người trực tiếp thực hiện việc chế biến không tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo vệ sinh ATTP. Thực trạng này tiềm ẩn nhiều mối nguy ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nếu không có sự tham gia giám sát của cộng đồng và đặc biệt là hệ thống chính quyền địa phương nơi có loại hình này đang tổ chức hoạt động.
Bên cạnh đó, nhận thức và ý thức trách nhiệm của người sản xuất- chế biến- kinh doanh thực phẩm trên địa bàn chưa cao, chưa tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP. Nhiều cơ sở chỉ vì lợi nhuận mà cố tình kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo ATTP xâm nhập, len lỏi vào thị trường ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng cũng là một thách thức không nhỏ trong vấn đề quản lí ATTP hiện nay. Trong khi đó, tình hình nhân lực làm công tác ATTP tại các tuyến mà đặc biệt là tuyến xã vẫn kiêm nhiệm nhiều công việc khác nên công tác đảm bảo ATVSTP chưa được thực hiện sát sao, kịp thời.
Trước thực trạng đó, để góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nhiều hoạt động đảm bảo ATVSTP đã được triển khai đồng bộ và tăng cường trong năm 2019 đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm được chú trọng và triển khai rất hiệu quả nên không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra. Trong năm 2019, ngành Y tế đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra gần 6.500 lượt cơ sở, phát hiện 1.777 cơ sở vi phạm về quy định đảm bảo ATVSTP, tiến hành xử lí 76 cơ sở, trong đó xử phạt cảnh cáo 5 cơ sở, phạt tiền 11 cơ sở với số tiền phạt trên 16 triệu đồng. Đóng cửa 5 cơ sở, buộc tiêu hủy 87 loại sản phẩm không đảm bảo chất lượng ATVSTP của 128 cơ sở. Đồng thời bắt buộc các cơ sở này phải cam kết không được kinh doanh các mặt hàng không đảm bảo chất lượng. Các vi phạm chủ yếu của các cơ sở bao gồm: điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ không đảm bảo; việc công bố tiêu chuẩn sản phẩm, ghi nhãn thực phẩm, quy định về quảng cáo thực phẩm không đúng theo quy định; chất lượng sản phẩm thực phẩm không đảm bảo...
Công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tra được thực hiện quyết liệt đối với các cơ sở thực phẩm vi phạm về quy định đảm bảo ATTP và xử lí tiêu hủy các mặt hàng thực phẩm vi phạm về nguồn gốc, nhãn mác, hạn sử dụng. Thông qua việc lấy mẫu phục vụ công tác hậu kiểm và sử dụng test nhanh trong các đợt giám sát mối nguy thường xuyên đã phát hiện một số vi phạm về chỉ tiêu lí hóa; chỉ tiêu vi sinh chủ yếu nước uống tại trường học, nước đá dùng liền và một số thực phẩm thức ăn đường phố gồm chả, bánh đúc dương tính hàn the thường xuất hiện ở các hộ buôn bán nhỏ lẻ... Qua các đợt thanh kiểm tra, giám sát, đã kịp thời xử lí, răn đe kết hợp với vận động, tuyên truyền các cơ sở tuân thủ nghiêm các quy định về ATTP, nâng cao trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng. Đồng thời cảnh báo kịp thời cho cộng đồng về các mối nguy để người dân phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra. Công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cũng được tiếp tục triển khai chặt chẽ. Qua kiểm tra, giám sát về điều kiện thực tế, Chi cục ATVSTP tỉnh đã cấp 93 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, nâng số cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP trên toàn tỉnh là 857 cơ sở. Đồng thời đã tiếp nhận 77 hồ sơ tự công bố sản phẩm gồm nước uống đóng chai, đồ uống có cồn, nước mắm, cao chè thảo mộc… của các cơ sở sản xuất trên địa bàn.
Trong năm qua, công tác thông tin, tuyên truyền về ATTP cũng được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức đa dạng và diễn ra sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Riêng trong Tháng hành động vì ATTP năm 2019, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Đông Hà tổ chức lễ phát động điểm huy động 1.000 người tham gia. Đối với tuyến huyện, có 8 huyện tổ chức lễ phát động với sự tham gia của các ban ngành và sự hưởng ứng của đông đảo người dân. Bên cạnh đó, năm 2019 cũng đã tổ chức triển khai 41 lớp tập huấn cập nhật các văn bản mới về an toàn thực phẩm với trên 2.000 người tham dự. Tổ chức nói chuyện, tuyên truyền trực tiếp cho gần 14.000 người tại các khu dân cư, cơ sở kinh doanh thực phẩm về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ATTP tại các trường học, Chi cục ATVSTP phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Đông Hà đã triển khai xây dựng mô hình điểm về bếp ăn tập thể tại 10 trường mầm non, tiểu học trên địa bàn TP. Đông Hà. Với việc xây dựng mô hình điểm này, Chi cục ATVSTP tỉnh đã hỗ trợ các trường về việc thực hiện các quy trình đảm bảo ATTP theo quy chuẩn, từ đó giúp các trường học biết cách chế biến những bữa ăn cho học sinh đảm bảo chất lượng, đồng thời phòng tránh các nguy cơ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra.
Ông Lê Quốc Dũng, Chi cục phó Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Trị cho biết thời gian tới sẽ tăng cường các giải pháp trọng tâm, bao gồm việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm và ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh. Xây dựng một hệ thống sản xuất khép kín được kiểm soát chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng đạt tiêu chuẩn GMP để sản xuất các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Rà soát và tiến hành phân cấp quản lí các cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 15. Tăng cường thanh tra hậu kiểm đối với các cơ sở đặc biệt là đối với các nhà hàng tiệc cưới lưu động. Tăng cường biên chế cho đội ngũ chuyên trách ATTP của các tuyến, đủ khả năng quản lí và điều hành các hoạt động bảo đảm ATTP, bố trí đủ nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn phục vụ công tác quản lí nhà nước về VSATTP trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=145333