Gia công, chế biến hạt điều: Khó đầu ra, các cơ sở điêu đứng

Không chỉ trái thanh long phụ thuộc thị trường Trung Quốc, hạt điều cũng khó trăm bề trong khâu tiêu thụ…

Gia công

Gia công, chế biến hạt điều ở Công ty TNHH MTV Nam Trang ở thôn 2B, xã Đông Hà.

Gia công, chế biến hạt điều ở Công ty TNHH MTV Nam Trang ở thôn 2B, xã Đông Hà.

Nỗi lo hàng đi Trung Quốc

Huyện Đức Linh đã vào mùa điều hơn cả tháng nay. Thế nhưng, khác với mọi năm, năm nay, lượng người đi mua hạt điều dạo không nhiều, còn ở các cơ sở thu mua lớn, việc mua bán cũng kém sôi động…

Cơ sở Hoàng Gia Tiến, thôn 1, xã Đức Hạnh là 1 trong 5 cơ sở lớn chuyên về gia công, chế biến một số sản phẩm từ hạt điều dành cho xuất khẩu của Đức Linh, năm nay đến ngày 20 tháng giêng mới mở cửa đón công nhân trở lại làm việc, thay vì mồng 6 tết như mọi năm. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, chủ cơ sở cho hay: “Tôi có 2 nhà xưởng với 80 công nhân, nhưng nay phải cắt một nửa số lao động vì đơn hàng ít. Trước đây, nếu tính gia công thôi thì 7 tấn hạt điều/ ngày, nay là 2 tấn”.

Tại xã Đông Hà, Trần Thị Mỹ Trang – Giám đốc Công ty TNHH MTV Năm Trang cũng chuyên gia công, chế biến hạt điều ở thôn 2B, mới sản xuất trở lại cách đây hơn 10 ngày, không tránh khỏi ưu tư, chị nói: “Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng khá lớn đến thị trường xuất khẩu, khi Trung Quốc có một thời gian đóng cửa khẩu. Các đơn vị xuất hàng đi Trung Quốc chậm nhận hàng, hoặc nhận cầm chừng nên công ty tôi không khỏi ảnh hưởng. Nếu đóng cửa 1 - 2 ngày thì được nhưng lâu hơn thì công nhân họ tìm việc khác. Công ty đành chọn giải pháp chế biến thủ công (thay vì 90% máy móc) để giảm chi phí điện vừa giữ chân lao động”.

Ông Trương Quang Đến – Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đức Linh cho biết: “Với diện tích điều gần 10.000 ha, mọi năm có 60 - 80% sản lượng hạt điều của Đức Linh được gia công, chế biến cho mục đích xuất khẩu. Năm nay, do khâu xuất khẩu trở ngại, lượng hạt điều của nông dân bán ra chậm mà giá cũng giảm từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Tình hình này kéo dài, xem như lượng hạt điều chế biến xuất khẩu của Đức Linh không khỏi khó khăn. Và dĩ nhiên điều đó cũng ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người lao động”.

Mấy suy nghĩ về chế biến hạt điều

Lâu nay do đa số các cơ sở chế biến sản phẩm xuất khẩu từ hạt điều chỉ có 1 thị trường chính là Trung Quốc nên không tránh khỏi rủi ro cao khi Trung Quốc từ chối nhập hàng, hoặc nhập cầm chừng. Để tháo gỡ vấn đề này, ông Đến cho hay: “Trước mắt, ngành nông nghiệp vận động các cơ sở tích trữ, xử lý hàng tại các kho thật tốt, tránh mất phẩm cấp”. Thứ hai, Đức Linh khuyến khích các cơ sở xây dựng các chuỗi liên kết điều bền vững an toàn, hướng tới quy trình HACCP để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường mới, đặc biệt là thị trường châu Âu, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Từng bước hướng dẫn nông dân sản xuất hữu cơ, để sản phẩm đạt chất lượng, đạt yêu cầu xuất sang các thị trường khó tính”.

Có thể thấy rằng việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hạt điều, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc không phải là việc có thể làm xong một sớm một chiều. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay đa số các cơ sở kinh doanh gia công, chế biến hạt điều đều hạn chế nguồn lực đầu tư, khó khăn trong tiếp cận vốn vay. Trong khi đó, để vào được các thị trường khó tính, sản phẩm xuất khẩu ngoài sự an toàn còn bảo đảm các tiêu chuẩn do nước nhập hàng yêu cầu. Điều đó đồng nghĩa với việc nâng cao công nghệ chế biến, trình độ tay nghề của công nhân cũng phải nâng lên…

Từ thực tế câu chuyện trái thanh long mùa dịch Covid-19 chế biến thành các sản phẩm bánh mì, bánh cuốn, bánh tráng… bán rất chạy ở thị trường trong nước cho thấy việc quan tâm, xúc tiến thương mại thị trường nội địa vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Hạt điều nằm trong nhóm hạt chứa nhiều protein và một số chất béo rất tốt cho sức khỏe. Với hàm lượng dinh dưỡng cao, hạt điều là nguồn nguyên liệu cần thiết để các cơ sở bánh kẹo làm hương liệu hoặc chế biến thành các sản phẩm có hàm lượng giá trị cao… Thay vì chỉ chế biến thô, hoặc một số sản phẩm có hàm lượng giá trị thấp rồi xuất đi Trung Quốc như hiện nay. Bình Thuận có đến 17.000 ha điều, ngành nông nghiệp tỉnh, các địa phương có diện tích điều cần nghiên cứu thêm liên kết chế biến sản phẩm trong nước hoặc đa dạng hóa các sản phẩm từ hạt điều, mở rộng thị trường nông sản chế biến vốn được xem là tiềm năng.

Ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài, vùng điều Đức Linh gặp khó

“Với diện tích điều gần 10.000 ha trong tình hình dịch Covid-19 kéo dài thì việc tiêu thụ hạt điều địa phương sẽ rất khó khăn” - ông Trương Quang Đến – Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đức Linh, cho biết.

Thanh Duyên

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/gia-cong-che-bien-hat-dieu-kho-dau-ra-cac-co-so-dieu-dung-125452.html