Giá đắt của tham vọng
Vì muốn thoát khỏi nợ nần, đứa con đã đánh mất tất cả, kể cả tình thân gia đình
Đứng ở bục khai báo của TAND TP HCM, người cha với mái tóc bạc phơ, đôi vai chùng xuống vì gánh nặng thời gian. Ở bên phải ông, người con trai cúi gằm mặt, né tránh cha mình. Bên trái, người con dâu cứ thi thoảng lại đưa tay lên quệt vội dòng nước mắt lăn dài.
Người cha đau khổ, đứa con bất nghĩa
Đại diện VKSND TP HCM công bố 3 bị cáo bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Khi vị này đọc bản cáo trạng, từng lời buộc tội như lột tả sự thâm hiểm, xảo trá đã được tính toán tỉ mỉ.
Câu chuyện bắt nguồn từ căn nhà ở phường 9, quận 11, TP HCM, vốn là tài sản đồng sở hữu của bị cáo T.V.C - người cha, và em trai cùng mẹ khác cha của ông. Thế nhưng con trai ông C. - bị cáo T.N.M - đã dựng lên một kế hoạch lừa đảo tinh vi, thuê người đóng giả em trai của cha, hợp thức hóa giấy tờ để bán căn nhà cho chính mình. Sau đó, M. đăng bộ sang tên rồi thế chấp căn nhà cho ngân hàng để vay 2,9 tỉ đồng.
VKS nhận định người cha biết rõ sự thật mà vẫn ký vào hợp đồng chuyển nhượng cho M. đã phạm vào tội đồng lõa.
Ông C. chậm rãi bước lên bục khai báo, giọng ông run run: "Tôi bị lừa". Câu nói đầu tiên của cụ ông 76 tuổi, chỉ học hết lớp 5, vang lên khiến cả phòng xử án lặng đi. "Nó nói với tôi mượn nhà vay 200 triệu đồng, tôi đâu biết nó vay tới mấy tỉ đồng!" - ông nghẹn ngào, ánh mắt như thể hiện sự bất lực.
Tuy vậy, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm buộc tội, cho rằng lời khai từ nữ công chứng viên là bằng chứng rõ ràng thể hiện ông C. đồng lõa. Nữ công chứng là người đã đến nhà trọ của M. để làm dịch vụ tại nhà. "Hôm đó, tất cả các bên đều có mặt, tôi không thể lập hồ sơ nếu thiếu bất kỳ bên nào" - đại diện cơ quan giữ quyền công tố dẫn lời khai của công chứng viên. Kiểm sát viên còn đọc bút lục lời khai của ông C. tại cơ quan điều tra, thể hiện tại nhà trọ của M., ông C. đã gặp người đóng giả em trai mình. Do yêu cầu của con nên ông đã không tiết lộ điều này với công chứng viên. VKS hỏi ông C. đây có đúng là lời khai của ông không? Ông C. im lặng cúi đầu.
Phần M. khai rằng sau khi người cha đồng ý cho mượn nhà, M. đã tìm đến người chú để xin mượn giấy tờ nhưng bị từ chối. Lúc này, người môi giới cho vay tên H. (chưa rõ lai lịch) đề nghị "giúp" M. bằng cách tìm người đóng giả chú của M. để ký hợp đồng chuyển nhượng căn nhà và làm hồ sơ vay vốn ngân hàng với giá 70 triệu đồng.
Tình thân tan vỡ vì lòng tham
Lắng nghe từng lời khai của các bị cáo đã khiến không ít người dự khán phải băn khoăn. Một phụ nữ khẽ thì thầm: "Nếu đúng như lời ông C. nói thì ông chỉ là nạn nhân, một người cha đã bị chính con mình lợi dụng. Ai mà không thương con nhưng thương yêu mù quáng lại thành đau thương".
Tiếp tục làm rõ có hay không sự đồng lõa, chủ tọa thẩm vấn M. về việc đã sử dụng 2,9 tỉ đồng như thế nào. M. khai dùng hơn 1 tỉ đồng trả nợ, phần còn lại trả phí môi giới, còn vài trăm triệu, M. giữ làm vốn kinh doanh. "Bị cáo không đưa cho cha mình sao?" - chủ tọa hỏi. "Bị cáo nghĩ chỉ còn ít tiền để làm ăn nên giữ hết, bị cáo cũng không đưa cho vợ" - M. trả lời.
Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó. Áp lực nợ nần chồng chất từ những khoản vay ngoài xã hội với lãi suất lên đến 20%/tháng đã đẩy M. vào hố sâu tội lỗi. Bị cáo khai rằng nhiều lần các nhóm giang hồ đã tìm đến nhà, khiến gia đình sống trong cảnh sợ hãi triền miên. Khai về tình cảnh bấy giờ, vợ bị cáo giàn giụa nước mắt kể: "Bị cáo rất sợ vì nhà còn có hai con nhỏ". Những lời khai ấy, dù không thể xóa nhòa tội lỗi nhưng đã phần nào làm dịu đi cơn bất bình của những người chứng kiến.
Chưa hết, ngoài lần này, M. còn bị xét xử liên quan đến 4 vụ lừa đảo khác. Tất cả diễn ra trong vòng 2 tháng ngắn ngủi, từ tháng 7 đến tháng 8-2017, trong bối cảnh xưởng sản xuất giày thua lỗ, nợ nần bủa vây và những lời mời mọc đầy cám dỗ từ các đối tượng môi giới cho vay. Họ đã dựng lên cho M. những "kịch bản hoàn hảo", khiến M. tin rằng mọi thứ đều trong tầm kiểm soát.
Thế nên, mỗi lần người vợ tỏ ra lo lắng, M. lại trấn an: "Mình vay rồi trả, có gì mà sợ!". Nhưng thực tế lại phũ phàng hơn rất nhiều. Những kẻ môi giới đã đưa ra các phương án tưởng chừng hợp lý nhưng bản chất lại là ép M. làm giả 4 sổ đỏ (cho căn nhà thuộc sở hữu gia đình M. và 2 căn nhà M. thuê để mở xưởng). Những giấy tờ giả này đã giúp M. tiếp cận các khoản vay từ những người nhẹ dạ như bà M., T.M, B., chiếm đoạt 1,2 tỉ đồng.
Khi được hỏi về những đối tượng môi giới, M. khai chỉ biết tên họ. Trong đó, cơ quan điều tra mời được 2 người là S. và D. lên làm việc. Hai đối tượng khai họ chỉ hưởng tiền hoa hồng, không biết các giấy tờ M. sử dụng là giả. Do đó, cả hai đều không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong vụ án này.
Không ai phủ nhận rằng M. là kẻ có tội nhưng đứng trước tòa, lời khai của bị cáo không khỏi khiến người nghe bùi ngùi. Từng câu chuyện của M. được lật mở như từng lớp vỏ bọc bị bóc tách, để lại bên dưới là những mảnh đời đầy sứt mẻ. Những con đường ngắn đầy rẫy rủi ro, tưởng chừng là lối thoát, hóa ra lại là vực thẳm.
Ngoài sân tòa, những người phụ nữ bị lừa đảo vẫn sục sôi tức giận. Họ hợp nhau lại, trách móc, sỉ vả và bàn cách đòi lại số tiền đã mất. Còn người thân của các bị cáo gục đầu, những giọt nước mắt chẳng thể nào rửa trôi được nỗi nhục nhã và bất lực.
Sau nhiều giờ thẩm vấn, HĐXX nhận thấy vẫn còn những tình tiết quan trọng chưa được làm sáng tỏ. Lời khai của các bị cáo có nhiều mâu thuẫn, trong khi các chứng cứ chưa đủ sức thuyết phục để đưa ra phán quyết cuối cùng. Do đó, HĐXX quyết định trả hồ sơ vụ án để làm rõ những nghi vấn còn bỏ ngỏ.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/gia-dat-cua-tham-vong-196241220213146442.htm