Gia công xăm lưới, nghề mới ở Hải Dương

Vài năm trở lại đây, người dân xã Hải Dương, huyện Hải Lăng có thêm một nghề mới, giúp họ cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nghề này từ người già đến người trẻ đều có thể làm được lúc nông nhàn, rảnh rỗi, đó là nghề gia công xăm lưới.

 Những phụ nữ miệt mài công việc gắn phao vào lưới. Ảnh: T.T

Những phụ nữ miệt mài công việc gắn phao vào lưới. Ảnh: T.T

Trong ngôi nhà nhỏ của chị Nguyễn Thị Bông (sinh năm 1973) ở thôn An Nhơn, nhiều người phụ nữ chăm chú luồn kim khâu dây cước, gắn từng chiếc phao vào tấm lưới 3 màng. Mỗi người một góc, họ cố gắng làm xong tấm lưới để giao cho khách. Chị Bông là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn An Nhơn, cũng là người đầu tiên đưa nghề gia công xăm lưới đến với người dân xã Hải Dương.

Chị Bông quê ở thôn Vân Tình, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 1992, chị lấy chồng là anh Dương Đình Toàn (sinh năm 1971) ở thôn An Nhơn, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng. Vốn có nghề làm lưới từ nhỏ nên sau khi theo chồng về làm dâu trên đất An Nhơn, chị nhận làm gia công lưới cho các đại lý để phụ giúp chồng trang trải cuộc sống. “Gia đình tôi ở gần sông hồ, nên từ nhỏ đã được bố mẹ dạy cách làm lưới để bố đi đánh cá. Đây là nghề truyền thống của thôn Vân Tình. Thôn An Nhơn và quê của tôi ở gần nhau. Vì thế, sau khi theo chồng về đây sinh sống, tôi nhận làm gia công lưới cho đại lý Thuận Dũng để kiếm thêm thu nhập”, chị Bông kể.

Nghề làm gia công xăm lưới không nặng nhọc, ai cũng có thể làm được, chỉ cần kiên trì. Sau khi nhận lưới thô, phao và dây cước từ đại lý, chị Bông phải gắn phao vào lưới theo đúng quy chuẩn của từng loại lưới. Khi hoàn thành công việc, đại lý sẽ đến nhập lại lưới và trả tiền công cho chị Bông. Chị Bông chỉ tốn công làm lưới, còn lại nguyên vật liệu, dụng cụ và đầu ra đều do đại lý cung cấp.

Lúc bấy giờ, người dân trong thôn An Nhơn thấy chị Bông ngày đêm miệt mài ngồi làm việc bên đống lưới nên cũng không mấy quan tâm. Tuy nhiên sau một thời gian, thấy nghề gia công xăm lưới mang lại cho chị Bông nguồn thu nhập khá lại chủ động thời gian nên nhiều người tới để tìm hiểu. Khi công việc đã dần ổn định, chị Bông nhận thêm hàng từ đại lý rồi nhắn nhiều chị em phụ nữ trong thôn cùng đến làm.

Ngồi cạnh chị Bông, chị Nguyễn Thị Liên (55 tuổi), hội viên phụ nữ thôn An Nhơn chia sẻ: “Phụ nữ ở vùng nông thôn như chúng tôi hầu hết không có việc làm ổn định, chủ yếu là làm nông nghiệp thời vụ. Cách đây vài năm, tôi được chị Bông nhận vào làm gia công lưới. Công việc nhẹ nhàng, chỉ cần kiên trì ngồi gắn phao vào lưới cho đại lý. Đặc biệt, nghề này có thể tranh thủ làm mọi lúc, mọi nơi và ai cũng có thể làm được cả”.

Không chỉ tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi trong thôn, chị Bông còn giúp nhiều chị em có nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống gia đình, vươn lên thoát nghèo. Đơn cử như trường hợp của chị Trần Thị Hòe, chị Lê Thị Lành. Cả 2 chị trước đây đều thuộc diện hộ nghèo của thôn. Cách đây hơn 5 năm về trước, 2 chị được chị Bông nhận vào làm gia công lưới. Với mức tiền công mỗi ngày từ 70-150 ngàn đồng/người/ngày, các chị có nguồn thu nhập đáng kể để trang trải cuộc sống gia đình. “Vợ chồng tôi làm nghề nông. Chồng tôi sức khỏe yếu, đau ốm liên miên lại nuôi 5 người con nên cuộc sống gia đình rất vất vả. Từ khi làm gia công lưới với chị Bông, tôi có thêm thu nhập ổn định để phụ giúp chồng. Nhờ vậy mà gia đình tôi đã thoát nghèo cách đây hơn 2 năm trước”, chị Hòe nói.

Để giúp đỡ được nhiều chị em phụ nữ hơn, năm 2019 vừa qua, Tổ hợp tác làm xăm lưới thôn An Nhơn được thành lập do chị Bông làm tổ trưởng. Tổ có 12 thành viên là phụ nữ trong chi hội. “Từ khi có tổ hợp tác, các chị em yên tâm hơn khi làm việc. Tôi nhận lưới từ đại lý nhiều hơn, sau đó giao cho các chị ở nhà tự làm. Khi nào xong thì tôi sẽ gom lại rồi giao cho đại lý. Tiền công của các chị phụ thuộc vào năng suất làm việc và tùy vào từng loại lưới. Nếu siêng năng thì mỗi ngày, một người có thể làm được 10 tay lưới (1 tay dài 50 mét) và nhận được tiền công từ 70- 150 ngàn đồng/người”, chị Bông nói.

Chị Lê Thị Thuận (sinh năm 1981), chủ đại lý Thuận Dũng, chuyên gia công lưới ở thôn Vân Tình, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế nói: “Để có một tấm lưới hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên, tấm lưới thô sẽ được dệt bằng máy. Sau đó, chúng tôi giao cho các nơi làm gia công chì và phao để hoàn thiện tấm lưới. Gia công chì đã có nơi khác làm nên chúng tôi hợp đồng với chị Bông ở thôn An Nhơn gia công phần phao lưới. Sau khi hoàn thành, chúng tôi sẽ thu gom lưới rồi đi bán ở TP. Đông Hà, thị xã Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng…”.

Mặc dù mới du nhập nhưng nghề gia công xăm lưới đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở thôn An Nhơn nói riêng và xã Hải Dương nói chung. Trưởng thôn An Nhơn Phạm Bá Hướng cho hay, toàn thôn có 150 hộ với 630 nhân khẩu, trong đó có 50 hộ với hơn 100 người làm nghề gia công xăm lưới. “Ban đầu chỉ có chị Bông làm thôi. Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, người dân trong thôn ai cũng làm gia công xăm lưới vì thời gian thoải mái và thu nhập ổn định quanh năm, mùa nào cũng làm được. Người làm chỉ ngồi trong nhà chứ không phụ thuộc vào thời tiết. Hiện nay từ người cao tuổi đến các em học sinh đều làm nghề này để kiếm thêm thu nhập. Nhờ đó, đời sống người dân trong thôn cũng dần khấm khá hơn”, ông Hướng thông tin.

Chủ tịch UBND xã Hải Dương Hoàng Cảnh cho biết: “Xuất phát từ thôn An Nhơn, nghề gia công xăm lưới đã được nhân rộng và lan tỏa ra toàn xã. Đến nay có hơn 200 người ở 3 thôn An Nhơn, Diên Khánh và Đông Dương làm nghề gia công xăm lưới với mức thu nhập ổn định từ 2,5 - 3 triệu đồng/ tháng. Có thể khẳng định tuy là nghề mới nhưng gia công xăm lưới đã giúp người dân trong xã tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình và nhiều hộ đã thoát nghèo”.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=147857