Ghi tên Việt Nam lên bảng vàng Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên hợp quốc

Tái đắc cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên hợp quốc (ILC), Đại sứ Nguyễn Hồng Thao chia sẻ niềm vui sướng, tự hào vì đã cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó, ghi tên Việt Nam lên bảng vàng ILC.

Ngày 12/11, Đại sứ Việt Nam Nguyễn Hồng Thao tái đắc cử vị trí thành viên Ủy ban Luật quốc tế của Liên hợp quốc (ILC) nhiệm kỳ 2023-2027. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại LHQ)

Ngày 12/11, Đại sứ Việt Nam Nguyễn Hồng Thao tái đắc cử vị trí thành viên Ủy ban Luật quốc tế của Liên hợp quốc (ILC) nhiệm kỳ 2023-2027. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại LHQ)

Ngày 12/11, Đại sứ Việt Nam Nguyễn Hồng Thao đã tái đắc cử vị trí thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2027, trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 ở New York (Mỹ), với 145/191 phiếu bầu, xếp thứ 4 trong số 11 ứng cử viên của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thưa Đại sứ, xin ông cho biết cảm xúc của mình khi tái đắc cử vào cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc và nêu ý nghĩa của chiến thắng này?

Tôi thấy vô cùng tự hào và sung sướng vì đã cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó, ghi tên Việt Nam lên bảng vàng của Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc, thực hiện được một phần lời dạy của Bác Hồ cho thế hệ chúng tôi: “Dân tộc Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, có xứng vai cùng các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn công lao học tập của các cháu”.

Chiến thắng này là của chung tất cả mọi người. Nó góp phần phản ánh vị thế đi lên của đất nước, sự đúng đắn của đường lối ngoại giao đa phương, là thành viên tích cực và chủ động của cộng đồng quốc tế mà Việt Nam đã và đang theo đuổi.

Quá trình vận động tranh cử của Đại sứ đã diễn ra như thế nào?

Lần bầu cử này mọi người đều đánh giá là cạnh tranh sít sao, thể hiện các nước ngày càng quan tâm đến luật quốc tế, ngày càng muốn tham gia các tổ chức quốc tế, đóng góp tiếng nói của mình cho sự pháp điển hóa và phát triển tiến bộ luật quốc tế.

Chất lượng của các ứng cử viên từ các nước mạnh hơn ta, có nhiều kinh nghiệm, nhiều người là Trưởng phái đoàn, cố vấn pháp lý của quốc gia tại Liên hợp quốc. Họ cũng có điều kiện vận động ngay tại Liên hợp quốc lâu hơn, nhiều hơn trong khi đại dịch Covid-19 gây khó khăn rất nhiều cho Việt Nam thời gian qua.

Được sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, các đồng chí lãnh đạo Bộ Ngoại giao, sự hết lòng của các Trưởng Cơ quan đại diện, các cán bộ vận động bầu cử trong và ngoài nước, Vụ Luật pháp quốc tế và Vụ Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao và rất nhiều các đóng góp âm thầm khác mà không thể kể hết được đã giúp tôi đạt được thành công hôm nay.

Riêng Đại sứ Đặng Đình Quý đã đi gặp hết 192 phái đoàn các nước để vận động. Rất nhiều nước đã quyết định cho chúng ta phiếu vì Việt Nam của Bác Hồ, Việt Nam của Hội đồng Bảo an.

"Cộng đồng quốc tế tín nhiệm bầu đại diện Việt Nam vì hình ảnh của Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế rất sâu nặng. Các nước ấn tượng sâu sắc về những hy sinh, đóng góp của Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến, các nước cũng đặc biệt ấn tượng về những thành tựu trong công cuộc Đổi mới của đất nước trong suốt 35 năm qua. Đồng thời, các lá phiếu bầu cho Việt Nam vì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, làm bạn với tất cả các nước.

Và yếu tố quan trọng cuối cùng là quá trình vận động suốt mấy tháng qua ở New York, ở thủ đô các nước và ở các cơ quan đại diện khác tại Liên hợp quốc; vận động từ cấp lãnh đạo cấp cao cho đến cấp làm việc trực tiếp tại Liên hợp quốc. Tất cả những nỗ lực đó đã dẫn tới thành công tại ILC ngày hôm nay".

(Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc)

Lần thứ hai nắm giữ một vị trí trong Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên hợp quốc, Đại sứ ấp ủ đóng góp những gì cho Ủy ban trong nhiệm kỳ này?

Trong những năm tới, tôi sẽ nỗ lực phấn đấu, đóng góp các thực tiễn khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho các báo cáo và đề tài của Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên hợp quốc, bảo vệ quyền lợi của các nước đang phát triển.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, đã có nhiều thực tiễn của Việt Nam và các nước được phản ánh trong các văn bản của Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên hợp quốc như kết luận 002 của Tòa án quốc tế về kết tội diệt chủng của Khmer Đỏ chống lại người Khmer, người Chàm, người Việt và đạo Phật trong báo cáo "Tội ác chống lại loài người"; các hậu quả và việc khắc phục chất độc màu da cam tại Việt Nam trong báo cáo "Bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang"; tác động mực nước biển dâng tới các quốc đảo nhỏ và các nước có đồng bằng châu thổ thấp trong báo cáo "Nước biển dâng tại khu vực châu Á-Tây Thái Bình dương và luật quốc tế".

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao và các đồng nghiệp tại Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại LHQ)

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao và các đồng nghiệp tại Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại LHQ)

Số phiếu mà các nước đang phát triển dành cho cá nhân tôi trong đợt bỏ phiếu vừa qua là sự đánh giá hài lòng về việc hoàn thành nhiệm vụ đại diện nói lên tiếng nói của các nước nhỏ trên diễn đàn pháp điển hóa và phát triển tiến bộ luật quốc tế.

Trong nhiệm kỳ tới, cùng các đồng nghiệp, chúng tôi sẽ tổng kết kinh nghiệm chống đại dịch Covid-19 của thế giới, trong đó có Việt Nam và các nước khu vực; đánh giá và củng cố vai trò của luật quốc tế trong bảo vệ người dân khỏi đại dịch, hay việc bảo vệ đa dạng sinh học trước các biến đổi khí hậu, vấn đề an ninh mạng và các vấn đề quan tâm chung của nhân loại trước các thách thức toàn cầu...

Xin cảm ơn và một lần nữa chúc mừng Đại sứ!

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ghi-ten-viet-nam-len-bang-vang-uy-ban-luat-phap-quoc-te-lien-hop-quoc-164781.html