Giả danh lực lượng Công an sẽ bị xử lý như thế nào?
Hiện nay, có nhiều đối tượng mạo danh lực lượng Công an với nhiều mục đích khác nhau. Vậy các đối tượng này sẽ bị xử lý như thế nào?
Nhiều trường hợp mạo danh lực lượng Công an
Ngày 13/9, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Cao Bằng đã khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam để điều tra đối với Nguyễn Văn Quảng (27 tuổi) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, là đối tượng có liên quan đến vụ án Hoàng Thúy Lường bị khởi tố và tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 18,65 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 26/8, Phòng Cảnh sát kinh tế đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Hoàng Thúy Lường (42 tuổi). Đối tượng này đã thực hiện hành vi lừa đảo người bị hại số tiền 18,65 tỷ đồng qua việc hợp tác kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới với thủ đoạn hứa hẹn sẽ tạo các mối quan hệ làm ăn với cơ quan biên phòng, hải quan cả phía Việt Nam và Trung Quốc để cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng chính ngạch.
Quá trình mở rộng điều tra vụ án, Cơ quan Công an phát hiện Lường có quan hệ tình cảm với Nguyễn Văn Quảng. Do mắc nợ và cần tiền chi tiêu cho bản thân, Quảng đã mạo danh là cán bộ của Bộ Công an để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các bị hại.
Quá trình lừa đảo, đối tượng lợi dụng quan hệ quen biết với Hoàng Thúy Lường và một số bị hại khác, dụ dỗ Lường đưa tiền cho Quảng với lý do là cần tiền lo công việc. Quảng còn mạo nhận quen biết rất nhiều lãnh đạo cấp cao của Bộ Công an, cho bị hại xem số điện thoại và các tin nhắn để lấy lòng tin. Thực chất các số điện thoại và tin nhắn là do Quảng tự tạo lập nên.
Bước đầu, cơ quan Công an xác định đối tượng Nguyễn Văn Quảng đã lừa đảo chiếm đoạt được số tiền khoảng 16 tỷ đồng. Hiện vụ án đang tiếp tục điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật.
Một trường hợp khác vào khoảng 22h ngày 10/9, Tổ công tác 238 Công an tỉnh nhận được thông tin trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn chạy qua thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, có một nhóm 4 đối tượng giả danh Tổ công tác đặc biệt 238 Công an tỉnh, tự ý dừng xe, kiểm tra giấy tờ của người dân.
Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, Tổ công tác 238 Công an tỉnh tiếp cận hiện trường, tuy nhiên 4 đối tượng đã rời khỏi hiện trường. Tổ công tác đã chuyển thông tin về Công an huyện Hương Sơn tiếp tục điều tra làm rõ.
Ngày 11/9, lực lượng chức năng xác định được danh tính 4 đối tượng: Nguyễn Trọng Ninh (23 tuổi); Nguyễn Anh Vũ (17 tuổi) cùng trú thôn 3, xã Đức Giang, huyện Vũ Quang; Bùi Đình Dũng (19 tuổi) và Nguyễn Minh Phúc (18 tuổi) cùng trú thôn 2, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang.
Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận: Khoảng 19h ngày 10/9 các đối tượng trên đường từ huyện Vũ Quang sang thị trấn Phố Châu để dự sinh nhật. Đến khoảng 21h, sau khi sinh nhật xong các đối tượng trên đường đi về thì này sinh ý định giả danh lực lượng tổ công tác 238 để dừng xe người đi đường.
Cả 4 đối tượng đã dừng 6 phương tiện tổng cộng 11 người, nhưng khi bị người dân yêu cầu kiểm tra giấy tờ thì các đối tượng đã lẩn tránh rồi lên xe bỏ chạy khỏi hiện trường.
Các đối tượng khai nhận, đây là lần đầu tiên thực hiện hành vi giả mạo tổ công tác 238 Công an tỉnh, do trước đó các đối tượng thấy lực lượng 238 tuần tra, kiểm soát làm việc trên địa bàn huyện Vũ Quang. Việc giả mạo nhằm mục đích trêu chọc người khác, chưa chiếm đoạt tiền của người đi đường.
Mức độ xử phạt tùy theo mục đích của đối tượng giả mạo
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, lực lượng vũ trang nhân dân có vai trò cũng như trách nhiệm rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn xã hội cũng như bảo đảm cho sự an toàn cho người dân. Vì vậy, hành vi mạo danh công an là hành vi bị nghiêm cấm. Tùy theo tính chất, mức độ và mục đích của hành vi mà người giả danh lực lượng Công an có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với hành vi giả danh lực lượng công an không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản:
Người có hành vi giả danh lực lượng Công an có thể bị xử phạt hành chính trong trường hợp vi phạm quy định về quản lý, sử dụng trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân theo quy định tại Khoản 1, Điều 20 Nghị định 144/2021/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân”.
Không chỉ bị xử phạt hành chính người có hành vi giả danh lực lượng công an nhân dân không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù theo quy định tại Điều 339 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): “Người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.
Trường hợp giả danh lực lượng Công an nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, tùy vào trị giá tài sản mà người thực hiện hành vi giả danh lực lượng công an chiếm đoạt được hoặc gây thiệt hại đến tổ chức, cá nhân khác để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Xử lý vi phạm hành chính:
Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định tại Điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản (điểm c, Khoản 1, Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP); Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản (điểm b, Khoản 2, Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Bên cạnh đó, người bị xử phạt còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đó là: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Xử lý về mặt hình sự:
Người có hành vi giả danh lực lượng Công an nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng trở lên thì tùy theo mức độ vi phạm và các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự mà người phạm tội có thể sẽ phải chịu mức hình phạt cao nhất đó là tù chung thân.
Các hình thức xử phạt có thể được áp dụng như sau: Phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; Phạt tù từ 2 năm đến 7 năm; Phạt tù từ 7 năm đến 15 năm; Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân; Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.