Giá Bitcoin 1 tuần chao đảo, rớt khỏi ngưỡng kháng cự quan trọng
Giá Bitcoin tuần qua lao dốc mạnh cùng với thị trường chứng khoán. Giá Bitcoin đã rời khỏi ngưỡng quan trọng 40.000 USD/đồng về mức 37.000 USD.
Thị trường tiền mã hóa tuần qua biến động khá mạnh. Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới cũng chao đảo không ngừng. Giá Bitcoin có lúc vọt lên ngưỡng 41.000 USD nhưng có lúc lại lao dốc thê thảm, xuống mốc 37.000 USD.
Dù có một số phiên tăng mạnh nhưng xu hướng chung trong tuần của Bitcoin vẫn là giảm giá. Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã rời khỏi ngưỡng quan trọng 40.000 USD/đồng, về mốc 38.000 USD, mức thấp nhất trong một tháng qua.
Giá Bitcoin hôm nay (1/5), tiếp tục giảm mạnh. Giá Bitcoin có thời điểm đã giảm về mốc 37.000 USD và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo dữ liệu của CoinDesk lúc 15h09' hôm nay (1/5, giờ Việt Nam), giá Bitcoin được giao dịch ở ngưỡng 38.020,02 USD/đồng, giảm 1,68% so với ngày hôm qua. Trong 24 giờ gần nhất, giá Bitcoin thời điểm cao nhất đạt 38.699,44 USD, thấp nhất ở mức 37.437,51 USD.
Trong vòng 24h qua, khối lượng giao dịch Bitcoin khá thấp, chỉ đạt hơn 23 tỷ USD. Vốn hóa của thị trường Bitcoin vào chiều nay (1/5) đạt gần 725 tỷ USD.
Giá Bitcoin mất ngưỡng quan trọng 40.000 USD
Sắc đỏ cũng bao trùm toàn bộ thị trường tiền mã hóa, nhiều đồng tiền mã hóa khác giảm giá mạnh theo đà của Bitcoin. Đơn cử, so với 24 giờ trước đó, Ethereum giảm 1,8%, ở mức giá 2.779 USD; XRP giảm 5,11%, ở mức giá 0,591 USD; Cardano giảm 4,92%, giá là 0,773 USD; Stellar giảm 3,37%, giá xuống mức 0,174 USD; Dogecoin giảm 2,27%, ở mức giá 0,132 USD; Polygon giảm 3,91%, xuống mức giá 1,1 USD; Internet Computer giảm 7,74%, giá là 12,89 USD; Litecoin giảm 3,99%, có giá 96,81 USD; Bitcoin Cash giảm 2,65%, giá xuống mức 312,94 USD...
Do Bitcoin và nhiều đồng tiền mã hóa giảm giá nên tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa giảm mạnh, rời xa mốc 2.000 USD. Tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa vào chiều nay (1/5) giảm 2,9% so với một ngày trước đó, xuống 1.808 tỷ USD.
Trong tuần vừa qua, giá Bitcoin và nhiều đồng tiền mã hóa khác biến động khá mạnh. Giá Bitcoin tăng, giảm liên tục. Giá Bitcoin trong tuần qua được giao dịch quanh ngưỡng 37.000-41.000 USD.
Trong phiên đầu tuần (25/4), giá Bitcoin lao nhanh về mốc 38.000 USD, mức thấp nhất trong một tháng qua. Đến ngày 26/4, giá Bitcoin lại quay đầu tăng mạnh, có thời điểm lên ngưỡng gần 41.000 USD. Tới ngày 27/4, giá Bitcoin bất ngờ lao dốc, có thời điểm về mốc 37.000 USD. Đến ngày 28/4, giá Bitcoin lại tăng lên trên ngưỡng 39.000 USD.
Tuy nhiên, đến ngày 29/4, giá Bitcoin lại tăng lên mốc 40.000 USD. Sang ngày 30/4, giá Bitcoin lại đột ngột giảm mạnh, xuống mốc 38.000 USD. Tới ngày hôm nay (1/5), giá Bitcoin tiếp tục giảm mạnh, về mốc 37.000 USD.
Theo giới phân tích, Bitcoin và nhiều đồng tiền mã hóa tuần qua lao dốc mạnh do những lo ngại về việc lãi suất tăng cao và đà bán tháo đối với các cổ phiếu công nghệ Mỹ.
Mối tương quan giữa giá Bitcoin và chứng khoán ngày càng mật thiết. Đồng Bitcoin thường tăng, giảm theo thị trường chứng khoán Mỹ. Đà bán tháo cổ phiếu công nghệ lan rộng do những lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục siết chặt chính sách tiền tệ.
Theo các chuyên gia, giá Bitcoin và nhiều đồng tiền kỹ thuật số khác đang chịu nhiều tác động do chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất của nhiều quốc gia. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ và nâng lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí đi vay và có khả năng làm nhà đầu tư ít mặn mà với các tài sản rủi ro như tiền mã hóa.
Gần đây, giá Bitcoin tăng giảm thất thường do diễn biến tình hình chính trị, kinh tế thế giới một số nơi căng thẳng. Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng, gây tác động lên thị trường tiền mã hóa.
Dữ liệu của Glassnode cho hay, sự quan tâm của nhà đầu tư với Bitcoin đang chững lại. Gần đây, số người dùng và dòng vốn chảy vào thị trường tiền mã hóa gần như không tăng trưởng. Nhiều nhà đầu tư Bitcoin ngắn hạn đang có xu hướng bán ra. Đồng Bitcoin từng được coi là một dạng vàng kỹ thuật số. Nhưng những diễn biến của đồng Bitcoin trong vòng 1-2 năm qua khiến đồng tiền này giống một tài sản rủi ro hơn.