Ghi ở Nhà máy thủy điện Mường Hung
Những ngày đầu tháng 9, chúng tôi có dịp đến Nhà máy thủy điện Mường Hung khi nhà máy vừa chính thức phát điện hòa vào lưới điện quốc gia, chứng kiến niềm vui của cán bộ, công nhân nơi đây, bởi những cố gắng nỗ lực của họ không chỉ góp phần khắc phục sự thiếu hụt điện năng, mà còn giúp cải thiện môi trường sinh thái, tạo cảnh quan môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở huyện vùng cao biên giới Sông Mã.
Đưa chúng tôi đi tham quan toàn bộ khu vực nhà máy, anh Đinh Thế Triều, cán bộ phụ trách kỹ thuật của nhà máy, cho biết: Nhà máy do Công ty cổ phần Thủy điện Pá Chiến làm chủ đầu tư, sau gần 2 năm nỗ lực thi công đến tháng 2/2019, Nhà máy thủy điện Mường Hung đã đi vào hoạt động và chính thức phát điện hòa lưới điện quốc gia. Nhà máy có tổng diện tích gần 100 ha, với các hạng mục: Đập ngăn nước; cửa xả lũ; nhà máy phát điện gồm 2 tổ máy, công suất 24 MW, tổng mức đầu tư gần 850 tỷ đồng; sản lượng điện dự kiến trên 93 triệu kWh/năm, doanh thu gần 100 tỷ đồng/năm. Công trình có quy mô đập bê-tông trọng lực, các tổ máy nằm giữa dòng sông Mã, tuyến hầm dẫn nước trực tiếp vào các tổ máy chứ không tạo áp lực từ trên cao như các nhà máy thủy điện khác. Nhà máy thủy điện Mường Hung có cột nước thấp, có hầm dẫn nước trực tiếp vào các tổ máy, nên ưu điểm nổi bật là không tác động đến rừng, không ảnh hưởng lớn đến chế độ dòng chảy tự nhiên của dòng sông, rất thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa chiếm diện tích đất, mực nước hồ thay đổi trong ngày còn tạo nên cảnh quan đẹp, tạo khu vực nuôi trồng thủy sản rất tốt, nhà máy hoạt động không gây ngập lụt đối với diện tích trồng cây các loại ven sông. Tuy nhiên, do cột nước thấp nên cũng Nhà máy cũng gặp một số khó khăn, như: Hoạt động dẫn dòng, tiêu hao lượng nước lớn, khối lượng thi công công trình lớn. Đặc biệt, là khối lượng phần tua bin, đập tràn phải lớn để đáp ứng yêu cầu thoát lũ với lưu lượng lớn, đẩy tổng mức đầu tư lên cao hơn so với các công trình thủy điện có cột nước cao cùng công suất.
Ông Vũ Văn Thắng, Giám đốc Nhà máy thủy điện Mường Hung, cho chúng tôi biết thêm: Để đảm bảo tiến độ thi công và đi vào vận hành đúng thời gian quy định, Nhà máy thủy điện Mường Hung luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các sở, ban, ngành và sự ủng hộ của chính quyền các cấp, nhân dân địa phương đã tạo điều kiện cho các nhà thầu thi công các hạng mục và san ủi, giải phóng mặt bằng, đào đắp, đổ hàng trăm nghìn mét khối đất đá, bê-tông; xây dựng, lắp đặt trạm biến áp 110 kV, tổng công suất 32 MVA; 32 cột điện bằng thép cùng đường dây tải điện 110 kV, từ nhà máy thủy điện đối nối với hệ thống điện quốc gia, đường dây Sông Mã - Sơn La. Từ khi đi vào hoạt động, Nhà máy đã phát khoảng 30 triệu kWh điện hòa vào lưới điện quốc gia...
Qua trao đổi, tìm hiểu được biết, Nhà máy thủy điện Mường Hung có trang thiết bị khá hiện đại, chủ yếu tự động hóa, nên nhà máy hiện chỉ có 15 cán bộ, công nhân (trong đó có 4 kỹ sư) trực thay ca, mức lương công nhân trung bình 9 - 10 triệu đồng/người/tháng. Việc đưa nhà máy vào khai thác, không chỉ đem lại hàng tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách địa phương, mà còn cung cấp nguồn điện cho đồng bào dân tộc vùng cao và giải quyết việc làm ổn định cho lao động địa phương. Đặc biệt, dù mới đi vào hoạt động, nhưng nhà máy đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương và nhân dân thuộc khu vực dự án hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, như: làm đường giao thông liên xã Mường Hung - Chiềng Khoong rộng 4 m, dài 3,7 km; san mặt bằng đường giao thông nông thôn tại bản Nhạp (Chiềng Cang) dài 1,2 km; hỗ trợ làm đường lên điểm trường tiểu học bản Trung Dũng (Mường Hung), rộng 2 m, dài 700 m... tổng giá trị 11,2 tỷ đồng.
Tham quan Phòng điều khiển trung tâm của Nhà máy, chúng tôi thấy các kỹ sư trực ca tuổi đời còn rất trẻ, kỹ sư Cà Văn Chiến, Trưởng ca trực nói: Bộ phận này có 4 kỹ sư, gồm đủ các thành phần dân tộc Mông, Thái, Mường. Tôi là người Thái xã Chiềng Cang đấy. Ngay khi Nhà máy khởi công xây dựng, chúng tôi được tuyển dụng rồi cử đi học và về làm việc tại đây. Là người con sinh ra và lớn lên tại quê hương Sông Mã, tôi rất tự hào và mong sao có nhiều nhà máy được xây dựng nơi đây, để thế hệ trẻ chúng tôi được cống hiến và làm giàu trên chính quê hương mình.
Rời Nhà máy, chúng tôi rất vui khi biết sẽ có thêm những nhà máy thủy điện nữa hiện hữu trên dòng sông mang nhiều dấu ấn lịch sử này, cung cấp nguồn điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Sông Mã nói riêng và của tỉnh Sơn La nói chung.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ghi-o-nha-may-thuy-dien-muong-hung-25611