Giả danh người Lãnh sự quán Trung Quốc, lừa đảo 2 triệu USD

Những kẻ lừa đảo thường nhắm vào các sinh viên Trung Quốc sống tại Úc.

Nhiều gia đình Trung Quốc có con đang du học ở Úc đã bị lừa đảo lên đến hàng triệu USD, khi bọn lừa đảo gọi điện cho những người này và nói rằng con của họ đã bị bắt cóc, đài Fox News dẫn lời chính quyền bang New South Wales (Úc) cho biết hôm 27-7.

2 triệu USD cho một vụ lừa đảo

Lực lượng cảnh sát bang New South Wales, chính quyền và các trường đại học Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo các thành viên của cộng đồng về nhiều vụ lừa đảo qua điện thoại nhắm vào các sinh viên Trung Quốc.

Họ cho biết, chỉ tính từ đầu năm 2020 đến nay, cơ quan này đã xác định được tám vụ lừa đảo nhắm vào các sinh viên quốc tế Trung Quốc. Các vụ lừa đảo đều được tiến hành trót lọt và lừa được tổng cộng 3,2 triệu USD tiền chuộc.

Nạn nhân thường bị ép tự cột chân tay, bịt miệng rồi gửi hình cho bọn lừa đảo. Ảnh: Cảnh sát New South Wales/FOX NEWS

Nạn nhân thường bị ép tự cột chân tay, bịt miệng rồi gửi hình cho bọn lừa đảo. Ảnh: Cảnh sát New South Wales/FOX NEWS

Theo các nhà điều tra, những kẻ lừa đảo thường là người nói được tiếng Trung Quốc phổ thông. Nhóm lừa đảo ban đầu gọi cho các sinh viên Trung Quốc ở Úc, tự nhận là quan chức Đại sứ quán, Lãnh sự quán hoặc cảnh sát Trung Quốc và nói với sinh viên rằng họ liên quan đến một vụ án ở Trung Quốc hoặc danh tính của họ đã bị đánh cắp.

Để tránh bị rắc rối, họ phải trả một khoản phí để khỏi bị gặp vấn đề pháp lý, tránh bị bắt giữ hoặc trục xuất.

Những kẻ lừa đảo sẽ sử dụng công nghệ để che giấu các vị trí nơi bọn chúng và yêu cầu các sinh viên liên lạc thông qua các ứng dụng được mã hóa khác nhau như WeChat và WhatsApp.

Nạn nhân sau đó bị đe dọa hoặc ép buộc chuyển một lượng tiền lớn vào tài khoản ngân hàng nước ngoài không xác định. Trong một số trường hợp, sinh viên còn bị ép tham gia một vụ bắt cóc giả mạo nếu không sẽ gặp rắc rối.

Những kẻ lừa đảo yêu cầu những sinh viên Trung Quốc ngừng liên lạc với gia đình và bạn bè của họ. Sau đó, bắt họ thuê phòng khách sạn và chụp ảnh hoặc quay video mô tả cảnh họ bị trói và bịt mắt. Những bức ảnh này sau đó sẽ được gửi cho người thân của nạn nhân ở nước ngoài.

Khi cha mẹ nạn nhân không thể liên lạc với con của họ ở Úc, họ đã chấp nhận gửi các khoản thanh toán tiền chuộc lớn để con họ được thả, Lực lượng cảnh sát bang New South Wales cho biết.

Những kẻ lừa đảo sẽ tiếp tục đưa ra các lời đe dọa và đòi tiền chuộc cho đến khi phía gia đình nạn nhân không thể đáp ứng nhu cầu nào của chúng nữa. Tới lúc đó, các gia đình mới báo cảnh sát và phát hiện ra rằng con họ không hề hấn gì.

Theo cảnh sát New South Wales, có một gia đình Trung Quốc đã bị lừa đến hai triệu USD, sau khi kẻ lừa đảo đã gửi cho ông bố bức ảnh con gái họ bị trói và bịt miệng.

Chuyển tiền xong, người đàn ông này đã liên hệ với lực lượng cảnh New South Wales và họ đã tìm thấy cô sinh viên một giờ sau đó. Cô gái này không hề hấn gì và đang ở một mình tại một khách sạn ở Sydney, đài BBC đưa tin.

Du học sinh Trung Quốc được coi “miếng mồi ngon” cho những kẻ tội phạm ở Úc. Ảnh: Cảnh sát New South Wales/FOX NEWS

Du học sinh Trung Quốc được coi “miếng mồi ngon” cho những kẻ tội phạm ở Úc. Ảnh: Cảnh sát New South Wales/FOX NEWS

Về phía nạn nhân của những vụ bắt cóc ảo, họ đều sợ hãi và bị hối tiếc sau khi vụ việc xảy ra. Họ cho rằng mình đã tự đặt bản thân và gia đình vào tình thế nguy hiểm thật sự.

Báo cho cảnh sát khi có dấu hiệu nghi ngờ

Ông Darren Bennett, người đứng đầu lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm bang New South Wales cho biết đã liên lạc với Đại sứ quán và Lãnh sự quán Trung Quốc tại Sydney để thông báo về các vụ lừa đảo.

Ông Bennett cũng cho biết các cuộc gọi đang ngày càng trở nên phổ biến và diễn ra với mức độ thường xuyên đáng báo động.

"Gần như mỗi tuần chúng tôi đều chứng kiến có người trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo như thế này. Do đó, nếu bạn nhận được một cuộc gọi kiểu như vậy, hãy cúp máy, gọi điện thoại cho cảnh sát hoặc trường đại học của mình, nhưng tuyệt đối không trả tiền" - ông Bennett nói.

Ông cũng chia sẻ rằng những sinh viên khi nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là quan chức Trung Quốc, thì nên kiểm tra bằng cách liên hệ với Lãnh sự quán Trung Quốc tại Sydney để được tư vấn.

Học sinh, sinh viên cũng nên tìm kiếm lời khuyên từ trường học của họ và báo cáo vấn đề đó với sở cảnh sát địa phương.

Cũng theo giới chức Úc, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc đã khẳng định rằng không có ai từ phía chính quyền liên lạc với bất kỳ sinh viên qua điện thoại di động và yêu cầu phải trả các khoản tiền như vậy.

"Các sinh viên cần biết là không bao giờ có chuyện một tổ chức chính phủ nước này lại liên lạc với các du học sinh hay người Trung Quốc ở nước ngoài để đòi tiền" - Ông Peter Thurtell, Ủy viên cảnh sát bang New South Wales nhấn mạnh.

Với hơn nửa triệu du học sinh quốc tế đang theo học, Úc có thể bị coi là "mảnh đất màu mỡ" cho các tổ chức tội phạm, lừa đảo. Tổ chức phi lợi nhuận Consumer Watchdog của Úc cho biết đã có hơn 1.000 vụ lừa đảo giả mạo "đại diện chính quyền Trung Quốc" được ghi nhận trong năm 2019.

TÚ QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/gia-danh-nguoi-lanh-su-quan-trung-quoc-lua-dao-2-trieu-usd-927177.html