Giá cà phê hôm nay 28/9: Sản lượng niên vụ mới của Việt Nam có thể thấp hơn dự kiến
Giá cà phê hôm nay tại thị trường trong nước diễn biến tăng giảm trái chiều ở các vùng trồng trọng điểm, trong khi giá robusta và arabica thế giới quay đầu giảm nhẹ. Theo hãng tư vấn Hedgepoint, sản lượng cà phê của Việt Nam cho niên vụ 2024/2025 có thể không đạt như dự kiến, chỉ khoảng 27 triệu bao.
Giá cà phê hôm nay ngày 28/9/2024 tại thị trường trong nước
Giá cà phê hôm nay tại khu vực Tây Nguyên diễn biến tăng giảm trái chiều ở các vùng trồng trọng điểm, nhưng nhìn chung là tăng. Qua đó đưa mức giá cà phê trung bình hiện ở quanh mốc 121.800 đồng/kg tại khu vực Tây Nguyên. Cụ thể:
Giá cà phê hôm nay tại Đắk Lắk tăng 600 đồng/kg, đạt 122.600 đồng/kg, là giá thu mua cà phê cao nhất tại khu vực Tây Nguyên hôm nay..
Giá cà phê hôm nay tại Lâm Đồng cũng tăng 600 đồng/kg, đạt 121.600 đồng/kg.
Giá cà phê hôm nay tại Gia Lai tăng 600 đồng/kg, lên mức 121.400 đồng/kg.
Riêng giá cà phê hôm nay tại Đắk Nông đi ngược chiều, giảm 400 đồng/kg, đạt 121.600 đồng/kg
Lưu ý: Các mức giá trên chỉ mang tính chất tham khảo, mức giá thực tế sẽ có sự chênh lệch theo từng địa phương, phương thức vận chuyển, phương thức thanh toán, khối lượng giao dịch… Quý độc giả vui lòng liên hệ đến các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh cà phê gần nhất để được tư vấn cụ thể.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 9/2024 (1/9 - 15/9), lượng cà phê xuất khẩu tiếp tục ghi nhận giảm 16,2% so với cùng kỳ năm trước, còn 21.398 tấn. Tuy nhiên, nhờ giá xuất khẩu cà phê bình quân tăng tới 75% so với cùng kỳ năm trước (lên mức 5.469 USD/tấn) đã kéo kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 117 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ.
Cà phê Robusta vẫn là sản phẩm chủ đạo của Việt Nam, với 15.155 tấn được xuất khẩu trong nửa đầu tháng 9, thu về 76,583 triệu USD. Trong cùng kỳ, Việt Nam chỉ xuất khẩu 1.119 tấn cà phê Arabica, thu về 4,705 triệu USD. Do đó, sản lượng xuất khẩu cà phê Robusta cao hơn Arabica là 14.036 tấn.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/9, Việt Nam xuất khẩu được 1,07 triệu tấn cà phê với giá trị 4,13 tỷ USD. Mặc dù giảm 12% về lượng nhưng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam lại tăng tới 35,8% so với cùng kỳ.
Tác động đến sự chênh lệch trên là do giá xuất khẩu cà phê trung bình của Việt Nam từ đầu năm 2024 đến ngày 15/9 đã tăng thêm 54,7% so với cùng kỳ, từ 2.476 USD/tấn tại kỳ trước lên 3.833 USD/tấn tại kỳ này.
Theo hãng tư vấn Hedgepoint, sản lượng cà phê của Việt Nam cho niên vụ 2024/2025 có thể không đạt như dự kiến, chỉ khoảng 27 triệu bao, do giá cả tăng cao. Sự giảm sản lượng ở Việt Nam và Brazil có thể khiến thị trường cà phê toàn cầu gặp thiếu hụt. Tuy nhiên, giá cà phê có thể sẽ tăng trong thời gian tới nhờ vào một số yếu tố bên ngoài, mang lại tin vui cho người nông dân.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã dự báo, sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam trong niên vụ 2024/2025 đạt 27,9 triệu bao, giảm so với mức 28 triệu bao của niên vụ trước đó.
Cơ quan Cung ứng mùa vụ thuộc chính phủ Brazil (CONAB) cũng cắt giảm dự báo hơn 4 triệu bao sản lượng cà phê thu hoạch trong năm 2024 của Brazil, về còn 54,79 triệu bao, thấp hơn 0,51% so với năm 2023 và gần 7% so với dự báo trước đó. Sản lượng cà phê Arabica giảm 2,52 triệu bao so với báo cáo trước và cà phê Robusta giảm hơn 1,5 triệu bao về 15,2 triệu bao, thấp hơn 6% so với năm trước.
Giá cà phê hôm nay ngày 28/9/2024 tại thị trường thế giới
Theo dữ liệu mới nhất, giá cà phê thế giới quay đầu giảm trên cả 2 sàn giao dịch sau khi chạm đỉnh vào ngày hôm qua. Cụ thể:
Trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê Robusta giao tháng 11/2024 giảm 103 USD/tấn, đạt 5.424 USD/tấn; giá cà phê Robusta giao tháng 1/2025 giảm 91 USD/tấn, đạt 5.151 USD/tấn.
Tương tự, trên sàn ICE Futures US, giá cà phê Arabica giao tháng 11/2024 tăng 6 cent/lb, về mức 267,90 US cent/lb; giá cà phê Arabica giao tháng 1/2025 giảm 6,10 cent/lb, đạt 265,65 cent/lb.
Theo các chuyên gia, giá cà phê trong nước và quốc tế có thể biến động do cuộc chiến ở Trung Đông và hạn hán kéo dài ở một số nơi.
Tại Brazil, mặc dù dự báo có mưa nhưng lượng mưa ít nên một số vùng vẫn còn trong tình trạng khô hạn cục bộ. Dự báo phải tới giữa tháng 10, lượng mưa mới có cải thiện rõ nét hơn. Nếu tình trạng hạn hán ở Brazil không được giải quyết, nguồn cung cà phê toàn cầu có thể giảm đáng kể.
Trong khi đó, ảnh hưởng khô nóng đã phản ánh lên mùa vụ sắp thu hoạch tại Việt Nam nhưng lo ngại hơn nữa là mô hình thời tiết La Nina có thể gây mưa bão vào giai đoạn thu hoạch chính, gây gián đoạn thu hoạch và giảm sản lượng cà phê.
Dự báo giai đoạn năm 2024 - 2032, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm của thị trường cà phê toàn cầu sẽ là 5,4%.
Tuy nhiên, nhiệt độ tăng cao, lượng mưa thất thường và hạn hán kéo dài đang ảnh hưởng đến cây cà phê ở khu vực Đông Nam Á và nhiều vùng trồng trọt khác. Ngoài ra, các loài sinh vật gây hại như sâu đục quả cà phê, vốn phát triển mạnh trong điều kiện ấm hơn, đang làm trầm trọng thêm tình hình, dẫn đến tình trạng mất mùa đáng kể.
Theo dự báo, đến năm 2050, có tới 50% diện tích đất thích hợp để trồng cà phê trên toàn cầu có thể bị mất do biến đổi khí hậu.