Giá đất trên đỉnh núi cao ngất ngưởng, không có dăm chục tỷ 'khó nói chuyện'
Trên đỉnh núi Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), giá nhà đất hiện ở mức cao ngất ngưởng, gần 300 triệu đồng/m2. Khi khách có nhu cầu mua, chủ đất nói rằng 'có trong tay dăm chục tỷ đồng mới nói chuyện'.
Bất động sản trên núi, giá trên "mây"
Thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) nằm ở độ cao 900m so với mực nước biển, cách Hà Nội khoảng 80km, đây là một trong những địa danh du lịch nổi tiếng của Vĩnh Phúc.
Không chỉ bởi khí hậu mát mẻ, phong cảnh hùng vĩ, tầm nhìn bao quát cả một vùng đồng bằng rộng lớn, Tam Đảo còn được nhiều nhà đầu tư biết đến với mức giá bất động sản rất cao, thậm chí hơn nhiều so với đất nội đô Hà Nội. Nhiều người còn cho rằng, có tiền chưa chắc đã mua được đất ở trung tâm thị trấn Tam Đảo.
Theo khảo sát của PV VietNamNet, những ngày cuối tháng 3, giá bất động sản ở Tam Đảo vẫn cao ngất ngưởng. Dù giá đất trung tâm tăng nhẹ nhưng vẫn ít người có nhu cầu bán, khu vực xa trung tâm có mức giá tăng dần đều, do nhu cầu mở rộng thị trấn.
Hơn 20 năm sống tại Tam Đảo, ông Nguyễn Văn Tiến, 60 tuổi (quê TP Vĩnh Yên) cho hay, đất ở đây rất đắt, trung tâm không nhiều người muốn bán, họ chỉ cho thuê để kinh doanh. Nếu bán thường là những người chủ quá cần tiền, vỡ nợ.
“Có quán karaoke ngay giữa trung tâm, view nhìn xuống quảng trường trung tâm, diện tích mặt sàn cỡ hơn 200m2, bán hồi cuối 2022 với giá 55 tỷ đồng cả nhà, cả đất, tính ra gần 300 triệu đồng/m2. Bây giờ thì chắc chắn không còn giá đó”, ông Tiến kể.
Khảo sát của VietNamNet tại một số vị trí đắc địa trên thị trấn Tam Đảo cho kết quả khá bất ngờ.
Cụ thể, một khách sạn 9 tầng, có view đẹp nhất thị trấn Tam Đảo, đất mua trước đây khoảng 7-8 năm đã có giá hơn 30 tỷ đồng, diện tích khoảng 250m2. Sau khi hoàn thiện, khách sạn trên được định giá hơn 250 tỷ đồng, nhưng gia chủ chưa có nhu cầu bán.
Một mảnh đất khác có diện tích 300m2 phía sau tòa khách sạn Grand Victory đẹp bậc nhất thị trấn, mặt đường phía trong, được giao dịch với giá 48 tỷ đồng. Tính sơ bộ, riêng giá trị ô đất là 160 triệu đồng/m2. Chủ của ô đất trên đang xây dựng công trình cao 9 tầng, khi hoàn thiện, giá trị của công trình gắn với ô đất này sẽ ở ngưỡng hàng trăm tỷ đồng.
Giá đất tại thị trấn Tam Đảo cao ngất ngưởng bởi giá trị mang lại từ việc kinh doanh khách sạn cho thu nhập "khủng". Đơn cử, giá thuê phòng khách sạn Century Hotel 3 sao, được quảng cáo là vị trí đẹp, có view nhìn xuống toàn bộ thị trấn là 2,5 triệu đồng/đêm, với phòng 28m2 vào ngày cuối tuần. Còn với khách sạn 5 sao dự kiến có giá khá 5-10 triệu đồng/đêm, tùy từng hạng phòng và thời điểm khách đến nghỉ.
Theo chị Minh Hòa, chuyên môi giới bất động sản tại huyện Tam Đảo, hiện nay đất trung tâm thị trấn Tam Đảo ít người có nhu cầu bán, họ chủ yếu cho thuê. Chỉ có thể mua ở các đường phía trong nhưng giá cũng rất cao. Hiện nay có giao dịch là ở các khu vực rìa thị trấn, với mức giá phù hợp từ khoảng 45-50 triệu đồng/m2, chỉ có đất không có nhà.
“Hiện có chủ muốn bán mảnh đất ở rìa trung tâm, đoạn đường Trần Quốc Tuấn, có 1 căn nhà có thể khai thác cho thuê được ngay, nhưng phải sửa sang nhiều, nhà đã cũ. Giá chủ nhà đang rao bán là 48 triệu đồng/m2”, chị Hòa chia sẻ.
Đất cho thuê cũng đắt đỏ
Theo tìm hiểu của PV, giá thuê dịch vụ để kinh doanh ở thị trấn Tam Đảo cũng không hề rẻ, do đặc thù đất dịch vụ, kinh doanh du lịch.
Anh Minh Tuấn (38 tuổi), chủ kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn ở thị trấn Tam Đảo cho biết, giá thuê một khách sạn 5 tầng, diện tích mặt sàn khoảng 100m2 để kinh doanh khách sạn nhà nghỉ ít cũng khoảng 500 triệu đồng/năm tùy vị trí, số phòng. Tính trung bình mỗi m2 có giá cho thuê mỗi năm từ 4,5-5 triệu đồng.
“Đấy là vị trí cho thuê mặt bằng bên trong, còn các nhà hàng mặt đường chính đối diện với quảng trường, thuê làm nhà hàng phục vụ ăn uống thì giá thuê một năm đắt hơn nhiều, ít nhất cũng từ 800-900 triệu đồng/năm. Đầu năm 2024, có căn đối diện Nhà thờ đá Tam Đảo mới cho thuê kinh doanh cà phê, ăn uống là 1,2 tỷ đồng/năm”, anh Tuấn nói thêm.
Thị trấn Tam Đảo chỉ có diện tích 2,15km2, lại chủ yếu là núi nên không có nhiều đất xây dựng, quỹ đất không còn, bất động sản trên đỉnh núi được xếp vào hàng hiếm, nhu cầu dịch vụ du lịch ngày một tăng cao, nên giá đất ở đây gần như chỉ có đà tăng giá, không giảm.
Bà Vũ Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo cho biết: Ngay trong những tháng đầu năm 2024, du lịch Tam Đảo tiếp tục đón nhận tin vui khi quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được công bố đã xác định Tam Đảo là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao, văn hóa... của tỉnh và cả nước.
Theo bà Ngọc, sự kiện nêu trên là điều kiện đánh thức tiềm năng, dư địa, lợi thế, tạo bước đột phá, mở ra cơ hội, không gian phát triển mới cho Tam Đảo trong tiến trình khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch trong nước và thế giới.
Điều này càng khiến giá đất trên đỉnh núi hút khách bậc nhất của tỉnh Vĩnh Phúc và các địa phương lân cận ngày càng thêm đắt đỏ.