Giá cả có chiều hướng tăng cao ảnh hưởng đến đời sống của người dân

Những ngày này, trên thị trường giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm và nhiều loại hàng hóa thiết yếu có chiều hướng tăng. Với mức tăng như vậy đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đặc biệt là những người lao động có thu nhập thấp, trung bình rơi vào cảnh lao đao.

Theo ghi nhận của phóng viên tại một số chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm và nhiều loại hàng hóa thiết yếu khác đều tăng. Lý giải cho việc tăng giá, nhiều tiểu thương cho biết, do sức ép đến từ việc khan hiếm thực phẩm do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn ra liên tục làm ảnh hưởng đến nguồn cung. Cùng với đó là giá điện, giá xăng tăng đã khiến nhiều mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, dịch vụ cũng tăng theo: gạo các loại tăng từ 4 - 5 nghìn đồng/kg, gạo Đoàn kết 18 nghìn đồng/kg, gạo Tam nông 18 nghìn đồng/kg, gạo Tám thơm 17 nghìn đồng/kg; thịt lợn tăng từ 20 - 30 nghìn đồng/kg; rau, củ, quả các loại tăng từ 3 - 5 nghìn đồng/kg; các loại thực phẩm khác đều tăng.

Chị Lý Thị Ánh, phường Ngọc Xuân (Thành phố) chia sẻ: Với thu nhập khoảng 10 triệu đồng của vợ chồng tôi, ngoài việc lo cho các con ăn học, trả tiền thuê nhà thì chi phí phục vụ bữa ăn hằng ngày càng “nặng gánh”, tháng nào cũng không đủ chi. Nếu như trước đây cầm 300 nghìn đồng đi chợ có thể mua đủ thực phẩm dùng cả ngày cho gia đình, nhưng bây giờ thì khác, cũng là nhóm thực phẩm đó nhưng giá cả tăng thêm hàng trăm nghìn đồng. Mỗi tháng chi phí sinh hoạt của gia đình tôi tăng thêm 2 - 3 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Lụa, phường Hợp Giang (Thành phố) cho biết: Ngoài những lý do khách quan thì việc lương tăng đã kéo theo giá thực phẩm, phí sinh hoạt tăng theo, càng đẩy người dân thêm khó khăn. Việc tăng lương cơ sở là tăng với đối tượng trong chính sách, còn với người lao động tự do mức lương được thỏa thuận với chủ doanh nghiệp không thuộc sự quản lý của Nhà nước nên khi giá cả thị trường tăng mạnh gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân cũng như những lao động tự do.

Sức mua giảm tại các chợ truyền thống.

Sức mua giảm tại các chợ truyền thống.

Theo nhiều tiểu thương, hiện nay, giá cả thực phẩm tăng do giá nhập về từ đầu mối tăng chứ không phải do nhu cầu người tiêu dùng tăng. Giá cả tăng, người dân càng thắt chặt chi tiêu, hàng hóa bán tại chợ rất chậm nên tiểu thương không nhập hàng nhiều. Theo bà Phạm Thị Nguyệt, tiểu thương bán gạo tại chợ Xanh (Thành phố), có nhiều loại gạo ngon tăng giá quá cao, người dân chỉ mua những loại gạo bình dân nên khan hiếm hàng. Ngoài ra, do giá gạo tăng cao, sức mua kém nên một số tiểu thương hạn chế nhập gạo ngon về bán, khiến thị trường gạo không được dồi dào, phong phú như trước.

Bên cạnh các loại gạo, rau, củ, quả thì giá các loại thực phẩm tươi sống đều tăng giá. Chị Bế Thùy Dương, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Xanh (Thành phố) cho biết: Gần đây, ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung khan hiếm nên giá lợn hơi tăng lên khoảng 65 nghìn đồng/kg, kéo theo các loại thịt tăng từ 20 - 30 nghìn đồng/kg tùy loại; thịt nạc vai, thịt ba chỉ tăng từ 100 nghìn đồng lên 120 nghìn đồng/kg… Tuy giá thịt lợn tăng nhưng chúng tôi cũng không có hàng để bán. Thời gian gần đây, mỗi ngày, tôi chỉ mổ bán 1 con lợn; so với trước đây, mỗi ngày ít nhất cũng mổ 2 con, sắp tới vào mùa cao điểm lễ, tết, nhu cầu tăng cao, khi đó giá các loại thịt sẽ tiếp tục tăng.

Theo tổng hợp của Cục Thống kê tỉnh, 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ diễn ra sôi nổi và nhộn nhịp, đa số doanh thu các ngành thương mại, dịch vụ tăng cao so với cùng kỳ năm 2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 6.023,94 tỷ đồng, tăng 18,57% so với cùng kỳ năm 2023; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 2 - 3% so với cùng kỳ năm 2023, đây cũng là mức tăng cao trong những năm qua.

Thế Hiển

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/gia-ca-co-chieu-huong-tang-cao-anh-huong-den-doi-song-cua-nguoi-dan-3170708.html