Ghi nhanh: 'Qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau...'

'Như một sự thử thách lòng người, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 diễn ra đúng thời điểm thiên tai hoành hành. Giữa chồng chất khó khăn, các cấp ủy đảng, chính quyền hướng tới đại hội bằng những việc làm thiết thực vì dân. Về phía người dân, dẫu trong khó khăn bộn bề vẫn chào đón sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh với vẹn nguyên niềm tin và kỳ vọng'.

 Người dân vùng cao treo cờ Tổ quốc chào đón Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII - Ảnh: T.L

Người dân vùng cao treo cờ Tổ quốc chào đón Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII - Ảnh: T.L

Công trình, phần việc vì dân

Khoảng 1 tháng trước khi Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII diễn ra, từ thành phố Đông Hà đến các huyện miền núi, biên giới, đảo tiền tiên đều được trang hoàng cờ hoa rực rỡ. Thông tin về đại hội ngập tràn trên báo, đài, loa phát thanh, pa nô, áp phích… Từ phố thị đến từng thôn xóm, bản làng, đâu đâu cũng rộn ràng không khí phấn khởi, vui tươi chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân thi đua lập thành tích hướng về sự kiện lớn của quê hương với những việc làm cụ thể, thiết thực. Muôn con tim kỳ vọng vào những định hướng, quyết sách đúng đắn, sáng tạo của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ mới.

Nhưng thiên tai xảy ra đã khiến nhiều dự định, kế hoạch chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn phải tạm thời gác lại hoặc có sự thay đổi. Trong bối cảnh ấy, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn xác định việc làm ý nghĩa nhất hướng đến đại hội chính là giúp người dân phòng, chống, giảm nhẹ, khắc phục hậu quả thiên tai. Từ đây, các cán bộ, đảng viên đã vào cuộc để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

So với các địa phương trong tỉnh, thành phố Đông Hà, nơi Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII diễn ra, ít bị thiệt hại do thiên tai hơn. Những ngày này, trên các tuyến đường, con phố, hình ảnh cờ hoa, pa nô, áp phích… được trang hoàng trước thời điểm lũ lụt hoành hành vẫn rực đỏ, làm ấm lòng người dân. Bầu không khí càng trở nên ấm nóng thêm khi thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Đông Hà, các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố đã chuyển hướng tổ chức các công trình, phần việc chào mừng đại hội. Những hoạt động giúp dân vùng ngập lụt ở các phường Đông Lương, Đông Lễ, Đông Thanh, Đông Giang… diễn ra sôi nổi. Phó Bí thư phụ trách Thành đoàn Đông Hà Cao Thị Hải Vân chia sẻ: “Trước đợt mưa lũ, Thành đoàn đã triển khai công trình “Ánh sáng đô thị” với tổng kinh phí khoảng 150 triệu đồng và công trình “Cột điện nở hoa” chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh. Hiện tại, chúng tôi đã và đang triển khai hai chương trình hoàn toàn mới hướng đến sự kiện chính trị lớn của tỉnh để giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai”.

 Bộ đội giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt -Ảnh: P.V

Bộ đội giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt -Ảnh: P.V

So với các địa phương, tại huyện Hải Lăng, hoạt động chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh được triển khai khá sớm. Các phong trào thi đua sôi nổi diễn ra từ tháng 8, 9. Việc tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện truyền thông, cổ động trực quan đã giúp người dân nắm rõ thông tin, chờ đón sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh. Mọi việc đều diễn ra suôn sẻ, đúng kế hoạch trừ…lũ lụt. Bí thư Huyện ủy Hải Lăng Lê Thế Quảng cho biết: “Lũ lụt làm khoảng 80% nhà dân bị ngập sâu từ 1,5 – 2 m, đặc biệt vùng Càng của xã Hải Phong, Hải Thọ chìm trong nước. Những ngày qua, lãnh đạo huyện, trong đó có nhiều đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh luôn bám sát cơ sở, nắm bắt, kịp thời hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân. Đây là việc làm cụ thể mà chúng tôi hướng đến Đại hội Đảng bộ tỉnh”.

Ở các huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, gần 1 tháng trước khi Đại hội Đảng bộ tỉnh diễn ra, qua các kênh khác nhau, nhiều cán bộ, đảng viên, người dân đã gửi tâm tư, nguyện vọng đến đại hội cũng như hiến kế thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Vì thế, dù gặp nhiều khó khăn do mưa lũ, người dân vẫn quan tâm tới những thông tin liên quan đến đại hội. Hiểu điều đó, lãnh đạo hai huyện Hướng Hóa, Đakrông đã và đang tập trung chỉ đạo các cấp, ngành liên quan thông tin thông suốt về tình hình lũ lụt và Đại hội Đảng bộ tỉnh cho người dân. Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa Lê Minh Tuấn khẳng định: “Trước diễn biến phức tạp của lũ lụt, chúng tôi xác định phương châm: “Không để người dân đói ăn và thiếu thông tin”. Việc này không dễ nhưng chúng tôi đã, đang và sẽ nỗ lực hết sức mình để làm tốt”.

Trọn vẹn niềm tin

Những thông tin về Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đến từ sớm, cộng với hình ảnh cán bộ, đảng viên hết lòng vì dân trong lũ lụt giúp người dân trên địa bàn thêm tin tưởng và kỳ vọng vào sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh nhiều hơn. Ở vùng ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bên cạnh dõi theo tình hình và chung tay hỗ trợ bằng nhiều cách, người dân chủ động treo cờ Tổ quốc, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, dọn dẹp nhà cửa… chào mừng đại hội. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, ai cũng vui khi hay tin về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ vừa qua. “Tôi rất vui khi biết trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, Quảng Trị có 7 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch, cao hơn mức bình quân của cả nước. Đáng chú ý là mức thu nhập hình quân đầu người của tỉnh đã thu hẹp khoảng cách chênh lệch so với bình quân chung của cả nước, đứng thứ hai trong khu vực Bắc Trung Bộ”, ông Lê Phước Luật, trú tại Phường 3, thành phố Đông Hà vui mừng nói.

Trời hửng nắng sau những ngày mưa dầm dề, nhịp sống của người Vân Kiều, Pa Kô ở một số bản làng của huyện Hướng Hóa, Đakrông dường như hối hả hơn. Cùng với cán bộ, đảng viên, người dân trên địa bàn vừa phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, vừa nắm bắt những thông tin liên quan đến Đại hội Đảng bộ tỉnh. Họ hẹn nhau theo dõi những diễn biến của đại hội qua ti vi, trên sóng phát thanh hay trang báo. Bà Kăn Linh, trú tại thôn Tăng Cô Hang, xã Lìa, huyện Hướng Hóa bộc bạch: “Nếu không có Đảng, Bác Hồ, người Vân Kiều, Pa Kô sẽ lầm lũi mãi. Cuộc sống đổi mới của chúng tôi hôm nay là nhờ các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, của tỉnh. Biết tin Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII sắp diễn ra, tôi rất phấn khởi chờ đợi. Tôi sẽ thu xếp thời gian để theo dõi đại hội”.

Tại nhiều địa phương của các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh…, đến nay, nhà của nhiều hộ dân vẫn ngập trong nước. Trong khó khăn, người dân vẫn ấm lòng khi nhận được sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành, đơn vị liên quan và tổ chức, cá nhân hảo tâm. Ông Đặng Ngọc Dĩnh, trú tại thôn Đồng Văn, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong bày tỏ: “Tôi rất mong Đảng bộ tỉnh sẽ quan tâm, có những chính sách hỗ trợ nông dân, đặc biệt là trong vay vốn phát triển kinh tế; đào tạo nghề; chuyển giao khoa học – kỹ thuật; xây dựng mô hình canh tác tự nhiên... Phía người dân chúng tôi cũng sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để phòng, chống, giảm nhẹ, khắc phục hậu quả thiên tai, nỗ lực lao động, sản xuất, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, xây dựng quê hương giàu đẹp”.

Nằm ở “khúc ruột” miền Trung. Từ lâu, người dân Quảng Trị xem mỗi đợt thiên tai là một “cơn hoạn nạn”, để qua đó “hiểu tận lòng nhau” như ý trong bài hát “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví giặm” do nhạc sĩ Trần Hoàn, người con của quê hương Quảng Trị, phổ nhạc. Trận lũ lụt kéo dài đúng vào thời điểm chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII chính là “cơn hoạn nạn” ấy. Từ đây, người dân trong tỉnh có thể cảm nhận sâu sắc hơn sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền với những việc làm thiết thực vì dân. Về phần mình, mỗi cán bộ, đảng viên thêm vững tin trước sự ủng hộ, tin tưởng, kỳ vọng của người dân để nỗ lực nhiều hơn trong nhiệm kỳ mới. Đó là hai điều vô cùng ý nghĩa giúp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh tin tưởng hơn vào sự thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Tây Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=152379