Gia cầm, heo hơi nhập lậu: Đâu là nguyên nhân cốt yếu?
Dù sát Tết, giá heo hơi có nhích, nhưng vẫn ở mức thấp, nhiều ý kiến cho rằng, giá gia súc, gia cầm trong nước đang bị tác động lớn của hàng nhập lậu.
Giá heo hơi tháng giáp Tết có phần nhích lên sau chuỗi ngày dài đứng ở mức thấp. Dù vậy, vẫn không đủ để giúp cho những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bớt lo lắng bởi chuỗi dài những ngày gồng lỗ. Một trong những nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi heo vốn được ví như "muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt" lại trở lên bấp bênh, người dân treo chuồng được cho là từ heo nhập lậu.
Trong đơn gửi tới Thủ tướng mới đây, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết 2 tuần đầu năm, trung bình mỗi đêm có 6.000 - 7.000 con heo từ Campuchia nhập lậu vào Việt Nam thông qua một số cửa khẩu ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và biên giới Tây Nam. Theo tính toán của hiệp hội này, số lượng heo nhập lậu đang chiếm khoảng 30% sản lượng chăn nuôi trong nước bán ra mỗi ngày.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là cái ngọn của vấn đề. Đâu là nguyên nhân chính khiến heo lậu gia tăng? Tại Hội nghị về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lí buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới diễn ra chiều 26/1, ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay, giá thành chăn nuôi heo trong nước khoảng 55.000 đồng/kg, trong khi heo Campuchia, Thái Lan khoảng 40.000 - 45.000 đồng/kg được cho là nguyên nhân khiến heo lậu gia tăng.
Ông Nguyễn Văn Trọng – nguyên Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, giá thành chăn nuôi của Việt Nam so với các nước như Thái Lan chênh lệch khoảng 5 - 10%. Trong chăn nuôi, mức chênh lệch như vậy là rất lớn.
Sở dĩ có sự chênh lệch này là do giá thành chăn nuôi heo ở Việt Nam đang cao hơn khu vực và thế giới. Phụ thuộc vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu là một trong những nguyên nhân đẩy giá thành chăn nuôi của Việt Nam đứng ở mức cao.
Ước tính năm 2023, nước ta đã chi gần 5 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu. Trong đó có một số nguyên liệu chính cho sản xuất thức ăn chăn nuôi như: 9,76 triệu tấn ngô; 5,09 triệu tấn lúa mì; 1,97 triệu tấn đậu tương.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam cho rằng, Việt Nam ở cạnh một thị trường tiêu thụ thịt heo rất lớn là Trung Quốc. Song đến nay, chúng ta vẫn chưa thể xuất thịt heo chính ngạch sang thị trường này dù cơ quan chức năng hai nước đã bàn thảo nhiều năm qua. “Khi chưa tìm được đầu ra xuất khẩucho các sản phẩm, giá thịt heo, gà… vẫn luôn ở tình trạng bấp bênh mỗi khi thị trường biến động”, ông Sơn nói.
Heo nhập lậu có tác động đến heo trong nước hay không? Câu trả lời “tất nhiên” là có. Nhưng việc tác động này chủ yếu đến với các nông hộ nhỏ lẻ, không nằm trong chuỗi liên kết. Còn với các doanh nghiệp chăn nuôi, họ chủ động trong chăn nuôi, thức ăn,… giá thành cạnh tranh được với heo nhập lậu. Thiệt thòi và tổn thương vẫn là các hộ chăn nuôi.
“Hiện khối chăn nuôi nông hộ không liên kết, đang sản xuất tự do chiếm khoảng 45% về số lượng, với mức giá heo hơi dưới 55.000 đồng/kg thì hiệu quả kinh tế không cao. Đây là tính trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi đang ở mức tương đối như hiện nay. Về tổng thể 33 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, chúng ta vẫn phải nhập 65%, còn với thức ăn hỗn hợp chúng ta vẫn phải nhập khẩu trên 80%”, ông Trọng nói.
Bài toán ở đây đó là các hộ chăn nuôi bắt buộc phải vào chuỗi. Muốn vậy, các nông hộ phải tự liên kết với nhau thành chuỗi liên kết ngang, thành những tổ hợp tác, hợp tác xã, nhóm hộ. Chứ không doanh nghiệp nào có thể đến liên kết với từng hộ nông dân, bởi việc này rủi ro rất lớn.
Từ con số hơn 4 triệu nông hộ chăn nuôi đến nay chúng ta chỉ còn khoảng 1,7 triệu hộ, tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Trọng lo rằng hiện còn không đến con số 1,7 triệu hộ và con số này dự báo sẽ còn tiếp tục giảm nếu tình hình chăn nuôi tiếp tục diễn tiến như hiện nay.
Theo ông Trọng, bản chất của ngành chăn nuôi hiện nay là có tạo sản phẩm cạnh tranh hay không? Sắp tới đây, thị trường mở, nhập chính ngạch, nếu giá thành của chúng ta không tốt, thị trường quốc tế sẽ vào chứ không cứ từ việc nhập lậu.
Việc nhập lậu, nếu lực lượng chức năng và đặc biệt là chính quyền địa phương làm tốt thì sẽ ngăn chặn được. Nhập lậu thì chỉ là “tắc, bụp”, lúc có, lúc không. Tuy nhiên, vẫn phải đề nghị kiểm soát tốt việc này.
Nhưng quan trọng nhất của ngành chăn nuôi lúc này là phải tạo ra sản phẩm cạnh tranh, mà cạnh tranh ở đây phải bằng giá thành, bằng liên kết, giúp giảm chi phí đầu vào và chủ động được đầu ra sản phẩm, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
Rõ ràng, những biện pháp siết chặt kiểm soát biên giới, quản lý thị trường chỉ là "phần ngọn". Phần gốc là phải tổ chức lại ngành chăn nuôi để nâng cao sức cạnh tranh.
Theo số liệu của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2023, Việt Nam đã chi khoảng 1,4 tỉ USD để nhập khẩu hơn 600.000 tấn thịt các loại, trong đó thịt heo 133.000 tấn, gà 170.000 tấn, trâu 140.000 tấn, bò 31.000 tấn; còn lại là phụ phẩm chân gà, móng heo, tai, phủ tạng…
Còn theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong số 10 nước tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới thì Việt Nam cũng đứng thứ 6 với tỉ lệ tiêu thụ thịt heo/sản xuất là 105,4%. Điều này được hiểu là sản xuất thịt heo trong nước mới đáp ứng được 95% nhu cầu tiêu thụ thịt heo.
Với hơn 3,1 triệu tấn thịt xẻ quy đổi năm 2022 cùng với 114 nghìn tấn thịt xẻ nhập khẩu thì lượng thịt heo xẻ bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 32kg thịt heo xẻ /người/năm (năm 2021 khoảng 30kg thịt heo xẻ/người/năm).
Ước tính tổng số heo của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 12/2023 tăng khoảng 4,2% so với cùng thời điểm năm 2022; sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng cả năm ước đạt 4.865,8 nghìn tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022.