Giá dầu Brent duy trì ngưỡng trên 60 USD/thùng

Giá dầu sắp chứng kiến tuần tăng mạnh nhờ được hỗ trợ từ lượng dự trữ dầu thô Mỹ giảm trong bối cảnh nhiều nhà sản xuất dầu trên toàn cầu cố gắng hạn chế tăng sản lượng.

Giá dầu giao dịch ổn định trong phiên giao dịch ngày 25/10 và đang trên đà có tuần phục hồi trước thông tin dầu dự trữ của Mỹ bất ngờ sụt giảm và dự đoán Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh sẽ cắt giảm sản lượng sâu hơn để hạn chế ảnh hưởng từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc.

Giá dầu châu Á để mất chuỗi ba phiên tăng liên tiếp trong phiên 25/10, song vẫn duy trì mức đỉnh trong 1 tháng, khi những dự báo không mấy lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu khiến giới giao dịch tiếp tục lo ngại về triển vọng nhu cầu đối với mặt hàng năng lượng.

Giá dầu giao dịch ổn định trong phiên ngày 25/10.

Giá dầu giao dịch ổn định trong phiên ngày 25/10.

Giá dầu giảm nhẹ khoảng 2 xu Mỹ, xuống mức 61,65 USD/thùng, và sắp thiết lập mức tăng gần 4% trong tuần này. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ hạ 9 xu Mỹ xuống còn 56,14 USD, và đang trên đà đạt mức tăng hơn 4% trong tuần.

Trước đó, giá “vàng đen” đã có 3 phiên tăng mạnh mẽ nhờ thông tin lượng dầu dự trữ của Mỹ bất ngờ sụt giảm, cũng như những dấu hiệu lạc quan cho thấy OPEC cùng các nhà sản xuất dầu chủ chố khác, dẫn đẫu là Nga sẽ điều chỉnh thỏa thuận cắt giảm sản lượng sâu hơn để hỗ trợ thị trường dầu mỏ.

Cả giá dầu Brent và WTI đã ở mức cao nhất trong gần 1 tháng khi chốt phiên giao dịch ngày 24/10.

Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ xăng tại Mỹ đã giảm 21 triệu thùng trong 3 tuần qua. EIA hôm 23/10 công bố rằng nguồn cung dầu thô Mỹ giảm lần đầu tiên trong 6 tuần, mức giảm 1,7 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 18/10.

“Việc tiêu thụ yếu kém theo mùa của ngành chế biến dầu thô dường như đã chấm dứt và sản lượng tiêu thụ dầu thô sẽ tăng trở lại”, nhà phân tích Carsten Fritsch của Car Commerzbank nhận định về báo cáo của EIA.

Trong khi đó, nguồn tin từ Reuters nói rằng Ả Rập Saudi - nhà lãnh đạo thực tế của OPEC, đang buộc các nước thành viên trong liên minhthực hiện đủ cam kết giảm sản lượng trước khi xem xét tiếp tục giảm sản lượng trong tháng 12 tới. Ả Rập Saudi đang muốn nhắm đến Iraq và Nigeria, hai thành viên tuân thủ giảm sản lượng kém nhất trong OPEC.

Giá dầu Brent đã tăng 14% kể từ đầu năm đến nay, phần lớn nhờ sự hỗ trợ của thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và các đồng minh, còn được gọi là Nhóm OPEC+.

Nhóm OPEC+ đã thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng khoảng 1,2 triệu/ngày từ tháng 1, và sẽ kéo dài đến tháng 3/2020 để đẩy giá dầu đi lên. Dự kiến, OPEC+ sẽ có cuộc họp vào ngày 5-6/12 để xem xét chính sách điều hành sản lượng.

Tuy nhiên, những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu vẫn là yếu tố chính ảnh hưởng lớn tới giá dầu trong dài hạn.

Nhà phân tích thị trường cấp cao Jeffrey Halley của công ty môi giới đầu tư OANDA, cho rằng khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, nhu cầu năng lượng cũng giảm theo. “Vì vậy, những chuỗi ngày tăng giá của dầu mỏvề thực tế là sẽ khá hạn chế” - chuyên gia Halley cho hay.

Một cuộc thăm dò ý kiến khác cũng do Reuters thực hiện cho thấy các chuyên gia đánh giá thỏa thuận "đình chiến" thương mại giữa hai cường quốc kinh tế thế giới đạt được trong vòng đàm phán lần thứ 13 tại Washington không phải là một bước ngoặt kinh tế. Nó cũng không có nhiều tác động để giảm thiểu rủi ro kinh tế Mỹ sẽ rơi vào tình trạng suy thoái trong 2 năm tới.

Theo số liệu mới được công bố, lượng đơn hàng mới và xuất khẩu các tư liệu sản xuất chủ chốt do Mỹ chế tạo đã giảm trong tháng 9, dấu hiệu cho thấy hoạt động đầu tư kinh doanh vẫn ảm đạm do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong tháng 9/2019, số đơn hàng mua tư liệu sản xuất phi quân sự không tính máy bay, vốn được xem là thước đo cho các kế hoạch đầu tư và trang thiết bị của doanh nghiệp, đã giảm 0,5% so với tháng Tám, mạnh hơn so với mức dự đoán giảm 0,2% mà giới chuyên gia đưa ra trước đó trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.

Nguyễn Thu (Theo Reuters)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/gia-dau-brent-duy-tri-nguong-tren-60-usdthung-nho-ky-vong-opec-han-che-nguon-cung-355945.html