Giá đất 'lên đồng': 4 Bộ, 5 địa phương quyết mạnh tay dẹp nạn 'sốt' đất

Trong chưa đầy nửa tháng qua, 4 Bộ cùng 5 địa phương đã liên tục ra văn bản chỉ đạo các cơ quan trực thuộc tăng cường việc quản lý đất đai, ngăn ngừa tình trạng 'sốt' đất ảo.

Quảng Nam cắt cơn “sốt” đất

Trong khi khắp nơi xuất hiện “sốt” đất, thì bất động sản Quảng Nam có diễn biến tương đối yên ả. Giá đất bình quân vẫn tăng, dao động từ 5% - 10% và không ghi nhận “sốt” đất cục bộ.

Tuy nhiên, để ngăn chặn hiện tượng “sốt” đất có thể xảy ra, ngày 5/4, UBND Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan trực thuộc phải tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai.

Nhiều cơ quan quản lý Nhà nước chỉ đạo tăng cường quản lý đất đai.

Bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật về kinh doanh bất động sản. Kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản bảo đảm hoạt động này tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, UBND Quảng Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin, để tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính và có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt đảm bảo theo đúng quy định.

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất,… để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản.

Quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đất đai về việc tách thửa đất. Xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Tham mưu kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội.

Ngoài ra, các đơn vị truyền thông của địa phương cũng được yêu cầu có trách nhiệm tuyên truyền, phố biến các quy định về luật đất đai, pháp luật về đầu tư, pháp luật về kinh doanh bất động sản… thông tin kịp thời về quy hoạch của địa phương để người dân hiểu và thực hiện, tránh bị lợi dụng, trục lợi.

Sở Xây dựng được giao phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu phân kỳ kế hoạch phát triển nhà ở đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế; thực hiện công bố công khai thông tin các dự án nhà ở đảm bảo các điều kiện giao dịch trên thị trường.

Quảng Nam không phải là địa phương đầu tiên có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý đất đai, tránh hiện tượng “sốt” đất, ảnh hưởng tới an ninh - trật tự địa phương.

4 cơ quan trực thuộc Chính phủ, nhiều địa phương lên tiếng

Trước đó, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Kế hoạch - Đầu tư , Ngân hàng Nhà nước cùng nhiều địa phương như Đà Nẵng, Hạ Long, Bình Phước;... đã đưa ra giải pháp nhằm cắt cơn “sốt” đất xảy ra khắp nơi.

Trong đó, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương công khai thông tin quy hoạch. Đồng thời, các địa phương có trách nhiệm xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản, quyền sử dụng đất, buông lỏng quản lý… vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan.

Riêng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, cần phải thực sự tiết kiệm, quản lý chặt chẽ, hiệu quả việc cấp đất, sử dụng đất cho các dự án; cấp đất phải căn cứ vào nhu cầu, khả năng thực tế triển khai gắn với các điều kiện nhất định về tiến độ, kết quả thực hiện dự án, nghĩa vụ với nhà nước và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.

"Việc cấp và giao đất phải được thực hiện hiệu quả, công khai, minh bạch thông qua các hình thức đấu thầu, đấu giá theo đúng quy định và bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp", Bộ này đề nghị.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này đã đưa ra cảnh báo việc cho vay bất động sản đang tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng. Do đó, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ và có biện pháp hạn chế, đối với các trường hợp đầu cơ bất động sản, hoặc đầu tư tại các dự án với khả năng thanh toán hoặc hiệu quả đầu tư không cao.

Cuối cùng, về phía Bộ Tài nguyên - Môi trường, đơn vị này đề nghị các cơ quan thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản.

Quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đất đai về việc tách thửa đất. Xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-dat-len-dong-4-bo-5-dia-phuong-quyet-manh-tay-dep-nan-sot-dat-post126629.html