Ghi ở đảo Trần

Có ra đảo Trần, hít căng lồng ngực ngọn gió biển nơi đầu sóng ngọn gió tổ quốc, gặp quân và dân trên đảo mới thấy hết được ý nghĩa của hai chữ 'chủ quyền', của ba chữ 'tình quân dân' và trọng trách nặng nề nơi tuyến đầu.

Chúng tôi có mặt tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Mũi Ngọc (TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) vào sáng ngày 18/4/2021 để bắt đầu chuyến đi ra đảo Trần (xã Thanh Lân, huyện Cô Tô).

Thời tiết khá đẹp, gió và nắng nhẹ. Trên bến, lao xao chợ cá, thoảng tiếng máy nổ giòn giã vui tai. Ngoài xa, mây trắng xà thấp xuống gần đường chân trời, vài cánh Hải Âu bay vội. Gió mát, tầm nhìn không bị giới hạn, chiếc xuồng mang số hiệu QN7353 lướt nhẹ, chao nghiêng theo các cú đánh vô lăng của người thuyền trưởng.

Trạm Kiểm soát Biên phòng Mũi Ngọc. Ảnh: Thành Nguyễn.

Đảo Trần nằm về phía Nam của đảo Vĩnh Thực, cách đảo Cô Tô Lớn khoảng 45 km về phía Đông Bắc và cách cảng Vạn Gia của thành phố Móng Cái khoảng 25 km về phía Nam, đảo có diện tích trên 4 km2. Đây là đảo xa đất liền Việt Nam nhất của tỉnh Quảng Ninh, là đảo tiền tiêu và được ví là “Trường Sa ở Đông Bắc”.

Từ Mũi Ngọc ra đảo Trần sẽ đi qua đảo Vĩnh Thực, bắt đầu từ đây, cảm giác lướt nhẹ của chiếc xuồng cao tốc không còn nữa. Sóng gió nổi lên, chiếc xuồng nẩy tưng tưng trên mặt biển, bọt tung trắng xóa.

Chạm tới đảo Trần. Ảnh: Thành Nguyễn.

Sau khoảng 40 phút chạy xuồng, vượt qua nhiều “ổ gà”, “ổ voi” trên biển, chúng tôi cũng ghé đảo Trần. Quanh bến thuyền, dễ có đến khoảng 20 chiếc tàu đánh cá của ngư dân đang neo đậu. Đón chúng tôi là các chiến sĩ biên phòng trên đảo trong bộ rằn ri. Ai nhìn cũng rám nắng, rắn rỏi và nhanh nhẹn.

Cột cờ đảo Trần ở độ cao 188 m so với mực nước biển. Ảnh: Thành Nguyễn.

Ngay khi lên đảo, chúng tôi được đưa thẳng đến thăm điểm cao nhất. Vượt qua khoảng 1.087 bước (lời của chiến sĩ biên phòng), chúng tôi có mặt tại cột cờ và đền thờ Bác Hồ. Từ đây, có thể nhìn toàn bộ đảo. Một chiến sĩ cho biết, trước đây, cứ 2 - 3 ngày là phải thay một lá cờ, nhưng giờ vải may cờ tốt hơn nên có thể chịu được 12 - 13 ngày. Chỉ vậy là đủ để biết, gió biển mạnh mức nào.

Gần cột cờ, trạm radar mới đang được xây dựng nhằm phục vụ công tác chiến đấu, bảo vệ đảo. Ngoài ra, còn có 48 cây cột điện đang được dựng theo đường đi lên để “chuyển” điện lên tận điểm cao này.

Hải đăng đảo Trần nằm ở độ cao 186 m so với mực nước biển. Ảnh: Thành Nguyễn.

Đảo Trần hiện có khoảng 300 cán bộ chiến sĩ, thuộc các lực lượng khác nhau như biên phòng, Tiểu đoàn đảo Trần - Lữ đoàn bộ binh phòng thủ đảo 242, Đồn biên phòng số 6 và trạm radar 48 cùng 12 hộ dân.

Đồn biên phòng số 6. Ảnh: Thành Nguyễn.

Sau khi đổ dốc, chúng tôi có mặt tại đồn biên phòng. Đồn tựa sơn hướng hải, còn sơn mới, vàng tươi. Trước sân, cột cờ đón gió. Bên phải là nhà ăn, bể nước mưa, khu chăn nuôi, vườn thuốc Nam… Tất cả xây dựng đáp ứng mô hình sinh hoạt, tập luyện tập trung. Trước đảo, một bãi biển hình trăng lưỡi liềm rất đẹp, vài tàu cá ngư dân nhởn nhơ đậu, một đàn Hải Âu bay chấp chới. Mọi thứ đều thật bình yên, tĩnh lặng.

Bình yên đảo Trần. Ảnh: Thành Nguyễn.

Đón chúng tôi là Thiếu tá Phạm Hồng Thái, đồn trưởng đồn Biên phòng số 6 (phụ trách đảo Trần). Nhìn thấy bảng niêm yết danh sách cử tri. Tôi thắc mắc, với một đảo tiền tiêu như đảo Trần, việc bầu cử có gặp nhiều khó khăn? Đồn trưởng Phạm Hồng Thái cho biết, công tác tuyên truyền, vận động về bầu cử đã được đồn thực hiện từ lâu. Trong đó, nội dung chính là theo hướng vận động ngư dân trong đất liền (nhà ở trong đất liền nhưng hay ra ngoài đảo đánh cá) thì về đất liền bầu cử. Trường hợp muốn tham gia bầu cử ngoài đảo thì hoàn thiện các thủ tục liên quan đến cử tri vãng lai.

Chuẩn bị ra khơi. Ảnh: Thành Nguyễn.

Tuy nhiên, dù người dân ủng hộ, nhưng để tiếp cận người dân đòi hỏi các bộ, chiến sĩ phải chịu khó đi sớm, về hôm, căn thời gian theo lịch sinh hoạt, đánh bắt của ngư dân. Đảm bảo vận động, tuyên truyền tốt để hoạt động bầu cử diễn ra đúng quy định.

Đồn biên phòng số 6 hiện phụ trách bảo vệ đến 60 km đường biển và hải đảo. Giai đoạn có dịch, anh em chiến sĩ phải căng mình ngoài biển, vừa đảm bảo an ninh, chủ quyền, vừa chống dịch, giữ không cho các đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép.

Khu chăn nuôi tăng gia của Đồn biên phòng số 6. Ảnh: Thành Nguyễn.

Vì chưa có phương tiện đi lại chuyên dụng, đến nay, việc ra vào đảo của lực lượng vẫn phải dựa vào dân, nhờ vào các tàu cá, tàu thương mại. Do đó, để chủ động lương thực, thực phẩm, cán bộ chiến sĩ trên đảo đều thực hiện tăng gia. Tuy nhiên, việc tăng gia cũng không hề dễ dàng, phần vì kinh nghiệm chăn nuôi của các chiến sĩ cũng chưa nhiều, ngoài ra, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt cũng khiến việc chăn nuôi gặp khó. Đàn lợn 71 con bị dịch, bệnh chết gần hết trong năm 2020 đã cho thấy điều đó.

Một điều khó khăn nữa với các cán bộ, chiến sĩ và người dân đảo, đó là thiếu nước ngọt. Dù đã trang bị hai bể bán ngầm, gần chục bồn inox chứa nước, với tổng dung tích lên đến hàng trăm khối, nhưng nước ngọt vẫn là chuyện “thiên tạo”, hoàn toàn bị động.

Do không dễ khoan giếng nên nước mưa vẫn là nguồn cung cấp nước ngọt chính. Ảnh: Thành Nguyễn

“Từ năm ngoái đến năm nay, chúng tôi vẫn chưa thấy có trận mưa nào. Tối hôm qua (17/4) thì có được vài hạt mưa nhưng chưa đủ ướt sân. Nước ngọt là thách thức lớn ở trên đảo. Và dù đã có được một giếng khoan, một giếng đào hỗ trợ nhưng đến mùa khô, lượng nước cũng giảm sút nghiêm trọng”.

Nghe đồn trưởng Thái nói đến đây, tôi lại nhớ đến bài hát Mưa Trường Sa của nhạc sĩ Xuân An vẫn thường được nghe hồi nhỏ. Và hóa ra, những thứ tầm thường với người đất liền như nước ngọt, với lính đảo lại trở thành niềm mong chờ lớn như thế.

Cuộc vận động đưa người dân ra đảo đã được Quảng Ninh thực hiện từ năm 2014, nhưng do hạn chế về đi lại, chính sách hỗ trợ, điều kiện vật chất, an sinh xã hội… nên đến nay, trên đảo chỉ có 12 hộ dân. Trong đó, 7 hộ ở trên đảo, còn 5 hộ ở trên biển làm nghề đánh bắt.

Các hộ dân ra đảo đều được xây dựng nhà ở và có các chính sách hỗ trợ. Ảnh: Thành Nguyễn.

Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Cảnh, được xem như cư dân đầu tiên của đảo. Chị kể, năm 2005 hai vợ chồng chị ra đảo, lúc đó, cả đảo chỉ có gia đình chị và các lực lượng vũ trang, nhà ban đầu dựng bằng cót ép. Năm 2008, gia đình chị xây nhà với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các lực lượng. Sau các cuộc vận động đưa dân ra đảo năm 2013 – 2014, đảo Trần dần đông vui hơn. Tuy nhiên, đến nay cuộc sống vẫn còn nhiều gian khó, dù đã nhận được hỗ trợ về mặt chính sách.

Hiện, hai đứa con chị Cảnh đều ở trong đất liền, đứa lớn đi bộ đội, đứa bé học nội trú. Chồng chị Cảnh đánh bắt hải sản quanh đảo, còn chị bán tạp hóa. Tuy nhiên, cuộc sống cũng khá bấp bênh khi có ngày dong thuyền ra biển phải về tay không, những ngày gió lớn thì phải nghỉ và việc buôn bán cũng không mang lại nguồn thu nhiều khi cả đảo chỉ có 12 hộ dân.

Chị bảo: “Có những lúc cũng chênh vênh lắm, có cả ý định rời đảo quay về đất liền đấy. Nhất là giai đoạn mới ra, sau lưng là núi, trước mặt là biển, cả đảo trơ trọi chỉ gia đình chị và anh em chiến sĩ chứ không có hàng xóm. Nhưng rồi cũng quen dần, ở lâu trên đảo, mối quan hệ quân dân cũng thêm gắn bó. Thoắt cái, đã hơn 15 năm bám trụ”.

Cô giáo Nguyễn Thị Dung và con gái. Ảnh: Thành Nguyễn.

Bữa đó, tôi còn gặp cô giáo Nguyễn Thị Dung. Cô giáo Dung hiện đang dạy cấp mầm non, có 4 học sinh, kể cả cô con gái của cô. Cô giáo Dung ra đảo theo chính sách luân phiên cán bộ, còn trường chính của cô ở bên đảo Thanh Lân.

Ra đảo Trần từ tháng 1/2021, cô Dung đã dần quen với trường, lớp, với người dân và chiến sĩ đảo. Cô bảo, cả điểm trường hiện có 2 giáo viên và 6 học sinh, dù trường ít học sinh cũng buồn, nhưng bù lại, cô giáo có thời gian chăm sóc con trẻ tốt hơn. Xa nhà, nhớ con, nên cô “cắp” theo cả đứa nhỏ hơn 1 tuổi “đi nghĩa vụ” cùng mình.

Tôi được đồn trưởng Thái đưa đi một vòng quanh đảo, ngay bến tàu, ở vị trí thuận lợi nhất là trường liên cấp đảo Trần, sát đó là mười mấy căn nhà khang trang xây cho các hộ dân được vận động ra đảo ở. Trên mỗi chóp nhà, cờ đỏ sao vàng bay phần phật trong gió biển.

Đảo Trần hiện có 12 hộ dân sinh sống cùng các cán bộ, chiến sĩ. Ảnh: Thành Nguyễn.

Bữa đó, ở đảo, tôi còn gặp một nhóm các chiến sĩ đang xây sửa lại doanh trại. Cạnh đó là 5 bồn inox chứa nước loại lớn (20 m3/bồn), các chiến sĩ cho hay, đó là hệ thống bồn chứa nước mưa. Nước mưa quý lắm, nên chủ yếu được dùng cho việc nấu nướng.

Bắt chuyện cùng chiến sĩ Trần Mạnh Việt, chàng trai quê Bắc Từ Liêm, Hà Nội này cho hay, ngày trước cứ vài tháng là được về thăm nhà một lần, nhưng từ khi có dịch, cả năm nay chưa về nhà. Đợt vừa rồi, Việt và anh em vừa phải thực hiện các nhiệm vụ tuần tra, vừa phải thực hiện công tác chống dịch, xuất nhập cảnh.

Tôi hỏi, Việt có nhớ nhà không? Việt bảo: Gia đình và bạn gái cũng đều nhớ nhung, nhưng ngay từ khi nhận nhiệm vụ, em đã xác định sẵn về tâm lý, vì trách nhiệm, nghĩa vụ nên cảm thấy khá bình thường. Và đến nay, Việt đã có 3 năm sống cùng với đảo.

Quảng Ninh đang tiếp tục vận động người dân ra đảo sinh sống và làm kinh tế, cùng với lực lượng vũ trang bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ảnh: Thành Nguyễn.

Ra đảo, gặp những người ngày đêm gìn giữ biển trời, tận mắt chứng kiến cuộc sống ngoài đảo, mới thấy hết được những hy sinh mà chiến sĩ và người dân nơi đây phải trải qua để bám trụ vì tổ quốc. Điều thú vị là khi hỏi người dân, hay cán bộ chiến sĩ rằng các anh, chị cần gì thêm để cuộc sống bớt vất vả, thứ họ muốn lại chẳng cho riêng mình, ai dường như cũng nghĩ đến cái chung.

Đồn trưởng Thái thì mong sao đồn biên phòng được trang bị thêm tàu, thuyền chuyên dụng, để không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ, mà còn có thể hỗ trợ kịp thời người dân, cán bộ chiến sĩ những khi có việc, những lúc ốm đau. Rồi còn cây, con giống để tăng gia thêm cho anh em chiến sĩ.

Vườn thuốc Nam ở Đồn biên phòng số 6. Ảnh: Thành Nguyễn.

Còn chị Cảnh, chị vẫn mong đảo được quan tâm, đầu tư nhiều hơn về công trình phúc lợi, đặc biệt là trạm y tế. Chị bảo, tối thiểu cũng phải mổ được ruột thừa, vì nhiều khi ốm đau trong đêm, dầu có thuyền nhưng không thể vào được đất liền do gió lớn. Ngoài ra, âu thuyền tránh trú bão cũng rất quan trọng, hiện nay, đảo Trần mới chỉ có bến tàu, có thể tránh gió cấp thấp, nhưng có bão các tàu cá vẫn phải di chuyển vào trong bờ.

Cuối cùng, chị Cảnh bảo, muốn bà con gắn bó được với đảo, thì sinh kế phải ổn định. Hiện nay, mức hỗ trợ tối đa cho người dân chỉ được 110 triệu đồng (cả hỗ trợ cận nghèo và hỗ trợ đầu tư phát triển), trong khi để đóng được một tàu cá loại nhỏ (đánh bắt gần đảo), chi phí cũng khoảng 1 tỷ đồng, còn với tàu lớn vươn khơi có thể khai thác được nhiều tôm cá thì phải 4 -5 tỷ đồng.

Nói chuyện với quân, dân trên đảo thì đảm bảo sinh kế, an sinh chính là yếu tố quyết định giữ chân được người dân. Bởi trước đó, thức hiện cuộc vận động, đã có 16 hộ dân ra đảo làm kinh tế, sinh sống, nhưng đến nay, chỉ còn 14 hộ cố gắng bám trụ.

Đảo Trần chính thức có điện từ 2/9/2020. Ảnh: Thành Nguyễn.

Cái khó khăn gian khó dầu thời nào chẳng có, nhất là với những cán bộ, chiến sĩ và người dân ở trên đảo tiền tiêu, đầu sóng ngọn gió như đảo Trần. Tỉnh Quảng Ninh nói chung, lực lượng biên phòng tỉnh nói riêng vẫn đang tìm cách hỗ trợ, cải thiện chất lượng sống, làm việc cho quân, dân chiến sĩ trên đảo, nhưng với quá nhiều thách thức thì để làm tốt điều này, cần có những chính sách đặc thù, thời gian và sự chung tay của toàn xã hội. Đây là tâm tư, cũng là băn khoăn của những người lãnh đạo Đồn biên phòng số 6 nói riêng, lãnh đạo Biên phòng Quảng Ninh, lãnh đạo tỉnh nói chung.

Trước lúc chia tay, đồn trưởng Thái có khoe chúng tôi về kế hoạch xây dựng nhà khách cho lực lượng. Và đảo Trần cũng bắt đầu nhận được nhiều hơn sự chú ý, quan tâm của các cơ quan đoàn thể, doanh nghiệp…

Những dự định vẫn còn ở phía trước và ước mơ, mong muốn vẫn thật nhiều, chẳng biết chúc gì, chỉ biết chúc các anh, và cả những người dân đầu tiên của đảo chân cứng đá mềm, bởi ở đâu có dân, có bộ đội, ở đó chủ quyền lãnh thổ được giữ vững.

Ghi nhanh trên đảo

Đảo Trần chính thức có điện lưới quốc gia từ ngày 2/9/2020. Đảo hiện có 12 hộ dân (trên 20 nhân khẩu) và khoảng 300 các bộ chiến sĩ các lực lượng.

Trước khi có điện, giá điện ở đây dao động từ 17.000 – 23.000 đồng/số điện (điện máy phát).

Từng có 16 hộ dân được vận động ra “cắm đảo”, nhưng nay chỉ còn 12 hộ. Trên đảo, bộ đội đông hơn dân. Đất đai cằn cỗi (chủ yếu là núi đá), nên việc tăng gia sản xuất là không dễ.

Cao điểm, trường liên cấp có 8 học sinh, thấp điểm, chỉ còn 4 em.

Chi phí để khoan giếng ở đảo Trần khoảng 13 triệu đồng/giếng, nhưng hoàn toàn “hên xui”, có giếng phải khoan tới 140 m mới có nước.

Đảo Trần hiếm muông thú nhưng rắn lại rất nhiều, không ít lần rắn mò vào cả doanh trại để thăm chiến sĩ.

Thành Nguyễn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ghi-o-dao-tran-post267233.html