Giá cà phê Arabica tăng giá do lo ngại nguồn cung từ Brazil

Giá cà phê Arabica kỳ hạn đang trên đà tăng tháng thứ 4 liên tiếp và tăng khoảng 20% trong năm nay do lo ngại về nguồn cung từ Brazil.

Đồng USD giảm giá so với hầu hết các loại tiền tệ vào phiên giao dịch vừa qua, do bị áp lực bởi dữ liệu kinh tế ảm đạm ở nền kinh tế lớn nhất thế giới, làm củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, những ngày đầu tháng 6/2024, giá cà phê Robusta giảm. Hiện vụ mùa thuận lợi ở Brazil, tồn kho trên sàn tăng, đồng USD tăng là những yếu tố khiến giá Robusta giảm. Safras & Mercado ước tính, gần 37% vụ cà phê mới của Brazil đã được thu hoạch niên vụ 2024/2025. Tỷ lệ này vượt quá cùng kỳ niên vụ trước là 33% và mức trung bình 5 năm là 34%.

Việc thu hoạch Conillon Robusta vẫn ở tốc độ nhanh và đã vượt quá 1/2 sản lượng, với 51% công việc đã hoàn thành. Tuy nhiên, yếu tố thời tiết không thuận lợi tại Việt Nam sẽ giúp đà giảm giá cà phê Robusta chậm lại.

Trong phiên trước đó, đồng Real Brazil đã giảm xuống mức thấp nhất trong 19 tháng qua so với đồng USD, đã khuyến khích bán xuất khẩu từ các nhà sản xuất cà phê Brazil. Thêm vào đó, dự báo sẽ có mưa vào tuần tới tại các vùng trồng cà phê của Brazil cũng góp phần làm giảm lo ngại về hạn hán vốn đang gây áp lực lên giá cà phê.

Tồn kho cà phê Arabica đã qua phân loại được chứng nhận nắm giữ trên thị trường New York được cho là đã tăng 3.849 bao vào 25/6.

Giá cà phê Arabica kỳ hạn đang trên đà tăng tháng thứ 4 liên tiếp và tăng khoảng 20%

Giá cà phê Arabica kỳ hạn đang trên đà tăng tháng thứ 4 liên tiếp và tăng khoảng 20%

Rạng sáng nay, chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường sự biến động của đồng USD với các loại tiền tệ chủ chốt khác trên toàn cầu, đã hạ nhiệt đáng kể, chỉ còn 105,87 điểm. Điều này giúp các loại hàng hóa được định giá bằng đồng USD như cà phê trở nên “hấp dẫn” hơn đối với giới đầu tư toàn cầu. Qua đó, trực tiếp thúc đẩy giá cà phê Arabica tăng lên.

Tuy nhiên, đối với cà phê Robusta, thị trường tiếp tục chịu áp lực giảm khi giới đầu tư bớt lo ngại hơn về tình trạng thiếu hụt nguồn cung khi các dữ liệu mới được công bố. Trong nhiều tuần gần đây, giá cà phê Robusta đã neo ở mức cao chủ yếu nhờ lo ngại nguồn cung bị thắt chặt.

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê Quốc tế ((ICO) cho thấy xuất khẩu cà phê trên toàn cầu trong tháng 4/2024 đạt 12 triệu bao (60 kg/bao), tăng 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 7 tháng đầu niên vụ 2023/2024 (tháng 10 đến tháng 4), lượng xuất khẩu đạt gần 81 triệu bao so, tăng 11,1% (tương ứng 8,1 triệu bao) so với cùng kỳ niên vụ 2022 - 2023.

Về chủng loại, cà phê nhân xanh chiếm 90% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu tháng 4 với 10,8 triệu bao, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này đưa tổng xuất khẩu cà phê nhân xanh trong 7 tháng đầu niên vụ lên mức 73,2 triệu bao, tăng 11,4% so với cùng kỳ vụ trước. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê nhân xanh Arabica Brazil tăng tới 44,9% trong tháng 4/2024 và tăng 21,1% trong 7 tháng đầu niên vụ 2023/2024, đạt tổng cộng 25,2 triệu bao.

Xuất khẩu cà phê Robusta của nước này cũng tăng 13,4% trong tháng 4/2024 và tăng 9% sau 7 tháng đầu niên vụ, đạt 29,1 triệu bao.

Nguồn cung cà phê Robusta tăng mạnh từ Brazil đã giảm bớt lo ngại của thị trường về tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ Việt Nam – quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới.

Hoạt động giao dịch vẫn chậm chạp ở Việt Nam do nguồn cung khan hiếm, với giá trong nước ổn định ở mức khoảng 120.000 đồng/kg.

Nông dân ở Tây Nguyên, vùng trồng cà phê lớn nhất Việt Nam, đang bán cà phê với giá trong khoảng 119.000-120.200 đồng (4,67-4,72 USD) mỗi kg, không thay đổi nhiều so với một tuần trước.

Về thị trường hàng hóa cà phê, theo thời gian, sự tham gia của các quỹ vào thị trường cà phê kỳ hạn đã tăng lên đáng kể, phản ánh xu hướng rộng lớn hơn trong việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư đa dạng.

Ban đầu, hợp đồng kỳ hạn cà phê chủ yếu là lĩnh vực của các nhà sản xuất, thương nhân và những nhà rang xay tiêu dùng quy mô lớn thường tìm đến thị trường này để phòng hộ sự biến động của giá cả đối với hàng hóa trong của họ trong thời gian chế biến.

Tuy nhiên, khi thị trường tài chính phát triển, các nhà đầu tư tổ chức, quỹ phòng hộ và các nhà đầu cơ khác nhận ra tiềm năng sinh lời đáng kể trên thị trường hàng hóa, bao gồm cả cà phê.

Dòng vốn từ những người tham gia phi truyền thống này đã dẫn đến tính thanh khoản và khối lượng giao dịch lớn hơn trong hợp đồng kỳ hạn cà phê, đồng thời góp phần làm tăng sự biến động khi diễn biến thị trường ngày càng phản ánh hoạt động đầu cơ thay vì chỉ dựa trên các nguyên tắc cơ bản về cung và cầu.

Do đó, động lực của thị trường cà phê kỳ hạn hiện đan xen chặt chẽ hơn với các xu hướng tài chính toàn cầu, các chỉ số kinh tế và tâm lý nhà đầu tư có mối liên hệ với bối cảnh kinh tế rộng lớn hơn bao giờ hết.

Ngoài ra, trên thị trường hàng hóa cà phê cũng đã có những thay đổi đáng kể. Chẳng hạn, trong lịch sử, thị trường cà phê London, nơi giao dịch với cà phê Robusta, vốn chỉ đứng thứ hai về khối lượng so với thị trường New York. Nhưng trong thời gian gần đây, thị trường London đã phát triển với sự xuất hiện của nhu cầu cà phê Robusta tăng cao trong môi trường thị trường thiếu hụt, góp phần tạo nên sự biến động hàng ngày, tâm lý và định hướng trong thị trường cà phê.

Thị trường cà phê London tiếp tục phản ánh sự thiếu hụt trên thị trường giao ngay có sự chênh lệch lớn giữa tháng gần và tháng giao xa, với hiện tượng tháng gần đắt hơn. Tình trạng này thường phát sinh do thiếu nguồn cung trước mắt hoặc nhu cầu ngắn hạn tăng cao.

Ngọc Ngân

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gia-ca-phe-arabica-tang-gia-do-lo-ngai-nguon-cung-tu-brazil-328761.html