Giá cà phê hôm nay 30/9/2023: Giá cà phê đồng loạt giảm, áp lực đè nặng lên các thị trường kỳ hạn; xuất khẩu cà phê Việt Nam có thể đạt kỷ lục mới
Năm 2023, Việt Nam có thể thu về 4,2 tỷ USD từ việc xuất khẩu 1,7 triệu tấn cà phê. Như vậy, xuất khẩu cà phê đang đứng trước cơ hội phá kỷ lục chưa từng có từ trước tới nay và đánh dấu năm thứ hai liên tiếp ngành cà phê Việt Nam đạt trên 4 tỷ USD, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Giá cà phê hôm nay 30/9/2023
Giá cà phê thế giới đồng loạt quay đầu giảm khi áp lực bán hàng vụ mới và dự báo thời tiết vùng trồng cà phê chính ở miền nam Brazil có mưa thuận lợi hỗ trợ làm bông vụ mới đè nặng lên các thị trường kỳ hạn.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/9, giá cà phê trên các sàn giao dịch quốc tế giảm. Giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London kỳ hạn giao hàng tháng 11/2023 giảm 7 USD, giao dịch tại 2.462 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 1/2024 giảm 3 USD giao dịch tại 2.369 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York kỳ hạn giao tháng 12/2023 tiếp tục giảm thêm 1,05 Cent, giao dịch tại 146,15 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2024 giá giao dịch giảm 1,15 Cent, giao dịch tại 147,20 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng cao.
Giá cà phê arabica tại New York đã giảm xuống mức thấp 8 tháng rưỡi do dự báo mưa trong tuần này và tuần tới trên các vùng trồng chính ở miền Nam Brazil. Ngoài ra, đồng Real dưới áp lực của dòng vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt chảy vào sau những cải cách thuế của chính phủ, đã đưa tỷ giá xuống mức thấp gần 4 tháng đã khuyến khích người Brazil tăng cường bán cà phê xuất khẩu.
Trong khi đó, Báo cáo xuất khẩu cà phê trong tháng 9 của Tổng cục Thống kê Việt Nam ước khoảng 90 nghìn tấn, đưa xuất khẩu 9 tháng đầu năm lên đạt 1,207 triệu tấn (khoảng 20,12 triệu bao), giảm 11,65% so với cùng kỳ năm trước.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 30/9 giảm 100 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg.
(Nguồn: Giacaphe.com)
Năm nay, xuất khẩu cà phê Việt Nam có thể cán mức kỷ lục là nhờ giá nội địa và giá thế giới leo lên mức cao nhất trong 15 năm.
Do nguồn cung khan hiếm, lượng cà phê dự trữ thấp, sản lượng lại giảm đáng kể và nhu cầu trên thế giới về robusta tăng mạnh nên mới có được mức giá tốt này.
Dù kim ngạch đạt mức cao là kết quả đáng mừng đối với ngành cà phê, nhưng nhìn lại hoạt động xuất khẩu trong 2 năm qua thì khả năng có thể duy trì giá trị xuất khẩu ở mức cao trong dài hạn là điều chưa chắc chắn. Bởi có thể thấy rằng yếu tố chính giúp kim ngạch xuất khẩu cà phê năm 2023 vượt 4 tỷ USD là nhờ vào giá tăng trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt.
Câu hỏi được đặt ra là, trong tương lai ngành cà phê sẽ có thêm nhiều cột mốc đáng chú ý hơn như vậy?
Theo các chuyên gia, câu trả lời là muốn tăng được kim ngạch thì phải tăng được giá trị cho cà phê, phải định vị lại dòng sản phẩm và nắm bắt xu thế của thị trường. Trước hết là tại hai thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới chiếm đến 50% tổng nhập khẩu của toàn cầu là Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Đây cũng hai thị trường mục tiêu và lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam.
Thực tế là, Mỹ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào cà phê arabica và giảm dần hoạt động nhập khẩu robusta, từ mức 6,1 triệu bao loại 60 kg (366.000 tấn) trong niên vụ 2011/12 xuống còn 3,6 triệu bao trong niên vụ 2020/21. Cùng với đó, tỷ trọng nhập khẩu cà phê qua chế biến tăng từ 3,1% trong niên vụ 2018/19 lên 6,4% trong ước tính niên vụ 2023/24. Theo số liệu thống kê từ Liên đoàn Cà phê châu Âu (ECF), tại EU, tỉ lệ này cũng tăng từ 2,3% trong năm 2017 lên 5,5% vào năm 2021.
Dữ liệu của hải quan Việt Nam lại cho thấy xuất khẩu robusta dạng hạt của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay sang Mỹ đã ít đi rõ rệt, từ hơn 130.200 tấn năm 2018 xuống khoảng 90.500 tấn năm 2023, tức là giảm 27%.