Ghi ở một ngôi trường vùng sâu

Là một trong những trường học vùng sâu, vùng xa của huyện Quỳnh Nhai, thời gian qua, Trường Tiểu học và THCS Cà Nàng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để duy trì sỹ số học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học.

Một giờ học của thầy và trò Trường TH và THCS Cà Nàng (Quỳnh Nhai).

Một giờ học của thầy và trò Trường TH và THCS Cà Nàng (Quỳnh Nhai).

Tháng 9/2018, Trường Tiểu học và THCS Cà Nàng thành lập trên cơ sở sáp nhập Trường THCS Cà Nàng và Trường Tiểu học Cà Nàng. Hiện, trường có 1 điểm trường trung tâm, 5 điểm trường lẻ, với 53 cán bộ, giáo viên, nhân viên và hơn 800 học sinh, trong đó 55 học sinh bán trú. Để nâng cao chất lượng dạy và học, các năm học, nhà trường đã phát động phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”... Tạo phong trào thi đua sâu rộng trong cán bộ, giáo viên và học sinh. Đồng thời, chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh; bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu, kém. Khuyến khích giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng sư phạm...

Thầy giáo Nguyễn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Cà Nàng cho biết: Nhờ triển khai nhiều giải pháp trong công tác dạy và học, năm học 2018-2019, khối THCS duy trì sỹ số học sinh đạt 96,6%; tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt 39,6%; học sinh yếu giảm còn 3,2%. Khối tiểu học duy trì sỹ số đạt 100%; 93,6% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học. Đặc biệt, trường có 1 học sinh giỏi cấp tỉnh, 1 học sinh đoạt giải nhì và 3 học sinh đoạt giải khuyến khích môn Sinh, Sử tại Kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện; 1 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Đến thăm điểm trường tiểu học Ít Pháy (Trường Tiểu học và THCS Cà Nàng), chúng tôi cảm nhận được niềm vui của thầy và trò điểm trường vì các lớp học đã được xây dựng khang trang, rộng rãi, đáp ứng tốt việc dạy và học. Thầy giáo Lường Văn Cường, Cụm trưởng điểm trường tiểu học Ít Pháy, chia sẻ: Điểm trường hiện có 2 lớp ghép và 1 lớp đơn, với 3 giáo viên, 48 học sinh đều là người dân tộc Dao Đỏ, gia đình còn nhiều khó khăn. Để nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường đã khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng học sinh; thực hiện dạy kèm học sinh yếu... Năm học 2018-2019, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%.

Trong các năm học, nhà trường đã tổ chức hoạt động ngoại khóa với các nội dung tuyên truyền giáo dục pháp luật, an toàn giao thông, phòng chống ma túy, không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống... giúp học sinh có kiến thức toàn diện về các lĩnh vực trong cuộc sống. Đặc biệt, khuyến khích, động viên học sinh tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học. Trong đó, dự án “Máy xử lý thải trong phòng thí nghiệm” đoạt giải khuyến khích tại cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp huyện năm 2018. Dự án “Cải tiến và bảo tồn cách làm giấy của người Dao ở xã Cà Nàng” đoạt giải nhất cấp huyện và đoạt 2 giải ba tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2018-2019 và cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 4, năm 2019. Trò chuyện với em Phàn Thị Huệ, học sinh lớp 9B, em cho biết: Em là người dân tộc Dao Đỏ, bản Ít Pháy. Từ xưa, người Dao Đỏ hay dùng giấy dó để viết sách và làm đồ cúng lễ, bây giờ không còn nhiều người làm được loại giấy này. Vì vậy, em có ý tưởng duy trì và bảo tồn cách làm giấy của dân tộc mình. Nhờ sự hỗ trợ của thầy giáo, em và một bạn nữa đã cải tiến dụng cụ sản xuất giấy thành máy sản xuất giấy dó dây chuyền tiện lợi, hiệu quả và năng suất hơn. Dự án này đã đoạt giải nhất cấp huyện, giải ba cấp tỉnh và được chọn tham gia cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp toàn quốc.

Trong thời gian tới, Trường Tiểu học và THCS Cà Nàng tiếp tục phát động các phong trào thi đua dạy tốt- học tốt, trong đó tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy; tổ chức dự giờ, thăm lớp, kiểm tra khả năng sư phạm của giáo viên để rút kinh nghiệm; quan tâm bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, kém; tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh khách quan; đầu tư các trang thiết bị phục vụ công tác dạy - học..., phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Huyền Trăng (CTV)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ghi-o-mot-ngoi-truong-vung-sau-26957