Giá cà phê hôm nay 19/4/2023: 'Kịch bản' đã được dự báo, vượt trên mức kháng cự tâm lý, giá arabica sẽ chinh phục đỉnh cao mới

Tính đến hết quý I/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã giảm 5% về lượng và giảm 5,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, đạt 552.613 tấn, trị giá 1,2 tỷ USD.

Giá cà phê hôm nay 19/4/2023

Giá cà phê thế giới quay đầu giảm trong nửa đầu phiên giao dịch ngày 19/4, sau cú tăng giá mạnh đầu tuần, là "kịch bản" đã được dự báo trước. Tuy nhiên, nhiều yếu tố vẫn ủng hộ giá cà phê tăng, trong đó, yếu tố nguồn cung có tác động khá lớn tới giá cà phê khi kỳ vọng nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt đã thúc đẩy các Quỹ và đầu cơ tiếp tục mua mạnh.

Trong khi các thương nhân tại Việt Nam - nơi sản xuất cà phê robusta hàng đầu thế giới, cho biết họ sắp hết hàng trong khi nhu cầu hiện vẫn đang ổn định.

Trong khi đó, phân tích kỹ thuật, MACD cho tín hiệu động lượng tăng vẫn còn nhưng RSI vẫn đang trong vùng quá mua cao tới 72,23%, nên khả năng xuất hiện nhịp điều chỉnh giảm là diễn biến được dự báo, sau những phiên tăng mạnh trước đó. Dự kiến trong ngắn hạn, giá cà phê robusta giằng co tích lũy trong vùng 2350 – 2390 để tìm động lượng tăng kiểm định trở lại mức kháng cự cũ 2400.

Trên thị trường cà phê arabica, các Quỹ và đầu cơ tiếp tục mua mạnh sau báo cáo xuất khẩu tháng 3 ở khu vực Mỹ Latinh sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, đã hỗ trợ cà phê arabica tăng giá mạnh mẽ. Tồn kho đạt chuẩn sàn ICE NewYork ghi nhận giảm còn 709.612 bao, mức thấp nhất trong 4 tháng, tính đến ngày 17/4. Thông tin trên tiếp tục hỗ trợ cho cà phê arabica tăng giá.

Tuy nhiên, theo phân tích kỹ thuật, phiên tăng giá mạnh mẽ trước đó đã đẩy giá arabica đến gần mức 200. Đường MACD cho thấy động lượng tăng vẫn còn mặc dù RSI đã tiến vào vùng quá mua và đang ở mức 70,55%. Dự kiến trong ngắn hạn, giá cà phê arabica có thể tiếp tục giằng co tích lũy trong biên độ 190 – 200. Nếu vượt được trên mức kháng cự tâm lý 200 sẽ là tín hiệu tích cực cho giá arabica tiếp tục chinh phục các mức đỉnh mới, gần nhất là vùng 203 – 205.

 Giá cà phê trong nước hôm nay 19/4 tăng 200 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm.

Giá cà phê trong nước hôm nay 19/4 tăng 200 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm.

Ghi nhận của TG&VN vào 23h55 ngày 18/4 (giờ Việt Nam), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London kỳ hạn giao hàng tháng 5/2023 tăng nhẹ 2 USD (0,08%), giao dịch tại 2.442 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2023 tăng 9 USD (0,38%), giao dịch tại 2.379 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình cao.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York tiếp tục tăng mạnh. Kỳ hạn giao tháng 5/2023 tăng 5 Cent/lb (2,49%), giao dịch tại 206,00 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2023 tăng 4,8 Cent/lb (2,41%), giao dịch tại 203,85 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng cao.

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nước hôm nay 19/4 tăng 200 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm.

Đơn vị tính: VND/kg.

(Nguồn: Giacaphe.com)

Thị trường dấy lên lo ngại Fed sẽ mạnh tay nâng lãi suất tiền tệ tại phiên họp điều hành sắp tới do lạm phát Mỹ vẫn còn cao…

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3 xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt 210.372 tấn, trị giá 482,4 triệu USD, tăng 5,2% về lượng và tăng 11% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ giảm 0,1% về lượng, nhưng tăng 1,8% về trị giá.

Nguyên nhân khiến xuất khẩu giảm là do doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong mua hàng. Hiện tại, việc thu hoạch đã hoàn tất tuy nhiên người dân vẫn giữ hàng không bán ra, chờ giá lên cao khiến doanh nghiệp không thể mua.

Cùng lúc, năm nay sức mua của đa số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê yếu do nguồn vốn eo hẹp trong bối cảnh lãi suất khá cao và biến động tỷ giá thất thường. Nguồn tài chính của các doanh nghiệp năm nay không dồi dào như mọi năm dẫn đến tồn kho hàng hóa ở mức thấp. Trong khi đó, giá nội địa hiện vẫn ổn định ở mức cao nên các doanh nghiệp xuất khẩu không dám ký hợp đồng giao xa do sợ không cân đối được với giá nội địa và giá xuất khẩu”.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Cà Phê - ca cao Việt Nam (VICOFA), các doanh nghiệp FDI với lợi thế về nguồn tiền dồi dào nên đã gom hàng từ trước đợi khi nào doanh nghiệp Việt Nam thiếu hàng thì bán ra. Hiện tượng này cũng đã xảy ra ở niên vụ 2021 - 2022. “Nếu như niên vụ 2021 - 2022, tình trạng thiếu hàng chỉ xảy ra ở trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 thì niên vụ năm nay (2022 - 2023), tình trạng này xảy ra ngay từ 2 tháng đầu năm. Do đó, các doanh nghiệp không ký hợp đồng nhiều. Các doanh nghiệp FDI có nguồn tài chính dồi dào đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.

Gia An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-ca-phe-hom-nay-1942023-kich-ban-da-duoc-du-bao-vuot-tren-muc-khang-cu-tam-ly-gia-arabica-se-chinh-phuc-dinh-cao-moi-224026.html