Già Alăng Ró với niềm đam mê tạc tượng gỗ của đồng bào Cơ Tu

Trong hành trình về xã vùng cao Tà Pơơ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam công tác, chúng tôi cùng anh Bling Ưi, cán bộ UBND xã Tà Pơơ theo con đường bê tông dẫn vào thôn Vinh xuyên qua những tán rừng khi trời đang mưa rả rích. Tại đây, chúng tôi bị cuốn hút bởi đôi tay thoăn thoắt, sạm đen của già Alăng Ró với sự miệt mài, khéo léo trong từng nhát đục để hoàn thành bức tượng gỗ 'Người đàn ông Cơ Tu ôm con chim thiêng Trinh' do bà con Cơ Tu trong thôn đặt hàng.

Già Alăng Ró với bức tượng gỗ “Người đàn ông Cơ Tu ôm con chim thiêng Trinh” do bà con Cơ Tu trong thôn đặt hàng. Ảnh: Nguyễn Văn Sơn

Già Alăng Ró với bức tượng gỗ “Người đàn ông Cơ Tu ôm con chim thiêng Trinh” do bà con Cơ Tu trong thôn đặt hàng. Ảnh: Nguyễn Văn Sơn

Qua giới thiệu của anh Bling Ưi, già Alăng Ró (76 tuổi) dừng đục, bắt tay chào khách và bảo với chúng tôi: Năm lên 13 tuổi, trong một lần nhìn thấy người già trong làng cầm rìu, đục tạc tượng gỗ để đặt tại khu nghĩa địa của làng trong lễ bỏ mả (têng ping), già tò mò hỏi thì người làng nói đó là phong tục truyền thống của người Cơ Tu. Khi người đàn ông qua đời, người làng sẽ tạc một tượng gỗ người phụ nữ ngồi ôm mặt khóc đặt ở nhà mồ và ngược lại, khi người đàn bà qua đời, họ tạc một tượng người đàn ông đánh chiêng, như để tưởng nhớ về ông bà, cha mẹ, người chồng, người vợ của mình. Bức tượng đó thể hiện nỗi buồn, sự thương nhớ của người đang sống với người đã khuất, nó đã ám ảnh mãi trong tâm trí của già từ đó.

Già Alăng Ró cho biết, ngày xưa, ở vùng người Cơ Tu sinh sống không có khái niệm học nghề như bây giờ. Với niềm đam mê cháy bỏng, hằng ngày, già phải lẽo đẽo theo những người già đi khắp làng, nhìn người lớn đục, đẽo rồi ghi nhớ và làm theo. Khi đi rừng hay làm rẫy, hễ thấy khúc gỗ nào có thể làm tượng được là già lại mang về chịu khó kiên trì mày mò, dùng rìu, đục để tạc tượng. Cứ làm tượng này mà bị hư, già lại làm tượng khác.

Càng làm càng mê, càng sai càng muốn sửa, già cứ thế say mê học hỏi người già trong làng. Bây giờ, chỉ cần nhìn khúc gỗ, sẵn ý tưởng là già đã có thể tự tính toán để làm nên bức tượng gỗ hoàn chỉnh với kiểu dáng, kích thước khác nhau, từ tượng người phụ nữ Cơ Tu mặc váy dài múa da dá, tượng người đàn ông Cơ Tu vừa hút thuốc, vừa đánh chiêng, tượng đàn ông Cơ Tu đánh trống thổi kèn đến tượng phụ nữ Cơ Tu bồng con hay ngồi dệt...

Được biết, người Cơ Tu ở vùng núi Quảng Nam từ lâu đã có nhiều nghề khác nhau, từ đan lát, dệt thổ cẩm đến tạc tượng gỗ. Muốn làm được một tượng gỗ phải mất nhiều ngày, từ vào rừng tìm gỗ, rồi vận chuyển gỗ về nhà. Gỗ dùng tạc tượng là loại gỗ thân mềm như cây papang, cây ti tanh. Đây là các loài cây mà mối mọt không ăn được, lại chịu mưa nắng, để lâu ngày ngoài trời mà không bị mục hư. Tùy trí tưởng tượng và sự khéo léo của đôi bàn tay mà già Alăng Ró cho ra những bức tượng có thần thái khác nhau.

Người Cơ Tu quan niệm, mỗi bức tượng gỗ như một câu chuyện khá đầy đủ về đời sống, cũng như sinh hoạt văn hóa của dân tộc mình. Đa phần tượng gỗ Cơ Tu được tô hai màu đen và đỏ. Đen là màu của đất, đỏ là màu của mặt trời. Hai màu này được chiết suất từ rễ cây, củ có sẵn trong rừng, nơi địa vực người Cơ Tu sinh sống. Mỗi khi tạc tượng gỗ, già Alăng Ró luôn dành tâm huyết của mình vào trong từng bức tượng. Khi người Cơ Tu nhìn vào bức tượng gỗ sẽ ngầm hiểu được thông điệp mà người tạc tượng muốn gửi gắm.

Niềm vui nhất cho già Alăng Ró, đó là đến nay, già có thể truyền nghề tạc tượng gỗ cho người con trai của mình - anh Alăng Nhon (24 tuổi). Dù mới ở độ tuổi thanh niên, nhưng anh Alăng Nhon đã bộc lộ được năng khiếu, có thể đục, đẽo tạo nên những bức tượng gỗ đơn giản. Ngoài ra, già Alăng Ró còn truyền nghề cho nhiều thanh, thiếu niên trong thôn.

Theo anh Alăng Nhon, cũng như cộng đồng Cơ Tu sinh sống trên vùng Trường Sơn, tượng gỗ dân gian truyền thống ngày càng được cộng đồng người Cơ Tu sử dụng nhiều hơn để đặt trong các Gươl (ngôi nhà cộng đồng), đặt ở khu nhà mồ của mỗi dòng họ, gia đình vào dịp cuối năm để tưởng nhớ người đã khuất. Biết là khó nhưng kiên trì học là sẽ làm được tượng.

"Để giữ nghề truyền thống của cha ông, bao năm qua, tôi cùng người cha của mình cứ rong ruổi khắp các thôn, làng người Cơ Tu trong xã Tà Pơơ, rồi đến các vùng phụ cận của xã Tà Bhing, xã Zuôih tạc tượng gỗ cho bà con Cơ Tu mà chẳng nề hà đường sá xa xôi. Tùy thuộc vào chất liệu của mỗi tượng gỗ, lớn hay nhỏ, cao hay thấp, khi làm xong, trừ chi phí ra cũng kiếm được từ 600-700 nghìn đồng, tượng lớn thì từ 1 đến 1,2 triệu đồng" - anh Alăng Nhon chia sẻ.

Anh Alăng Thực, Chủ tịch UBND xã Tà Pơơ cho biết: Năm nay, đã hơn 50 năm kể từ ngày chế tác tượng gỗ đầu tiên, già Alăng Ró là một trong những nghệ nhân dân gian trên địa bàn xã Tà Pơơ còn nắm giữ nghệ thuật điêu khắc gỗ truyền thống của người Cơ Tu. Việc giữ gìn nghề truyền thống cũng được chính quyền địa phương hết sức quan tâm. Chúng tôi thường xuyên động viên, khích lệ già Alăng Ró có thêm động lực giữ nghề và truyền nghề cho thế hệ mai sau.

Theo anh Alăng Thực, trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ vận động, cũng như tổ chức cho thanh niên trong xã kế thừa và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc nhằm lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của người Cơ Tu. Đồng thời, thông qua các tác phẩm điêu khắc gỗ dân gian, địa phương muốn giới thiệu đến du khách nét đẹp văn hóa của người Cơ Tu.

Nguyễn Văn Sơn

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gia-alang-ro-voi-niem-dam-me-tac-tuong-go-cua-dong-bao-co-tu-post466374.html