Giá cà phê hôm nay 16/3/2023: Giá cà phê trở lại xu hướng giảm, robusta thủng mức hỗ trợ tâm lý 2.100, nguồn cung vẫn là yếu tố đáng ngại?
Bất ổn về nền tài chính ngân hàng của Mỹ trong tuần qua cộng với những nhận định dự đoán về mức tăng lãi suất của Fed sắp tới thay đổi liên tục khiến dòng tiền dịch chuyển khỏi các tài sản rủi ro trong đó có hàng hóa nói chung và cà phê trên hai sàn nói riêng, đồng thời tìm nới trú ẩn an toàn vào vàng và USD.
Giá cà phê hôm nay 16/3/2023
Giá cà phê thế giới tiếp tục đồng loạt giảm trên cả hai sàn London và New York, khi lo ngại về nguồn cung thiếu hụt giảm bớt, trong khi các thách thức trong môi trường rủi ro tăng lên đã thúc đẩy đầu cơ tiếp tục thanh lý hàng.
Giá cà phê trở lại xu hướng giảm khi USDX mạnh lên sau khủng hoảng Ngân hàng Thung lũng Silicon ở Mỹ, đã đẩy các tiền tệ mới nổi vào thế bất lợi làm giảm sức mua, cho dù đã có nhiều suy đoán cho rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ không còn mạnh tay nâng lãi suất tại phiên họp điều hành sắp tới.
Trong khi đó, tính đến thời điểm hiện tại, báo cáo tình hình sản xuất và xuất khẩu tại nhiều quốc gia trồng cà phê chính đã làm giảm bớt nổi lo thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn. Đầu cơ trên cả hai sàn đẩy mạnh thanh lý vị thế nhằm giảm thiểu lo ngại rủi ro.
Thông tin nguồn cung liên tục tăng đã củng cố thêm đà giảm của cà phê robusta. Phân tích kỹ thuật cho thấy, 3 phiên giảm liên tục đã khiến giá cà phê robusta đóng cửa thủng mức hỗ trợ tâm lý 2100. Các chỉ số cho thấy động lượng giảm vẫn còn, với vùng hỗ trợ tiếp theo giá có thể kiểm định là 2030 – 2050.
Ngoài yếu tố tiền tệ tác động, giá cà phê arabica giảm mạnh hơn cà phê robusta trên sàn London còn do yếu tố cung cầu khi các nhà tư vấn phân tích ước đoán sản lượng cà phê của Brazil trong niên vụ 2022/2023 được điều chỉnh tăng thêm 1,6 triệu bao, lên 58,9 triệu bao. Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ số đang cho tín hiệu động lượng giảm giá vẫn còn.
Đóng cửa phiên 15/3, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London tiếp tục giảm, kỳ hạn giao hàng tháng 5/2023 giảm 11 USD (0,53%), giao dịch tại 2.069 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2023 giảm 11 USD (0,53%), giao dịch tại 2.059 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York giảm. Kỳ hạn giao tháng 5/2023 giảm 2,85 Cent/lb (1,62%), giao dịch tại 172,6 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2023 giảm 2,95 Cent/lb (1,69%), giao dịch tại 171,75 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.
Giá cà phê trong nước hôm nay đồng loạt giảm 200 đồng/kg tại các địa điểm thu mua tại Tây Nguyên, giá giao dịch dao động trong khoảng 46.300 - 46.700 đồng/kg.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 16/3 tiếp tục giảm 200 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg.
(Nguồn: Giacaphe.com)
Trong báo cáo mới nhất, nhà tư vấn – phân tích Safras & Mercados đã điều chỉnh dự báo sản lượng của Brazil trong niên vụ cà phê 2022/2023 tăng thêm 1,6 triệu bao, lên ở mức 58,9 triệu bao, góp phần gây sức ép lên thị trường kỳ hạn New York.
Tuy nhiên, ngày 9/3, Tập đoàn Xuất khẩu Cecafe công bố, xuất khẩu cà phê nhân của Brazil, nhà cung cấp lớn nhất thế giới, giảm 35,8% trong tháng 2 do lượng dự trữ trong nước xuống thấp sau hai vụ mùa kém và nông dân không muốn để bán những gì còn lại với mức giá hiện tại.
Cecafe cho biết các lô hàng tháng trước chỉ đạt 2,11 triệu bao, thấp nhất trong tháng 2 kể từ ít nhất là năm 2018, theoNasdaq.
Ông Marcio Ferreira, Chủ tịch Cecafe chia sẻ, các thương nhân quốc tế đang cố gắng tìm nguồn cà phê tại các quốc gia đích, tìm kiếm những cổ phiếu còn lại có giá gần với giá tương lai của New York. “Tình hình có thể sẽ tiếp tục cho đến khoảng tháng 6 hoặc tháng 7, khi vụ mùa mới (của Brazil) được tung ra thị trường”, ông Ferreira dự báo.
Báo cáo tồn kho ICE – London, tính đến hôm qua ngày 14/3 cũng tăng thêm 200 tấn, tức tăng 0,27% so với một tuần trước đó, lên ở mức 73.910 tấn. Theo các nhà quan sát, nhà sản xuất Việt Nam đã báo cáo xuất khẩu trong 5 tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại 2022/2023 đạt tổng cộng 748 ngàn tấn cà phê các loại.
Ước tồn kho nội địa hiện còn xấp xỉ gần 1 triệu tấn và với nhu cầu tiêu thụ trong nước khoảng 300.000 tấn, sẽ không đủ hàng dành cho xuất khẩu trong 7 tháng còn lại với mức bình quân khoảng 170 – 175 ngàn tấn mỗi tháng, khiến thị trường vẫn còn mối lo thiếu hụt nguồn cung nếu các nước sản xuất robusta lớn khác xuất khẩu chậm lại.